Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng mới đây, có ý kiến chuyên gia cho rằng, ngoại giao kinh tế đã giúp Việt Nam thu hút nhiều tập đoàn toàn cầu. Nhưng cũng có ý kiến phản biện rằng, việc các tập đoàn đến Việt Nam đơn thuần là do yếu tố địa chính trị. Đánh giá của ông về việc này ra sao?
Từ sau thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã rất chủ động tìm cách nối lại quan hệ ngoại giao và hợp tác với một loạt nước lớn, đồng thời xây dựng thêm nhiều hợp tác với các nước mới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, có mạng lưới đối tác chiến lược / đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 6 đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, và Trung Quốc. Điểm đặc sắc trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam là kiên trì sự độc lập, tự chủ và đa phương hoá. Điều này giúp nước ta thoát được thế “cờ vây" và bị cô lập sau chiến tranh, cũng như dần dần thiết lập được quan hệ ngoại giao hữu hảo, hợp tác kinh tế trong các cơ chế song phương và đa phương.
Ngoại giao kinh tế và nghệ thuật cân bằng ảnh hưởng địa kinh tế và địa chính trị trong bối cảnh toàn cầu phức tạp cho Việt Nam một cơ hội chủ động chiến lược. Đó là mời khách đến thăm nhà, cầu thị trong hợp tác, và chủ động đề xuất phương thức cùng phát triển. Phải nói là có những tập đoàn đến Việt Nam vì sự cởi mở ấy và cũng vì cơ hội phát triển năng động nơi đây.
Tuy nhiên, các tập đoàn chỉ thực sự đến và ở lại khi có đủ các điều kiện họ cần, khi cân đối lợi ích dựa trên nhiều khía cạnh. Ở chiều ngược lại, việc thu hút được đầu tư nước ngoài cũng nằm trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, và các mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và quốc tế. Như vậy mới đảm bảo được lợi ích lâu dài và bền vững của các bên.
Nhìn lại các kết quả kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, theo giáo sư, những điểm sáng lớn nhất có thể kể đến là gì?
Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là việc nước ta giữ vững và mở rộng được được các thị trường xuất khẩu, các cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như CPTPP, EUVFTA và UKVFTA đang phát huy tác dụng, mở ra thị trường lớn cho các doanh nghiệp, gia tăng thương mại hai chiều của Việt Nam với các đối tác. Nhờ EUVFTA, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN, với kim ngạch hai chiều năm 2022 đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2021.
Điểm sáng thứ hai, Việt Nam đã và đang tạo ra một không khí và động lực phát triển mới trong xã hội. Mọi chủ thể kinh tế, ai cũng đều mong muốn vươn lên, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Đáng chú ý là tinh thần khởi nghiệp, và sự xuất hiện ngày một đông đảo của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). Việt Nam xếp số 3 trong khu vực Đông Nam Á về sự năng động của hệ sinh thái startup.
Thứ ba, Việt Nam đang rất nỗ lực minh bạch hóa nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi của người dân và các chủ thể kinh tế tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội. Quá trình này có thể gây ra một số ảnh hưởng không mong muốn đến thị trường, tạo cảm giác cả thị trường như có vấn đề, nhưng tôi cho rằng đó là việc phải làm. Không thể để những điểm yếu này kéo dài mãi được, đến lúc gặp phải tình trạng “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail) thì trở tay không kịp, trở thành lỗi hệ thống, tác động tiêu cực đến quỹ đạo tăng trưởng.
Sau chuyến thăm của lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển, truyền thông nói rất nhiều về cơ hội mở ra cho Việt Nam trong những lĩnh vực mới, đặc biệt là lĩnh vực có giá trị cao, như bán dẫn. Ông đánh giá sao về điều này?
Ngành bán dẫn còn mới và chưa phát triển ở Việt Nam, nhưng là một ngành rất tương lai. Hiện nay, các quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu đều đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển, và đặc biệt là gia tăng năng lực sản xuất về linh kiện bán dẫn tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu của họ.
Các tập đoàn lớn ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ đều muốn tìm được những quốc gia có yếu tố chính trị ổn định, nhân lực có trình độ chuyên môn cao, khả năng thích ứng công nghệ cao để dịch chuyển các cơ sở sản xuất của họ đến. Việt Nam đang được nhiều quốc gia lựa chọn làm điểm đến.
Việt Nam được nhiều tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... lựa chọn làm điểm đến. Ảnh: Một công nhân làm việc trong nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Nhưng trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn hay chip chỉ là một trong số các cơ hội. Chúng ta cũng mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể nắm bắt. Bên cạnh đó, vẫn còn những lĩnh vực khác còn nhiều dư địa để cải thiện, và phát triển. Ví dụ như đưa các lĩnh vực còn mới như công nghệ số, ứng dụng công nghệ AI, big data, học máy (machine learning) vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hay một số ngành mà Việt Nam có tiềm năng lớn, cần tiến lên nấc thang cao hơn trên chuỗi giá trị và cần xây dựng thương hiệu một cách bài bản, như nông nghiệp. Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới, cần quan tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chống biến đổi khí hậu, giúp cho tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu.
Làm sao để chuyển đổi các cơ hội đến từ cả ngoài nước và trong nước thành lợi ích cho Việt Nam?
Yếu tố số một chính là hạ tầng cơ sở, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Trước mắt, cần xây dựng hạ tầng cứng để kết nối cầu cảng, bến bãi, đường xá, giải quyết các vấn đề về di chuyển, cung ứng điện, nước…Đây là những nhu cầu thiết yếu cho các tập đoàn lớn đưa cơ sở sản xuất về. Nhiều biên bản ghi nhớ về đầu tư được ký kết, nhưng nếu điều kiện thực tế, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được, sẽ tạo ra khó khăn, nhà đầu tư vẫn có thể chần chừ trong việc ra quyết định.
Hạ tầng mềm bao gồm các hỗ trợ về chính sách và thủ tục hành chính, cách thức lựa chọn các nhà đầu tư, và giải pháp phát triển hệ thống doanh nghiệp phụ trợ. Hệ thống phụ trợ này quyết định việc doanh nghiệp và tập đoàn của Việt Nam có thể tham gia được vào những cấu phần gì trong chuỗi giá trị.
Yếu tố thứ hai vô cùng quan trọng là nguồn lực lao động chất lượng và năng lực quản lý điều hành. Hiện nay, chúng ta đang thiếu cả kỹ sư, người lao động kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao lẫn những nhà quản lý, điều hành có năng lực quản lý ở chuẩn cao của quốc tế. Đó là hai yếu tố thách thức lớn nhất đối với việc chuyển hóa tiềm năng thành cơ hội, chuyển hoá cơ hội thành thành công.
Quay trở lại câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn, các thách thức nhân sự cũng tương tự. Muốn biến ngành bán dẫn trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam trong tương lai thì chúng ta cần có phương án giải quyết sớm trong năm 2024 – 2025. Và nhất định phải tìm cách phát huy năng lực nội bộ, kết hợp với trao đổi chuyên gia, hợp tác quốc tế để tự đào tạo thay vì trông chờ thế thế giới giúp mình. Chính các nước khác cũng đang khan hiếm nguồn lực cho đào tạo và nghiên cứu.
Nhìn rộng hơn, khi đứng trước các cơ hội, chúng ta không được quên câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, đưa định hướng đổi mới công nghệ, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lực con người, đưa tri thức vào trong mô hình phát triển.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung xuyên suốt được Chính phủ nhấn mạnh, và đã dần thể hiện rõ nét qua các dự án, sự kiện lớn trong những năm qua.
Việt Nam là một trong những quốc gia tập trung cao cho việc xây dựng môi trường chính sách cho đổi mới sáng tạo phát triển, rất quan tâm đến lực lượng làm đổi mới sáng tạo, đến các doanh nghiệp tổ chức phát triển hoạt động R&D, và có nhiều hoạt động nghiên cứu thúc đẩy hợp tác quốc tế ở các cấp độ khác nhau.
Những năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam duy trì ở top 45-47 thế giới. Trong điều kiện Việt Nam mới chỉ bắt đầu xây dựng văn hóa sáng tạo từ năm 2017 và nhiều quốc gia khác đã có một nền tảng tốt và liên tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì đây là một xếp hạng đáng khích lệ.
Sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là biểu tượng thể hiện mong muốn của Đảng, Nhà nước, và Chính phủ lấy đổi mới sáng tạo làm trung tâm cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, thúc đẩy vai trò của tri thức và công nghệ trong đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Với biểu tượng đó, kỳ vọng sẽ có những hỗ trợ thiết thực cho khối doanh nghiệp trong nước về nghiên cứu và phát triển, ví dụ thông qua chính sách khấu trừ thuế cho các hoạt động R&D, hay hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng những tài năng trẻ, tiến sỹ trẻ có năng lực nghiên cứu vào các bộ phận R&D.
Vậy vượt qua tính biểu tượng, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngày càng mạnh mẽ trong tương lai, chúng ta cần tập trung vào những yếu tố nào?
Khi nói đến đổi mới sáng tạo, rất nhiều người đang nghĩ rằng đổi mới sáng tạo là một điều gì đó rất cao siêu và rất xa chứ không nghĩ rằng việc tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề cũ dưới một góc độ mới cũng là đổi mới sáng tạo.
Thực tế, đổi mới sáng tạo có nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp cơ bản, đổi mới sáng tạo có tính ứng dụng cao, giảm chi phí, phục vụ trực tiếp vào các nhu cầu của cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cấp độ thứ hai liên quan đến kết hợp công nghệ và quy trình cấp độ tổ chức để thay đổi hiệu suất. Theo đó, các doanh nghiệp hay tổ chức thiết kế lại các hệ thống vận hành để tạo ra các chuỗi làm việc hiệu quả và liền mạch hơn.
Cấp độ cao nhất là đổi mới bứt phá trong các công nghệ mới (deep tech) vượt qua các giới hạn kỹ thuật và công nghệ hiện tại. Việc này đòi hỏi trình độ công nghệ cao để dẫn dắt, sáng tạo ra các công nghệ mới, các công nghệ của tương lai. Đó là bài toán cụ thể của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel và FPT, trong những lĩnh vực rất đặc thù, ví dụ như chip bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo. Muốn tạo ra các công nghệ đột phá cần có nguồn lực lớn về tài chính, con người.
Cần phải hiểu đúng, hiểu sâu thì việc đổi mới sáng tạo mới có hiệu quả. Nếu ai cũng nghĩ làm đổi mới sáng tạo là phải trở thành công ty deep tech, tôi không làm được, bạn không làm được, thì lấy đâu ra động lực để đổi mới?
Có một thực tế nữa, là nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có các ý tưởng về công nghệ mới ở trình độ cao nhưng lại không dám đầu tư nhiều bằng nguồn lực tài chính công. Đầu tư vào nghiên cứu thì luôn có tỷ lệ thất bại, hoặc không có cách nào chứng minh được công nghệ đó là cần ngay hay tương lai sẽ cần. Các nghiên cứu đó cũng không biết kết quả sẽ thế nào, vì nếu biết trước kết quả thì đã không gọi là nghiên cứu (cười).
Như thế, nếu các quy định về kết quả nghiên cứu và phát triển quá khắt khe, sẽ đẫn tới việc không dám đầu tư nguồn lực tài chính công, vì có thể bị coi là làm thất thoát nguồn lực của nhà nước.
Trong những năm tới, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp, trong xã hội, phải có cơ chế phù hợp. Ở nước ngoài cũng vậy, khi họ đầu tư nghiên cứu, nhất là những đầu tư nghiên cứu về hàng không, vũ trụ, tên lửa, vệ tinh, chip…thì không phải lúc nào cũng tạo ra kết quả như kỳ vọng, càng không phải lúc nào cũng bứt phá. Nếu được vậy thì quá dễ, nước nào cũng thành Mỹ hết (cười).
Bên cạnh đó, cần tập trung cao vào việc hỗ trợ các tập đoàn thu hút tài năng công nghệ, cả trong nước lẫn quốc tế. Lực lượng trong nước có, nhưng không đủ, thu hút được cả chuyên gia công nghệ nước ngoài sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ mới nhanh hơn.
Trong năm 2023, Việt Nam đã đặt ra những cam kết, những mục tiêu rất tham vọng về tăng trưởng, chuyển đổi xanh... Theo ông, với nhiều mục tiêu thách thức được đặt ra cùng lúc như vậy, cần lưu ý gì trong việc đầu tư cho tương lai?
Việc đặt mục tiêu cao có tính chất định hướng, để toàn bộ hệ thống chính trị và các chủ thể kinh tế xã hội cùng nỗ lực, kèm theo vào đó là kỳ vọng đột phá. Kỳ vọng mỗi một chủ thể trong vấn đề kinh tế của mình cố gắng vươn lên ở những góc độ khác nhau để đóng góp vào sự bứt phá chung của nền kinh tế, cố gắng rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Tất nhiên, nhà điều hành chính sách cũng có những phân tích về bối cảnh thế giới, khu vực, cùng với hiện trạng của kinh tế Việt Nam.
