Gỡ nút thắt dòng chảy vốn cho nền kinh tế

Minh Trang | 15:49 01/11/2022

Để giữ ổn định nền kinh tế và tiếp tục khơi thông, giữ cho thị trường vốn vận hành ổn định và an toàn, đảm bảo trong mọi tình huống, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều giải pháp và trong thời gian tới các giải pháp này được kỳ vọng phát huy hiệu quả.

Gỡ nút thắt dòng chảy vốn cho nền kinh tế
Gỡ nút thắt về vốn để nền kinh tế ổn định, phát triển. (Ảnh: Int)

Bảo vệ doanh nghiệp lành mạnh và nhà đầu tư

Đây là thời điểm khó khăn nhất khi người dân, doanh nghiệp vay vốn, huy động vốn từ nhiều nguồn. Thực tế hiện nay nỗ lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ đứt gãy khi tín dụng không được nới thêm room. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang thu hẹp lại, thị trường chứng khoán suy giảm khiến các kênh dẫn vốn đều tắc.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại cổ phần, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng NHNN cần xem xét nới thêm room tín dụng cho năm nay.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, khơi thông dòng vốn để phục hồi và phát triển kinh tế là thách thức lớn đặt ra trong tình hình hiện nay, đòi hỏi sớm có những giải pháp tháo gỡ.

Theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Hùng; thị trường và các doanh nghiệp kỳ vọng ở các động lực hỗ trợ từ Nghị quyết 43 của Quốc hội, diễn biến lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ 2,73% trong 9 tháng đầu năm 2022 và triển vọng kiểm soát dưới mốc 4% mà Quốc hội đề ra.

Ông Hùng dẫn thêm thực tế rằng; trong quý 3, dư nợ tín dụng chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 0,18-0,2%/tháng (9 tháng tăng 10,27%), đồng thời gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn triển khai chậm khi cung vốn càng trở nên hạn hẹp, khiến nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai do thiếu vốn, các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.

Nhận định về triển vọng nới thêm room tín dụng, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng điều này là khó khăn, trong khi đó thị trường chứng khoán và trái phiếu sụt giảm do thiếu niềm tin.

Trong bối cảnh kênh tín dụng đã chật hẹp tăng trưởng thêm trong năm nay, để giải toả cơn “khát vốn”, theo ông Hùng cần sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu DN và thị trường chứng khoán - kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho DN và nền kinh tế.

Mặc dù Bộ Tài chính đã rất kịp thời ban hành Nghị định số 65 sửa đổi Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, các cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường giám sát để DN thực hiện đúng cam kết khi huy động vốn; đồng thời đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án.

Ông Hùng kiến nghị các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp, cơ chế để bảo vệ các DN hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính, ngăn chặn kịp thời các hành vi lũng đoạn thị trường và các biểu hiện chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư để thị trường trái phiếu DN và thị trường chứng khoán tiếp tục đóng vai trò là nơi cung ứng ổn định vốn trung và dài hạn cho DN thời gian tới.

Sẽ xem xét điều chỉnh bất cập Luật Chứng khoán

Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, mới đây tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đánh giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%. Nhưng thực tế tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm. Tín dụng đến ngày 25/10 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, và so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

“Rõ ràng là tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong 9 tháng có sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, huy động vốn tăng trưởng chậm và hiện nay tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng”, Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc cho biết, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và gần đây nhất là từ 24/10, điều chỉnh lần 2, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Để đảm bảo cho thị trường chứng khoán ổn định và an toàn, tiếp tục là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, cũng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin, trước mắt, tiếp tục giữ cho thị trường vận hành ổn định và an toàn, đảm bảo trong mọi tình huống.

Tiếp theo, tăng cường minh bạch thị trường thông qua việc yêu cầu các công ty tham gia thị trường thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công bố thông tin, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điều quan trọng nữa là giám sát được các tin đồn thất thiệt vì thị trường chứng khoán của chúng ta nhạy cảm.

Về lâu dài, Thứ trưởng cho biết, sẽ rà soát và xem xét điều chỉnh các nội dung bất cập của Luật Chứng khoán vừa mới được đưa vào vận hành. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đảm bảo tăng cường năng lực của công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ…

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nói; Chính phủ có nhiều giải pháp và chúng ta hoàn toàn yên tâm.

“Đầu tiên là rà soát và bổ sung ngay các quy định về kinh doanh chứng khoán. Tiếp theo đảm bảo ổn định, an toàn, minh bạch thị trường và đặc biệt là nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Gỡ nút thắt dòng chảy vốn cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO