Giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 70%, tương đương với tiến độ của các năm trước. Điều này phản ánh sự nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát huy hiệu quả trong phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội.
Về tăng trưởng kinh tế, trong 10 năm liên tiếp, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm. Năm 2024, thành phố đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đạt tốc độ tăng trưởng 11,01%.
Đối với năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn. Riêng trong quý 1/2025, lãnh đạo Thành phố Hải Phòng thông tin, GRDP của thành phố dự kiến sẽ tăng khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, khi quý 1 thường chỉ đạt khoảng 10%.
Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng của thành phố Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Về cơ sở để đạt được mục tiêu trên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Khu kinh tế ven biển phía Nam của thành phố với quy mô 13.000 ha. Đây là một dự án trọng điểm, góp phần mở rộng không gian phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư trong thời gian tới. Hiện nay, thành phố Hải Phòng đang tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án. Đồng thời, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng đang quan tâm, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thành phố.
Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, thành phố Hải Phòng có một số ý kiến đề xuất.
Thứ nhất, thành phố Hải Phòng cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.
Thành phố Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án thi công đồng thời từ cả hai đầu tuyến, tức là từ Lào Cai và từ Hải Phòng để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành.
Thứ hai, về hệ thống cảng biển quốc tế Tân Vũ - Lạch Huyện, hiện nay thành phố Hải Phòng có hai bến cảng đang hoạt động ổn định. Dự kiến đến tháng 3 năm nay, thành phố sẽ khánh thành thêm bốn bến cảng lớn với tổng mức đầu tư lên đến 16.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển các bến tiếp theo, cụ thể là bến số 7 và bến số 8. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị để khởi công dự án này trong thời gian sớm nhất.
Do đó, để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, thành phố Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm nghiên cứu và phê duyệt từ bến 9 đến bến 12. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics và thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng.
Sau khi nghe phát biểu của lãnh đạo TP Hải Phòng, Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và đề nghị nếu phấn đấu tăng lên 15.000 tỷ đồng thì tốt hơn nữa.
Hải Phòng đang có tình hình kinh tế phát triển ra sao?
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hải Phòng, tăng trưởng GRDP năm 2024 ước đạt 11,01%, xếp thứ 3 cả nước, là năm thứ 10 liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số; quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, ước đạt 288.492 tỷ đồng (giá so sánh 2010), đặt dấu mốc là năm đầu tiên thành phố bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước (bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng).
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp trên địa bàn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, song với những biện pháp hỗ trợ thiết thực, kịp thời của thành phố, sự chủ động nỗ lực của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng phục hồi và tăng tốc trong quý 4/2024 với kết quả tăng 32,78% so với quý trước và tăng 16,79% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2024, công nghiệp thành phố về đích với mức tăng 15,43%, vượt kế hoạch đề ra.
Về tình hình thu hút đầu tư FDI, Cục Thống kê Hải Phòng cho biết, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến ngày 31/12/2024 đạt 4,9 tỷ USD, cao thứ 2 cả nước. Trong đó: vốn đăng ký cấp mới có 126 dự án, đạt 757,43 triệu USD; vốn đăng ký điều chỉnh có 72 dự án với số vốn tăng là 3.724,36 triệu USD; giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài: 26 lượt, với số vốn đầu tư đăng ký: 427,57 triệu USD. Lũy kế đến ngày 31/12/2024 Hải Phòng có 1.020 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 33,8 tỷ USD.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2024 ước đạt 118.255,3 tỷ đồng, bằng 120,86% dự toán Trung ương giao, bằng 110,77% so với dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao. Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương năm 2024 ước đạt 39.407,7 tỷ đồng, đạt 120,18% so với Dự toán Trung ương giao, đạt 99,09% Dự toán Hội đồng nhân dân giao.
Sang đến tháng 1/2025, báo cáo của Cục Thống kê địa phương cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 1/2025 ước đạt 14.947,7 tỷ đồng, bằng 12,66% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 134,21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: thu nội địa đạt 9.903,9 tỷ đồng, bằng 19,42% dự toán Hội đồng nhân dân và bằng 150,8% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.352,1 tỷ đồng, bằng 6,94% dự toán Hội đồng nhân dân và bằng 97,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 262,4 tỷ đồng, bằng 71,18% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 955,1 tỷ đồng, bằng 90,39%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 3.999,1 tỷ đồng, bằng 317,48%; lệ phí trước bạ đạt 92,4 tỷ đồng, bằng 86,62%; thuế thu nhập cá nhân đạt 442,4 tỷ đồng, bằng 95,27%;...
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 1/2025 ước đạt 2.578,3 tỷ đồng, bằng 5,56% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 153,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: tổng chi đầu tư phát triển đạt 1.184,5 tỷ đồng, bằng 4,66% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 188,74% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 1.342,3 tỷ đồng, bằng 6,9% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 141,2% so với cùng kỳ năm trước.
Vào ngày 5/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Theo đó, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương. Đối với 63 tỉnh, thành phố, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất là 8%, cao nhất là 13,6%.
Đối với 6 thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao nhất cho Hải Phòng, ở mức 12,6%. Đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 lần lượt là 8% và 8,5%. Đối với Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế, mục tiêu tăng trưởng của các thành phố này lần lượt là: 10%; 9,5% và 8,5%.