Mục tiêu cao có hai mặt, vừa tạo ra động lực lớn, vừa tạo áp lực lớn cho các chủ thể kinh tế, nhất là nếu chưa tính toán kỹ lưỡng việc phân bổ nguồn lực và điều kiện cần để hiện thức hóa mục tiêu. Đưa ra các mục tiêu cao, nhưng phải thực tiễn, điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế xã hội trong nước, phù hợp với nguồn lực mà mình bỏ ra, và thích ứng với điều kiện, với môi trường địa kinh tế, địa chính trị.
Để Trung ương không làm thay địa phương, nhưng vẫn đạt được các mục tiêu thách thức, các địa phương cần sự chủ động trong việc thực thi các chiến lược và quyết sách. Ảnh: Cầu Cẩm Hải - cây cầu có quy mô lớn nhất của dự án nối hai bờ của TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn.
Gần đây, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rất nhiều về việc xây dựng cơ chế tự chủ, để “Trung ương không làm thay cho địa phương”. Vậy cần lưu ý điều gì để không làm thay địa phương, nhưng vẫn đạt được những mục tiêu thách thức?
Chính xác là các địa phương cần sự chủ động trong việc thực thi các chiến lược và quyết sách. Có thể học tập và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về mô hình quản lý phi tập trung để áp dụng tại các vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương, từ đó trao quyền cho các vùng và địa phương. Phải phân biệt được đâu là phạm vi của địa phương, của vùng, và của chính quyền Trung ương.
Chính phủ nên điều hành tổng thể thông qua một quy hoạch phát triển kinh tế xã hội toàn diện của quốc gia. Điều này giúp định hướng phát triển các lĩnh vực ngành nghề như thế nào, mô hình phát triển chung ra sao, từ đó tạo ra một bức tranh phát triển kinh tế tổng thể hài hòa, đồng bộ.
Đó là hai việc rất quan trọng và rất cần thiết để mở ra bước ngoặt đột phá, tạo ra không gian phát triển mới. Làm thí điểm ở một vùng, một thành phố nhất định (tốt nhất là một vùng động lực tăng trưởng của cả nước như vùng Đông Nam Bộ), sau đó tính toán các yếu tố đặc thù của các vùng và địa phương khác (quy mô, nhu cầu, vai trò và trách nhiệm của địa phương trong vùng và trong tổng thể kinh tế xã hội của cả nước...) để có thể nhân rộng.
Những lưu ý quan trọng trong nửa còn lại của nhiệm kỳ sẽ là gì, dưới góc nhìn ông?
Một vài tháng gần đây, kinh tế toàn cầu có những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn rất mong manh. Xu thế ngắn hạn là lãi suất vẫn sẽ ở mức tương đối cao, các ngân hàng trung ương sẽ không mở van tín dụng nhiều để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì nguy cơ lạm phát vẫn còn cao, rủi ro địa chính trị còn lớn, rào cản trong thương mại quốc tế vẫn còn ở mức độ khó kiểm soát, giá dầu thô chưa hạ nhiệt...Sử dụng công cụ tài khóa cũng đi vào giai đoạn hạn chế vì gánh nặng nợ công.
Nhiều quốc gia phát triển đến nay vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng và có tốc độ tăng trưởng thấp. Với những biến số phức tạp nói ở trên, dự báo tăng trưởng của thế giới năm 2024 không tốt, tiêu dùng ở các nước phát triển sẽ không cao.
Do vậy, giai đoạn tới, Việt Nam phải đặc biệt chú ý vào việc quản lý điều hành, trong đó tập trung vào ổn định hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, và chất lượng xuất khẩu.
Cam kết mạnh mẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 buộc chúng ta phải sớm tìm ra một mô hình phát triển vừa tăng trưởng cao, vừa bền vững. Có vậy thì mới tránh được rủi ro của bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước đã gặp phải.
Ở đây, bẫy thu nhập trung bình được hiểu đơn giản là khi một quốc gia có mức thu nhập trung bình thất bại trong chuyển đổi lên một nền kinh tế có thu nhập cao do các lợi thế so sánh không còn phát huy tác dụng, tỷ lệ đầu tư thấp, thị trường lao động thiếu năng động, và chi phí sản xuất cao.
2024-2025 là giai đoạn bản lề không thể bỏ lỡ để xây dựng bệ phóng. Việt Nam cần chuyển dịch mô hình tăng trưởng nhanh hơn, thành công trong tích luỹ nguồn lực, trình độ công nghệ, chất lượng thể chế,...để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Giai đoạn này đặc biệt quan trọng vì thế giới đang có nhiều biến động, một chiến lược thông minh có thể giúp định hình con đường phát triển của Việt Nam rõ hơn và thay đổi vị thế trên trường quốc tế.
Cảm ơn ông!