Giá điện tăng, doanh nghiệp sản xuất điện chưa chắc hưởng lợi

Quỳnh Anh | 16:56 06/04/2023

Liệu doanh nghiệp sản xuất điện có được hưởng lợi từ phương án tăng giá điện bán lẻ hay không chủ yếu phụ thuộc vào quá trình đàm phán với Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Giá điện tăng, doanh nghiệp sản xuất điện chưa chắc hưởng lợi
Ảnh minh họa: Zing

Nội dung chính:

  • Giá điện bán lẻ tăng sẽ là cơ hội để các nhà sản xuất điện đàm phán lại giá điện đầu vào với Tập đoàn điện lực Việt Nam.
  • Giá điện tăng không chỉ tác động tới chi phí của doanh nghiệp mà còn thúc đẩy lạm phát gia tăng. 
  • Giá điện quá thấp hoặc quá cao đều sẽ ảnh hưởng đến quá trình thu hút vốn đầu tư FDI - nguồn vốn quan trọng bậc nhất trong giai đoạn này. 

Kế hoạch tăng giá điện chỉ dành cho giá bán lẻ. Do đó, giá điện đầu vào là câu chuyện giữa nhà sản xuất và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). 

Khi giá điện bán lẻ tăng, nếu EVN có cơ hội thương lượng với nhà sản xuất thì mọi ngành điện từ điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện, thủy điện,... đều có thể được hưởng lợi. “Nhưng nếu không đàm phán lại giá thì không ngành điện nào được hưởng lợi cả” - ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group cho biết. 

Giá bán lẻ điện bình quân đã duy trì suốt 4 năm, kể từ lần cuối tăng giá hồi năm 2019. Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện - trong đó chủ yếu là giá nhiên liệu không ngừng tăng trong vài năm trở lại đây. Điều này khiến chi phí mua điện (để phân phối cho người dùng cuối) của Tập đoàn điện lực (EVN) tăng cao. EVN đồng thời phải huy động thêm các nguồn điện đắt tiền để đảm bảo nhu cầu phụ tải. 

Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng áp lực tăng giá điện rất lớn và Bộ Công Thương đang trình phương án tăng giá bán lẻ. 

Ngành điện bao gồm 3 quy trình: sản xuất, truyền tải, phân phối. Hiện, Việt Nam chỉ xã hội hóa và tạo thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất điện. Các doanh nghiệp sản xuất chỉ bán điện trên mạng lưới truyền tải điện quốc gia do EVN quản lý. Khâu phân phối, bán lẻ điện cũng chưa có sự cạnh tranh do nguồn điện đều được mua từ cơ sở điện lực địa phương. 

Khi giá điện tăng, những ngành sản xuất tiêu thụ điện lớn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, điển hình như ngành thép với hệ thống lò cao hoạt động 24/7. 

Cơ cấu chi phí ngành điện, đặc biệt là nhiệt điện, khá tương đồng với ngành thép khi đều phải nhập than nguyên liệu đầu vào. Khi chi phí đầu vào ngành điện tăng sẽ tác động đến giá điện thì sẽ tác động đến ngành thép - ngành sử dụng than cốc và điện mức cao. 

Lộ trình tăng giá điện phù hợp sẽ hỗ trợ kiểm soát lạm phát 

Bản chất lạm phát đến từ cả 2 phía cung và cầu. Lạm phát trên toàn thế giới trong 1 năm qua chủ yếu xuất phát từ chi phí đầu vào như giá dầu, chiến tranh Nga - Ukraine, các yếu tố nhập khẩu lạm phát từ Mỹ và châu Âu vào Việt Nam, ảnh hưởng từ Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung,...

Giá điện tăng cũng là một trong những yếu tố gây nên lạm phát đến từ đầu vào. Ông Long cho biết nếu giá điện tăng 10% có thể kéo theo CPI tăng 0,33%. Trước đây, vào năm 2019, giá điện tăng gần 8,4% đã đẩy CPI tăng thêm 0,3%. 

Đây là cơ sở tham chiếu để đánh giá mức độ tác động từ việc tăng giá điện, giúp Chính phủ đưa ra quyết sách về vấn đề này. 

Ông Long nhận định cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, liệu kết quả nghiên cứu nói trên đã đủ sâu rộng hay chưa. Bởi giá điện tăng không chỉ tác động đến những doanh nghiệp sử dụng điện mà còn ảnh hưởng đến tất cả thành phần của nền kinh tế. 

Quốc hội đề ra mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5% - đã bao gồm ảnh hưởng từ việc tăng giá điện. 

“Tôi khá quan ngại chuyện giá điện tăng. Nếu không đưa ra chính sách tăng phù hợp thì có thể tác động đến yếu tố lạm phát, từ đó ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và lãi suất” - ông Long nói. 

Theo ông Long, thay vì tăng tất cả các bậc giá điện, Bộ Công thương và Chính phủ cần xem xét thời điểm, cân nhắc các thành phần trong nền kinh tế để xây dựng lộ trình tăng giá điện phù hợp, hiệu quả. 

Ngoài giá điện, doanh nghiệp còn phải chi trả nhiều khoản chi phí khác như giá bất động sản, giá đất, giá thuê khu công nghiệp,... Giá điện quá cao sẽ tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến chi phí nhân công, nhiên liệu và một loạt chi phí khác. 

Giá điện thấp khó thu hút vốn FDI ngành điện

Điện vốn là vấn đề trọng tâm ở Việt Nam. “Câu chuyện của chúng ta là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất điện” - ông Long cho biết. 

picture1.png

Ông Phan Lê Thành Long chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền. 

Nếu giá điện quá thấp, quá trình thu hút đầu tư có nguy cơ bị ảnh hưởng, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất điện. Quý I/2023, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Việt Nam đã thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng. 

Tuy nhiên, giá điện quá cao ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực khác, cũng tác động đến quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài. “Dòng vốn nước ngoài là 1 trong những nguồn vốn quan trọng bậc nhất vào thời điểm này” - ông Long nhận định. 

Ông Long đánh giá năng lượng tái tạo tại Việt Nam chủ yếu là điện mặt trời và điện gió nhưng xu hướng phát triển điện mặt trời và điện gió đã qua từ năm trước. 

Hiện nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo đang “đóng băng” nằm trong khâu sản xuất điện. Các doanh nghiệp năng lượng điện tái tạo được hưởng lợi từ việc đàm phán giá FiT (Feed-in Tariffs hay biểu giá điện hỗ trợ - công cụ chính sách được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo). 

Ông Long cho rằng: “Khoảng 6 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo nhưng đầu tư “nhầm trend” dẫn đến việc chưa đóng điện hoặc đóng điện với giá thấp.”

Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang trông chờ nhiều vào cơ chế, chính sách. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã phải huy động nguồn vốn lớn từ kênh trái phiếu nên tài chính vẫn đang gặp nhiều khó khăn.  

Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Tăng giá điện, lo lạm phát?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.


(0) Bình luận
Giá điện tăng, doanh nghiệp sản xuất điện chưa chắc hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO