Thừa nhận lý lịch “bịa đặt”
Khoảng thời gian trước, trong một cuộc điều tra riêng, các công tố viên liên bang đã phát hiện nhiều gian dối trong hồ sơ lý lịch của George Santos. Cuối cùng, vào thứ 4, ngày 28 tháng 12, Santos đã thừa nhận bản thân nói dối về sơ yếu lý lịch, bao gồm gốc gác, học vấn và quyền sở hữu tài sản.
Theo tờ New York Times, Santos từng bị điều tra hình sự tại đây vào năm 2008 do bị cáo buộc dùng ngân phiếu ăn cắp để mua hàng ở thành phố Niteroi. Cuộc điều tra không có đủ bằng chứng nên Santos không phải ra tòa. Tuy nhiên, lúc vận động tranh cử, ông lại phủ nhận hoàn toàn vụ việc mình từng bị giới chức Nam Mỹ điều tra.
Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình, Santos cho biết mình đã theo học tại trường Horace Mann, một trường tư thục ưu tú ở Riverdale thuộc vùng Bronx. Tuy nhiên, gia đình ông đã gặp khó khăn về tài chính khiến ông phải bỏ học nhưng bản thân vẫn đạt điểm cao và có bằng tốt nghiệp tương đương của trường.
Một phát ngôn viên nói với The Washington Post rằng không hề có bất kỳ thông tin nào của ông Santos về việc ông từng học tập tại đây. Sau này, Santos cũng đã thừa nhận bản thân không tốt nghiệp bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào.
Ông cũng thừa nhận mình là người Công giáo nhưng nói dối là người do Thái để tăng sức cạnh tranh khi địa phương có nhiều cử tri là người do Thái. Và việc là nhân viên của tập đoàn Citigroup và Ngân hàng Goldman Sachs cũng là một lời nói dối.
Bà Anne T. Donnelly (Đảng Cộng hòa), ủy viên công tố quận của hạt Nassau nói "Những lời nói dối của ông Santos khiến chúng ta ngỡ ngàng". Theo bà, người dân ở Long Island và Queens xứng đáng có người đại diện trung thực và có trách nhiệm hơn. "Không ai có quyền phạm pháp. Bất kỳ ai phạm tội ở hạt này, chúng tôi sẽ khởi tố", bà Donnelly nói về quyết định điều tra đối với ông Santos.
Nghi vấn tài chính “mập mờ”
Bên cạnh lời nói dối về học vấn, gia đình, tôn giáo, nhiều công tố viên liên bang, khu vực đã điều tra xem George Santos có làm điều gì “khuất tất” liên quan đến vấn đề tài chính hay không? Cuộc điều tra đang ở giai đoạn đầu, do văn phòng công tố Mỹ trụ sở Brooklyn thực hiện và tập trung vào một phần các giao dịch tài chính của Santos.
Theo báo cáo điều tra trên tờ The New York Times, Santos đã “bỏ qua” các chi tiết quan trọng về hoạt động kinh doanh của mình trong các công bố tài chính.
Nhiều câu hỏi đặt ra rằng, làm thế nào Santos lại có thể dành 700.000 USD để làm quỹ vận động tranh cử. Như lời ông từng nói, số tiền này đến từ cổ tức của công ty riêng có tên là Devolder Organization. Nhưng ông lại cung cấp rất ít thông tin về hoạt động của công ty, đặc biệt là không hề có trang web công khai hoặc tài khoản LinkedIn.
Trên trang web chiến dịch tranh cử, Santos cũng từng mô tả Devolder là “công ty gia đình”, quản lý khối tài sản trị giá 80 triệu USD. Devolder phụ trách tư vấn giới thiệu vốn, đóng vai trò liên lạc giữa quỹ đầu tư và nhà đầu tư với mạng lưới 15.000 người giàu có.
Ví dụ, Santos có thể liên hệ giúp một khách hàng bán máy bay hoặc thuyền cho người mua tiềm năng và ông sẽ nhận được phí hoặc hoa hồng trung gian. Nhưng ông Santos không tiết lộ bất kỳ khách hàng nào của công ty này.
Đặc biệt, Santos từng nói mình có danh mục gồm 13 bất động sản thuộc sở hữu gia đình. Nhưng vào ngày 27 tháng 12, ông đã thừa nhận mình không sở hữu bất kỳ ngôi nhà nào. Vậy con số 700.000 USD thực sự đến từ đâu?
Chưa hết, Santos đã thành lập và điều hành một tổ chức từ thiện được miễn thuế - Friends of Pets United. Nhưng văn phòng tổng chưởng lý New Jersey cùng Cục Thuế vụ và Tài chính Tiểu bang New York cho biết họ không hề có bất kỳ hồ sơ nào liên quan tới tổ chức từ thiện đã được đăng ký dưới cái tên này.
Niềm tin “khó hiểu” từ cử tri
Dù thừa nhận đã “tô điểm” cho hồ sơ lý lịch cùng hàng loạt nghi vấn khổng lồ về số tiền tranh cử nhưng George Santos vẫn nhận được rất nhiều ủng hộ “khó hiểu” từ những người trong Đảng của mình.
Jackie Silver, cư dân tại làng Great Neck, Long Island cho biết cô đã bỏ phiếu cho ông Santos và sẽ làm như vậy một lần nữa. Cô nói rằng những người kêu gọi chính quyền điều tra Santos hay thậm chí bắt ông từ chức đều do ông là đảng viên Đảng Cộng hòa. Cô thậm chí còn nói rằng có rất nhiều người cũng “màu mè” sơ yếu lý lịch của mình dù điều đó không đúng.
Bên cạnh đó, một số người đã đóng góp tài chính vào quỹ của Santos cũng không hề có ý định “ngó lơ” ông mà vẫn tiếp tục ủng hộ.
Lee Mallett, chủ thầu của bang Louisiana cho rằng “nhiệm vụ” của Santos hiện giờ rất đơn giản. Ông chỉ cần xin tha thứ và mọi người sẽ bỏ qua. Hay Barbara Vissichelli ở thành phố Glen Cove, Mỹ nói rằng bà đã gặp Santos và quý mến ông vì có chung sở thích về động vật. Bà đã đóng góp 2.900 USD cho chiến dịch tranh cử của Santos và sẵn sàng tiếp tục ủng hộ ông.
Những người “tỉnh táo”
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện cho đến nay vẫn im lặng trước những câu hỏi dồn dập về ông Santos. Nhưng bà Donnelly là một trong số những đảng viên Cộng hòa ở Long Island thể hiện sự nghiêm chính khi sẵn sàng kiểm tra kỹ lưỡng những tuyên bố của Santos trong chiến dịch tranh cử và các biểu mẫu tài chính của ông.
Hay Nick LaLota, một hạ nghị sĩ đắc cử khác của khu vực Long Island cho rằng Ủy ban Đạo đức Hạ viện nên điều tra ông Santos. Joseph G. Cairo Jr., chủ tịch tại hạt Nassau cũng cho biết ông mong đợi nhiều hơn một “lời xin lỗi” đơn thuần từ ông Santos.
Phủ nhận
Ông Santos và các đại diện đã không trả lời bất kỳ phản hồi nào với “sự vạch trần” của The New York Times, bao gồm cả email trả lời bà Donnelly. Tính đến thời điểm hiện tại, ông chỉ thừa nhận bản thân có sự gian lận về hồ sơ lý lịch. Không có bất kỳ cáo buộc tài chính nào được Santos và các đại diện lên tiếng đáp trả.
Tham khảo: FT