Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo nên những bước đột phá đáng kể trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có giáo dục. Đặc biệt, sự phát triển của các mô hình AI thế hệ mới như Gen AI đang mở ra những cơ hội lớn cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đi cùng với tiềm năng là những thách thức không nhỏ về cách ứng dụng và tạo môi trường để công nghệ này phát triển một cách hiệu quả và phù hợp với bối cảnh giáo dục trong nước.
PGS. TS Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về trí tuệ nhân tạo ứng dụng, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này .
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết trong bối cảnh người Việt ngày càng thích nghi với cuộc sống số hóa, công nghệ, AI đã có tác động như thế nào đến ngành giáo dục?
PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Trong 2 năm gần đây, công nghệ AI tạo sinh (Generative AI hay GenAI) có tác động vô cùng lớn đến công việc của mọi ngành nghề chứ không chỉ riêng trong ngành giáo dục.
Trong ngành giáo dục nói riêng, các sinh viên sử dụng công nghệ này để hỗ trợ học tập, viết các báo cáo chuyên đề hay cung cấp số liệu phục vụ nghiên cứu một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Đây có thể coi là bước đột phá trong việc dạy và học trong trường Đại học khi sinh viên có thể tận dụng các công nghệ số để thu được các thông tin cơ bản về nội dung học tập thông qua các phần mềm như ChatGPT hay Microsoft Copilot, từ đó sàng lọc và tập trung vào những phần thảo luận chuyên sâu trong từng chuyên đề.
Giảng viên cũng có thể sử dụng công nghệ AI tạo sinh trong hỗ trợ tìm kiếm thông tin phù hợp soạn bài giảng và thảo luận. Các nhà quản lý tại các trường ĐH sử dụng ChatGPT để viết các báo cáo chính sách và tham luận nhanh chóng.
Có thể nói, công nghệ AI tạo sinh đã thay đổi một cách toàn diện cách thức giảng dạy và vận hành tại các trường ĐH, hỗ trợ công việc hiệu quả hơn.
PV: Như chúng ta đã biết, thời gian vừa qua Việt Nam đã thu hút được đầu tư của công ty NVDIA. Ông nghĩ giáo dục Việt Nam nên làm gì để có thể cung cấp nhân lực chất lượng cao và phù hợp với yêu cầu của những công ty công nghệ muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam như NVDIA?
PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Vấn đề bây giờ là vẫn có một sự chênh lệch giữa đào tạo đại học và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Có mấy vấn đề mà giáo dục Việt Nam cần phải làm để thu hẹp khoảng cách này.
Thứ nhất, các trường phải có chương trình đào tạo cho sinh viên năm cuối hoặc thậm chí từ năm thứ 3 những khóa đào tạo ngắn hạn cho việc thích nghi với sự chuyển đổi công việc sau khi tốt nghiệp.
Ví dụ như là một khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng AI vào công việc. Khóa học này có thể kéo dài trong khoảng 3 đến 6 tháng, tạo 1 nền tảng cho các sinh viên nhanh thích ứng với công việc. Các khóa đào tạo upskill cho những người đã đi làm cũng cần thiết để họ có thể sử dụng AI hiệu quả cho công việc của mình.
Thứ hai, các trường nên thay đổi phương pháp đào tạo. Nhà trường nên tạo ra môi trường sử dụng các công cụ AI cho sinh viên. Ví dụ: các trường nên mua một số nền tảng ứng dụng AI như Google AI, NVIDIA Platform, ChatGPT, … để sinh viên có cơ hội được thực nghiệm trên các công cụ AI chứ không chỉ là lý thuyết suông.
Ngoài ra, cũng phải có chính sách đào tạo các giảng viên về cách sử dụng AI và cách để truyền đạt, hướng dẫn sinh viên sử dụng AI đúng cách. Việc này cần định hướng lâu dài và xuyên suốt chứ không phải chỉ trong thời gian ngắn mà đã có được thành quả.
Tôi nghĩ nếu làm được điều này thì sẽ giúp Việt Nam ngày càng phát triển, xây dựng được các công nghệ mũi nhọn, giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp và phát triển xã hội.
PV: Theo quan điểm của ông thì AI nói chung và AI tạo sinh nói riêng có được xem là đòn bẩy để giáo dục Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách với giáo dục quốc tế không?
PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Trước đây, sinh viên nếu muốn có môi trường học tập tốt thì phải đi du học nước ngoài. Sinh viên sang các nước Châu Âu hay Mỹ sẽ có nhiều cơ hội gặp được các giáo sư nổi tiếng và cơ hội tiếp cận với môi trường học tập tiên tiến. Nhưng hiện nay với công nghệ 4.0 và đặc biệt là AI và AI tạo sinh, sinh viên Việt Nam không cần phải đi nước ngoài nữa.
Ngày nay, qua môi trường số, sinh viên có thể trao đổi trực tiếp và tương tác với các giáo sư nổi tiếng từ Mỹ, châu Âu ngay tại Việt Nam. Trong ngành trí tuệ nhân tạo, việc học lập trình và thực hành có thể được hỗ trợ hiệu quả với công nghệ ChatGPT.
Sau khi sinh viên lập trình xong thì có thể kiểm tra mã nguồn (source code) thông qua ChatGPT. Việc xây dựng ứng dụng cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn thông qua công nghệ Low-Code/No-Code; sinh viên chỉ cần xây dựng giao diện ứng dụng (Mockup) và sử dụng AI tạo sinh để sản xuất ra mã nguồn và ứng dụng hiệu quả.
Như vậy, sinh viên chỉ tập trung thảo luận chuyên sâu với các chuyên gia và Giáo sư nước ngoài về các công nghệ lõi và các kỹ thuật chuyên sâu, rút ngắn thời gian nghiên cứu cơ bản và công nghệ như những gì chúng tôi đang triển khai tại Trung tâm AIRC, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN.
Theo tôi, không chỉ trong ngành trí tuệ nhân tạo, các ngành khác cũng được hưởng lợi ích tương tự. Không chỉ tiết kiệm chi phí, AI còn hỗ trợ việc thành lập các nhóm nghiên cứu quốc tế, nơi các thành viên từ nhiều quốc gia hợp tác trên các dự án lớn.
Đây là cơ hội để sinh viên Việt Nam tham gia và học hỏi từ môi trường nghiên cứu toàn cầu. Và qua đó cũng rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và giáo dục của những nước tiên tiến.
PV: Có ý kiến lo ngại về việc học sinh, sinh viên sẽ bị phụ thuộc vào AI, dẫn đến mất đi kỹ năng tự học và ảnh hưởng đến quá trình phát triển tư duy sáng tạo. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Theo quan điểm của tôi, lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Sự thật hiện nay là rất nhiều sinh viên bị phụ thuộc tương đối nhiều vào công nghệ.
Cách đây khoảng 15 năm, ít có sinh viên có thói quen lên Google để tìm thông tin hoặc để viết các bài luận. Nhưng hiện nay thì điều đó đang dần trở nên phổ biến. Không chỉ dừng lại ở Google, mà sinh viên còn dùng cả ChatGPT, Microsoft Copilot và các công nghệ AI tạo sinh khác.
Trên thực tế thì chúng ta không thể cấm được việc học sinh, sinh viên sử dụng công nghệ đặc biệt là công nghệ AI và chúng ta cũng không nên cấm. Thay vào đó, giảng viên và nhà trường nên vạch rõ ranh giới, phần nào học sinh, sinh viên có thể được phép dùng AI, phần nào học sinh sinh viên buộc phải có sự nghiên cứu kĩ lưỡng về các phần kiến thức để trả lời.
Điều này cũng giống thay vì ra đề đóng thì hãy thay bằng hình thức đề mở và để đề xuất các câu hỏi trong hình thức đề mở thì học sinh, sinh viên bắt buộc phải có sự nghiên cứu và tìm hiểu về những phần kiến thức được giảng viên giảng dạy hoặc được ghi trong giáo trình.
Như vậy, không chỉ học sinh sinh viên mà cả giáo viên cũng phải nâng cao trình độ trong bối cảnh công nghệ số đang len lỏi trong khắp các khía cạnh của cuộc sống. Việc này sẽ giúp giáo dục Việt Nam thay đổi tiếp cận, hướng đến người học dưới góc độ cá thể hóa, tập trung vào phát triển chương trình giáo dục chuyên sâu cho từng học viên, định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, và xa hơn là hướng đến học lâu dài (life-long learning).
Theo tôi, ý nghĩa của công nghệ AI tạo sinh sẽ tốt hơn khi chúng ta biết cách sử dụng công nghệ này đúng thời điểm và đúng mục đích.
PV: Theo ông, dự báo trong vòng 5 năm tới thì AI sẽ thay đổi ngành giáo dục như thế nào?
PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Từ năm 2018, AI đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thông qua các chương trình lớn của Đảng và Chính phủ như Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, cũng như qua các hội thảo AI tại các trường Đại học và doanh nghiệp (AI4Life,..).
Từ đó, nhiều trường Đại học cũng đã tích hợp hoặc xây dựng mới chương trình đào tạo chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo, thu hút rất nhiều sinh viên theo học.
Các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC,.. cũng đã xây dựng nhiều nhóm nghiên cứu và bộ phận về AI tại các doanh nghiệp, tạo nên thị trường việc làm sôi động về công nghệ AI.
Dự báo trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có rất nhiều những kĩ sư về nền tảng kỹ thuật số và các ngành có liên quan đến AI (AI Chip, AI trong y tế,..).
Viễn cảnh về AI 5 năm tới của Việt Nam sẽ có mấy vấn đề lớn như sau:
Vấn đề thứ nhất là nó sẽ tạo ra một nguồn nhân lực về AI lớn cho các công ty, các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT, CMC, …từ đó sẽ thay đổi một cách hiệu quả về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, đi đôi với lượng cần có sự thay đổi về chất. Sẽ lại có khoảng 30% kĩ sư AI trình độ cao có việc làm với thu nhập tốt, tập trung vào phát triển các công nghệ lõi. Còn các kĩ sư AI khác sẽ tập trung vào các công việc giản đơn (xây dựng dữ liệu, nhắc dữ liệu – prompt, ..). Việc này sẽ phân hóa thị trường lao động và tạo đòn bẩy phát triển kinh tế số đưa đất nước tiến đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời Tổng Bí Thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai là về mặt đào tạo và giáo dục. Tình thế bắt buộc các trường đại học hay các cơ sở đào tạo cũng phải thay đổi mô hình dạy và học.
Trong 5 năm tới không chỉ là ngành công nghệ thông tin nữa mà mọi ngành kể cả ngành kinh tế, môi trường, địa lý, … đều phải ứng dụng AI một cách triệt để. Ngay cả trên thế giới, có thể thấy các giải Nobel Vật lý hay Hóa học đều có hàm lượng AI đáng kể trong đó thì không có lí do gì mà các ngành khác không dùng. Cho nên việc áp dụng AI vào các ngành là xu thế không thể đảo ngược.
Thế nhưng cách tiếp cận AI của nền giáo dục Việt Nam trong thời gian tới cũng phải thay đổi theo hướng ngành CNTT sẽ nghiên cứu chuyên sâu còn những ngành học khác sẽ mang tính ứng dụng nhiều hơn chứ không phải chỉ nghiên cứu đơn thuần. Giảng viên cũng cần thay đổi theo để thích nghi. Các nhà quản lý Đại học cũng cần tập trung vào nhóm tinh hoa thay vì đào tạo đại trà. Như vậy, giáo dục cũng sẽ phân tầng.
Vấn đề thứ ba là đối với sinh viên. Trước đây sinh viên chỉ chú trọng hai kĩ năng là kĩ năng tin học và kĩ năng ngoại ngữ. Nhưng xu hướng trong tương lai sẽ phải thêm kĩ năng thứ 3 là kĩ năng sử dụng AI.
Đặc biệt là kỹ năng sử dụng AI để phục vụ cho công việc học tập và nghề nghiệp. Vì sau này khi sinh viên đi xin việc mà không biết sử dụng bất kỳ công cụ AI nào hoặc chưa từng thử nghiệm bất kì một công cụ AI nào thì khả năng bị các doanh nghiệp từ chối là rất lớn.
Trong ngành Marketing hiện nay các công cụ AI có thể hỗ trợ tạo các nội dung (content) và các quảng cáo rất nhanh và hiệu quả. Sẽ có sự khác biệt lớn giữa nhân sự có thể dùng AI và nhân sự không biết dùng. Vì vậy, cần chuẩn bị các kỹ năng hiệu quả từ sớm.
Trân trọng cảm ơn ông!