Nhận định này được ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, nêu tại hội thảo Triển vọng thị trường “Việt Nam - Con đường phía trước” ngày 10/10. Vị này cũng nhận định rằng mức tăng trên là rất “đáng ngưỡng mộ”.
Tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm sau cũng cao hơn hẳn so với các nền kinh tế trong khu vực như Indonesia ở mức 5%, Malaysia ở mức 4,5%, Philippines 5,2%, Thái Lan 4,2%,...
Đại diện HSBC cho rằng tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam đến từ quá trình tiếp tục hồi phục của hoạt động xuất khẩu, một phần là do sức tiêu dùng nội địa sẽ tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới. Ngoài ra, chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư công và khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng.
Trong hội thảo, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận xét thêm, Việt Nam đang có cơ hội trở thành một thị trường tiên phong trong những quốc gia đang phát triển. “Xét về tiềm năng, Việt Nam là thị trường hấp dẫn hơn rất nhiều so với Bangladesh hay Pakistan. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam, họ đều có chung nhận định rằng đây là quốc gia có nền chính trị ổn định, hiệu quả về chi phí, đồng tiền ổn định, lực lượng lao động chăm chỉ và thích ứng nhanh. Các quốc gia khác không có nhiều cơ hội như vậy”, ông Tim cho biết.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khi đến đầu tư vào Việt Nam còn kéo theo cả một hệ sinh thái, ví dụ như Lotte hay Samsung của Hàn Quốc. Họ có hệ sinh thái từ nhà máy sản xuất, trung tâm thương mại, bất động sản,… Điều này tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam phát triển kinh tế.
Nhìn nhận tình hình kinh tế năm 2023, chuyên gia từ HSBC dự báo GDP Việt Nam tăng khoảng 5%, bởi khó có đột phá trong quý cuối cùng của năm. Ông Brook Taylor Tổng Giám đốc Khối Quản Lý Tài Sản VinaCapital dự báo GDP Việt Nam ở mức ổn định, không tăng trưởng nhiều, khoảng 6% trong quý IV - mức chậm nhưng vẫn lạc quan hơn nhiều nước khác. Theo đó, GDP năm 2023 dự báo tăng 5%. Tuy nhiên, dù năm sau có rất nhiều “cơn gió ngược”, ông Brook Taylor vẫn khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam khi đưa ra dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2025.
Công nghệ sẽ làm dịch chuyển “đường cong giá trị”
Việt Nam ở giai đoạn trước nổi trội về may mặc, đồ nội thất, tuy nhiên 3 ngành điện tử, du lịch và dịch vụ tài chính, kết hợp với đội ngũ nhân sự có trình độ về công nghệ sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam từ nay đến 2025, ông Tim Evans nhận định. Trong đó, áp dụng công nghệ đóng góp một vai trò quan trọng.
“Ở thời điểm này, công nghệ là lĩnh vực rất tiềm năng, áp dụng càng sớm thì chi phí cho việc cạnh tranh sẽ thấp hơn rất nhiều và hiện tại nhiều doanh nghiệp muốn áp dụng công nghệ để dịch chuyển “đường cong giá trị”. Chuyển đổi số đóng góp tích cực vào sự thay đổi của Việt Nam. Vì vậy, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam trong tháng 9 vừa qua không phải ngẫu nhiên”, vị Kinh tế trưởng của HSBC cho biết.
Đồng quan điểm, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Đối tác quản lý - giao dịch, Thuế và Pháp lý của KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng trong chuyến thăm đó, công nghệ chip - chủ đề quan trọng trong công nghệ được bàn đến trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden, được kỳ vọng mang lại cơ hội nghề nghiệp, những tín hiệu tích cực cho thị trường và là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.
“Trong những yếu tố quyết định đến việc 150 doanh nghiệp đến tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam hồi tháng 8, công nghệ là một trong những lý do quan trọng. Trên quan điểm của tôi, khi đánh giá một doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư hay không cần xem xét đến yếu tố công nghệ, cùng đội ngũ nhân sự giỏi và các công cụ hỗ trợ liên quan. Điều này Việt Nam thật sự rất tiềm năng. Ngoài ra, sau các hoạt động hợp tác vừa qua, dự kiến Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong những năm tới”, ông Brook Taylor bổ sung.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Đối tác quản lý - giao dịch, Thuế và Pháp lý của KPMG Việt Nam và Campuchia gợi ý chiến lược 3C dành cho các doanh nghiệp, là tập trung vào dòng tiền (cash flow), vốn (capital) và khách hàng (customer). Trong đó, doanh nghiệp cần quan tâm tới yếu tố cá nhân hóa khi thu hút khách hàng.
Còn bà Megan Lawson, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia ERM Việt Nam, chuyên tư vấn và dịch vụ quản lý tài nguyên môi trường, khuyên rằng trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang ngày càng quan tâm đến yếu tố bền vững, thì doanh nghiệp nên quan tâm ESG, tức bộ tiêu chí đánh giá về môi trường (Environment), xã hội (Social), và quản trị (Governance).