Ngày 2/10, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – Mã CK: PGB) đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Phi Hùng – Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Hùng từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và xin rút khỏi vị trí thành viên HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2020 - 2025 vì lý do cá nhân.
Sinh năm 1976, ông Nguyễn Phi Hùng tốt nghiệp Cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Viện Công nghệ Châu Á AIT.
Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Vận hành Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB); Giám đốc Khối Vận hành PG Bank; Giám đốc Khối Vận hành Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP Bank); Trưởng phòng Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại, Trưởng phòng phụ trách giao dịch ngân quỹ tại Ngân hàng Citibank NA Hà Nội.
Tháng 11/2020, ông Hùng trở lại PG Bank với vai trò Quyền Tổng giám đốc và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PGBank vào ngày 10/12/2020. Tới tháng 7/2021, ông được bổ nhiệm là thành viên HĐQT của PGBank. Đến tháng 7/2023, ông Hùng chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PG Bank.
Đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Phi Hùng sẽ được Đại hội đồng cổ đông gần nhất của PG Bank xem xét thông qua, dự kiến diễn ra vào ngày 23/10/2023.
Tại phiên họp bất thường này, PG Bank cũng xin ý kiến cổ đông một số nội dung khác như bầu bổ sung nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát; tăng vốn điều lệ; đổi tên ngân hàng và địa chỉ trụ sở chính; phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Hậu Petrolimex thoái vốn, thời gian qua, PG Bank chứng kiến nhiều thay đổi trong cơ cấu thượng tầng.
Cụ thể, ĐHCĐ bất thường mới đây của PG Bank đã bầu ông Đào Phong Trúc Đại đã được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT đúng như “kịch bản” đã được thị trường dự đoán trước đó về việc ông lớn ô tô Tập đoàn Thành Công sẽ tham gia điều hành tai PG Bank thông qua một số nghiệp vụ mua bán, sáp nhập trước đó.
Theo đó, ông Đào Phong Trúc Đại (sinh năm 1975) đồng thời được biết đến là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng (thành viên Tập đoàn Thành Công).
Trong một diễn biến khác trước đó được cho là có liên quan đến chiến lược thâu tóm thông qua nghiệp vụ M&A của TC Group tại PG Bank, vào ngày 7/4, Petrolimex đã thực hiện đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ với giá trung bình là 21.400 đồng/cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư (3 tổ chức và 1 cá nhân).
Đáng chú ý, 2/3 doanh nghiệp tham gia mua lại số cổ phần tại PG Bank do Petrolimex bán ra đều ít nhiều có liên quan đến Tập đoàn Thành Công.
Cụ thể, ngày 13/4, Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát thông báo đã mua 40.623.954 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,54% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức mua vào 40.079.228 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,36% vốn điều lệ; và ngày 14/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh mua vào 39.296.018 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,1% vốn điều lệ.
Về công ty Cường Phát, doanh nghiệp có ông Nguyễn Văn Mạnh (SN 1981) là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Ông Mạnh cũng đồng thời là cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên ít biết trong hệ sinh thái doanh nghiệp đồ sộ của gia đình Chủ tịch Thành Công Group Nguyễn Anh Tuấn. Theo đó, PL Iro được vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng, em trai ông Tuấn, sáng lập và sở hữu vốn.
Khá trùng hợp, ngay sau khi đợt chào bán cổ phần của Petrolimex, ngày 20/4/2023, Cường Phát đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng lên 882 tỉ đồng - xấp xỉ số tiền doanh nghiệp này chi ra để trúng đấu giá 40,6 triệu cổ phiếu PGB.
Với công ty Anh Đức, cập nhật đến giữa năm 2022, Chủ tịch của Anh Đức là ông Vũ Văn Nhuân. Ông này cũng là một nhân sự của Thành Công Group.
Theo đó, ông Nhuân (SN 1973) từng được biết đến trong vai trò Giám đốc một công ty con của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng (Thành Công Việt Hưng).
Trong khi đó, Thành Công Việt Hưng là một mắt xích của Thành Công Group, được sáng lập và sở hữu vốn bởi chính những thành viên nổi bật nhất của tập đoàn này, như CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam (25%), Công ty TNHH TCG Land (15%).