Nội dung chính
- Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, Hòa Phát dự kiến mở lại tất cả các lò cao trước tháng 6/2023.
- Hòa Phát ngừng hầu hết các hoạt động đầu tư mới và không chia cổ tức, dồn sức cho giai đoạn 2 dự án Nhà máy thép Dung Quất 2, một trong ít dự án tỷ đô hiếm hoi tại Việt Nam.
Sáng 30/3/2023, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Hòa Phát (Mã chứng khoán HPG), một trong những cuộc họp được mong chờ nhất sàn chứng khoán đã được tổ chức tại Hà Nội
Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - ông Trần Đình Long cho biết thời kỳ khó nhất của ngành thép đã qua, nội lực của ngành thép Việt Nam và Hòa Phát tốt. Dù vậy, ông Long cũng nhiều lần thừa nhận tương lai, triển vọng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Mở lại tất cả lò cao - chi phí đóng mở hàng trăm tỷ đồng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã mở lại 1 lò cao vào cuối năm 2022, sắp mở lại lò cao thứ 2 trong tháng 4 và hoàn tất mở lại 4 lò cao trong tháng 5 này. Chi phí cụ thể để đóng, mở lò cao không được chia sẻ, song theo ông Long, chi phí này rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022, Hòa Phát đã đóng 4 lò cao, trong đó 2 lò ở Khu liên hợp Dung Quất và 2 lò ở Khu liên hợp Hải Dương. Nguyên nhân là thị trường thép suy giảm, nguồn cầu thấp.
Cũng theo lãnh đạo công ty, Hòa Phát đang chuyển sang sản xuất thép chất lượng cao, các loại thép phục vụ ngành chế tạo, sản xuất ô tô, ốc vít…, nhường sân chơi thép cơ bản cho các doanh nghiệp khác.
Năm nay, Hòa Phát đạt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận 80.000 tỷ động. Ông Trần Đình Long cập nhật Hòa Phát đã lỗ liên tiếp trong 2 tháng đầu năm nhưng mức lỗ thấp hơn dự kiến trước đó. Sang tháng 3, tình hình đã khả quan hơn khi giá thép phục hồi.
Tập trung toàn lực cho dự án Dung Quất 2
Tính riêng giá trị tài sản cố định, Hòa Phát đã đầu tư 75.000 tỷ đồng – tương đương hơn 3 tỷ USD vào dự án Dung Quất 2.
Với mức này, Chủ tịch Hòa Phát khẳng định Tập đoàn sẽ dồn toàn lực vào dự án, không chia cổ tức năm 2022 và sẽ dừng đầu tư mới các mảng, các lĩnh vực mới trong năm nay. Về tiến độ, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành công tác ký hợp đồng với tất cả nhà thầu và đang vào giai đoạn tích cực thi công.
“Ở Việt Nam không có nhiều dự án trên 3 tỷ USD. Một dự án này tương đương 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác nên chúng tôi đang tập trung toàn lực vào đây”, chủ tịch Hòa Phát phát biểu và nói thêm “Sức cũng chỉ có thế thôi”.
Theo ông Long, đến hết năm 2024, đầu năm 2025, khi nhà máy Dung Quất 2 ra đời, Hòa Phát sẽ tăng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỷ nữa từ mặt bằng 150.000 tỷ như năm qua. Mức tăng này, theo lãnh đạo của Hòa Phát, được tính toán thận trọng trên cơ sở giá thép trung bình nhiều năm qua.
Với định hướng này, Chủ tịch Hòa Phát cho biết đã dừng kế hoạch triển khai các dự án đầu tư quặng, mỏ than tại Úc.
Trong mảng bất động sản khu đô thị, Hòa Phát sẽ chỉ tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các dự án hiện tại và chưa tính đến phương án đầu tư thêm các dự án mới.
Trong mảng bất động sản khu công nghiệp, Hòa Phát đang vận hành 4 khu công nghiệp, dự kiến sẽ có 10 khu công nghiệp vào năm 2030. Hoạt động mảng bất động sản KCN đang đúng kế hoạch đề ra.
Nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi về việc mở rộng các mảng kinh doanh và chiến lược, định hướng phát triển thành tập đoàn đa ngành của Hòa Phát. Chủ tịch Trần Đình Long nói: “Định hướng và chiến lược không thay đổi gì cả, nhưng trước mắt sẽ ưu tiên tập trung cho Dung Quất 2, chúng ta sẽ bước đi thận trọng, không vội vàng”.
“Kết quả kinh doanh 2022 không tồi”
Theo lãnh đạo Hòa Phát, năm 2022, kết quả kinh doanh nhóm thép suy giảm so với năm trước do giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.... Dù vậy, lĩnh vực thép vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt chiếm 93% và 95% toàn Tập đoàn.
Cả năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 142.770 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch đặt ra, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch và giảm 76% so với năm 2021.
Với kết quả này, ông Trần Đình Long đánh giá “không tồi, bằng tất cả các công ty thép trên sàn cộng lại".
Tính đến cuối 2022, tổng tài sản của Hòa Phát là 170.000 tỷ đồng, thấp hơn mức 178.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Công ty có 8.325 tỷ đồng tiền mặt và tương đương, 26.268 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, Hòa Phát vẫn còn khoản tồn kho lớn với giá trị 34.491 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của Hòa Phát:
Năm 2023, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu tăng nhẹ trong khi lợi nhuận tiếp tục giảm, đồng thời không chia cổ tức cho cổ đông: