Hàng tỷ USD vốn ngoại đổ vào ngành ngân hàng Việt Nam

Quốc Thụy | 06:11 12/09/2023

Vốn ngoại đang chảy mạnh vào ngành ngân hàng thông qua các thương vụ M&A và thỏa thuận vay vốn từ nhiều định chế tài chính quốc tế.

Hàng tỷ USD vốn ngoại đổ vào ngành ngân hàng Việt Nam

Mới đây, VPBank đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ. Đây là một trong những bước cuối cùng để nhà băng này hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC).

Với giá trị 1,5 tỷ USD, đây là thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng.

Trong tháng 4, VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.590 tỷ. Tại buổi gặp gỡ cổ đông ngày 18/5, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank - cho biết, vào khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8, ngân hàng sẽ hoàn tất các thủ tục và nhận tiếp 90% số tiền còn lại.

Hồi giữa tháng 5, SHB cũng đã hoàn thành việc hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Chính Krungsri từng tiết lộ ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng.

SHB không công bố số tiền nhận được trong đợt chuyển nhượng vừa qua, song báo cáo tài chính quý 2 của SHB cho thấy ngân hàng này ghi nhận khoản thu đột biến hơn 675 tỷ đồng từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng thể hiện SHB đã thực nhận hơn 675 tỷ đồng tiền thu cổ tức và lợi nhuận từ các khoản đầu tư, góp vốn dài hạn.

Đồng thời, trên báo cáo tài chính của SHB cũng không còn ghi nhận SHBFinance là công ty con và đã thực hiện các bút toán điều chỉnh giảm tài sản và nguồn vốn liên quan đến việc thoái vốn tại công ty tài chính này. Theo đó, SHBFinance được SHB đề cập đến với vai trò là công ty liên kết do ngân hàng sở hữu 50% vốn, thay vì mức 100% vốn hồi cuối quý I.

Bên cạnh hoạt động M&A, ngành ngân hàng cũng vừa đón nhận thêm nhiều khoản vay bằng ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài.

Vừa qua, OCB đã nhận khoản vay 55 triệu USD từ định chế tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG). Trước đó, ngân hàng này cũng đã nhận khoản vay 100 triệu USD, tương đương gần 2.400 tỷ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Trong tháng 6, VIB đã ký nhận khoản vay 100 triệu USD từ IFC nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động cấp tín dụng cho các KH cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà ở, và thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khoản vay mua nhà có giá trị thấp. Tương tự, SHB và IFC cũng ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 120 triệu USD vào trung tuần tháng 3.

Mới nhất, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết cấp khoản vay trị giá 300 triệu USD và 100 triệu USD với kỳ hạn 7 năm cho VPBank và TPBank năm nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

Vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào ngành ngân ngân hàng

Ngoài thương vụ chuyển nhượng SHBFinance cho đối tác Krungsri, SHB đang tiếp tục triển khai việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển thông tin rằng, SHB đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài và dự kiến trong năm nay hoặc đầu năm sau, SHB sẽ có một "chàng rể ngoại".

Liên quan đến thương vụ này, Reuters mới đây dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD.

Trong kế hoạch đã được cổ đông thông qua, SeABank cũng dự kiến phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.

LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cổ phiếu chào bán cho NĐT nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên phía nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước, BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện thành công.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch Phan Đức Tú nhấn mạnh: “Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”.

Tại Vietcombank, Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.


(0) Bình luận
Hàng tỷ USD vốn ngoại đổ vào ngành ngân hàng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO