Foxconn sai lầm khi nghĩ xe điện dễ ăn: Làm trái ngành dù còn non trẻ, từng phải dừng sản xuất vì lỗ vốn

Vũ Anh | 12:22 17/03/2023

Chạy theo 'sóng' xe điện, Foxconn đến nay mới sản xuất thành công một số ít nguyên mẫu, vài chục chiếc xe buýt điện và khoảng 40 bán tải cho Lordstown.

Foxconn sai lầm khi nghĩ xe điện dễ ăn: Làm trái ngành dù còn non trẻ, từng phải dừng sản xuất vì lỗ vốn

Trong thập kỷ qua, Foxconn, sau khi “bắt tay” cùng Apple, đã biến silicon, thủy tinh, nhựa, đồng và các vật liệu khác thành hàng trăm triệu chiếc iPhone. Google, Microsoft, Sony và nhiều hãng khác cũng đã thuê công ty Đài Loan này sản xuất điện thoại, máy tính, máy tính bảng, bảng điều khiển trò chơi… Lợi thế về công nghệ khiến nhiều người nghĩ rằng, sẽ không quá khó với Foxconn để có thể làm điều tương tự với ô tô điện. 

Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn đang là bài toán khó mà tập đoàn này chưa tìm được lời giải. 

Năm ngoái, Foxconn chi 230 triệu USD mua lại một nhà máy cũ của General Motors tại Lordstown, Ohio, với tham vọng biến nơi đây trở thành trung tâm thúc đẩy sản xuất xe hơi của Mỹ. Là một phần của thỏa thuận, chủ sở hữu trước đây của nhà máy rộng gần 600.000 mét vuông này, Lordstown Motors, đã thuê Foxconn chế tạo xe bán tải Endurance. Đổi lại, công ty Đài Loan cũng mua cổ phần trong Lordstown Motors.

Khi đó, Foxconn lạc quan rằng hãng có thể sẽ tạo ra doanh thu hàng năm lên tới 33 tỷ USD vào năm 2025, ngay sau khi công bố quan hệ đối tác tại Đài Loan, Thái Lan và Ả Rập Xê-Út. 

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù hoạt động kinh doanh linh kiện xe điện đang trên đà tăng trưởng gấp 5 lần trong năm nay, Foxconn chỉ có thể sản xuất thành công một số ít nguyên mẫu, vài chục chiếc xe buýt điện và khoảng 40 xe bán tải cho Lordstown.

Vào tháng 1, Lordstown yêu cầu Foxconn tạm dừng sản xuất vì chi phí làm xe tải vượt quá giá bán mục tiêu là 65.000 USD. Một vài tuần sau, một chủ sở hữu còn báo cáo rằng xe của họ bất ngờ mất điện và dừng đột ngột nếu lái trong điều kiện thời tiết lạnh. Công ty sau đó buộc phải ban hành lệnh thu hồi.

Đến ngày 6/3, Lordstown tuyên bố nếu không thể hợp tác với một nhà sản xuất ô tô có kinh nghiệm, hãng sẽ ngừng bán xe bán tải - mẫu xe duy nhất của hãng. Thông báo trên đặt ra nhiều hoài nghi về hoạt động kinh doanh xe điện non trẻ của Foxconn. Lordstown cho biết Foxconn không thể tiếp tục sản xuất dù có nguồn lực, chuyên môn và hàng thập kỷ đấu tranh giúp các sản phẩm của mình được xuất xưởng đúng hạn với chi phí hợp lý. 

1200x-13.jpeg
Chạy theo 'sóng' xe điện, Foxconn đến nay mới sản xuất thành công một số ít nguyên mẫu, vài chục chiếc xe buýt điện và khoảng 40 bán tải cho Lordstown.

“Tại sao Lordstown lại cần một đối tác chiến lược khác để hiện thực hóa dự án trên?”, Danni Hewson, một nhà phân tích tại công ty môi giới AJ Bell nói. “Có phải vì Foxconn chưa sẵn sàng trở thành một công ty mạnh về xe điện”.

Đáp lại, Foxconn vẫn kiên định với các kế hoạch EV của mình, đồng thời tự tin kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực điện tử sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự thành công của xe điện.

Tuy nhiên, hồ sơ theo dõi các khách hàng tiềm năng cho thấy Foxconn còn lâu mới có thể thực hiện giấc mơ EV. Ron Harbour, một nhà tư vấn sản xuất công nghiệp độc lập cho biết: “Bạn cần có khả năng sản xuất số lượng lớn. Các công ty ô tô điện mới thành lập thường không thể làm điều này”.

Được biết, Monarch Tractor mới đây đã thuê Foxconn sản xuất xe nông trại tự hành số lượng nhỏ tại một cơ sở ở Livermore, California. Fisker, một công ty ở Los Angeles, cũng ký hợp đồng để Foxconn chế tạo một chiếc EV mang tên Pear trị giá dưới 30.000 USD. Fisker đặt rất nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, hai công ty vẫn đang trong quá trình đàm phán về giá. 

Vào tháng 9, Foxconn ký một thỏa thuận ban đầu với IndiEV, một công ty khởi nghiệp khác ở California. Triển vọng xây dựng các nguyên mẫu khi đó được Foxconn ví von một “câu chuyện thành công”, song hiện tại, do hoạt động kinh doanh không mấy khả quan, IndiEV chỉ còn chưa đến 220.000 USD tiền gửi và đứng trước nguy cơ phá sản.

1400x-12.jpeg
Foxconn sai lầm khi nghĩ xe điện dễ ăn: Chuyển trái ngành dù còn non trẻ, từng phải dừng sản xuất vì lỗ vốn

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “30 chưa phải là Tết”. Những màn hợp tác này vẫn có thể thành công và Foxconn chắc hẳn sẽ tiếp tục tìm thấy các đối tác muốn mua xe điện. 

Quay trở lại tháng 6/2018, khi các giám đốc điều hành Foxconn và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất màn hình LCD trị giá 10 tỷ USD. Ông Trump khi đó tuyên bố đây sẽ là “kỳ quan thứ tám của thế giới”.

Tuy nhiên, trong 2 năm tiếp theo, Foxconn liên tục thu hẹp tham vọng. Thay vì tạo ra 13.000 việc làm như đã cam kết, Foxconn phải đàm phán lại hợp đồng với tiểu bang vào năm 2021, cho biết mới chỉ đầu tư hơn 1 tỷ USD và chiêu mộ 1.000 nhân lực. 

“Có lý do để lo lắng về những gì sẽ xảy ra với Lordstown”, Michael Shields, chuyên gia nghiên cứu tại Policy Matters Ohio - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đánh giá tác động kinh tế của hoạt động đầu tư công nghiệp cho biết. 

Trước đó, vào ngày 18/10/2022, tại một sự kiện công nghệ ở Đài Loan (Trung Quốc), Foxconn ra mắt mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) chạy điện. Loại xe 5 chỗ ngồi này có thể đi được quãng đường 700 km trong một lần sạc song khi đó vẫn chưa có thông báo về giá đối với mẫu xe mới này.

Cũng tại sự kiện trên, Foxconn ra mắt mẫu xe thể thao đa dụng crossover Model B và xe bán tải Model V. Foxconn cũng lên kế hoạch sản xuất ô tô và xe buýt điện cho một số thương hiệu tại Trung Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều thị trường khác với hy vọng lặp lại thành công ở mảng xe điện giống như cách họ sử dụng sức mạnh dây chuyền lắp ráp để trở thành đối tác sản xuất lớn của Apple. 

Theo: Bloomberg, FT 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Foxconn sai lầm khi nghĩ xe điện dễ ăn: Làm trái ngành dù còn non trẻ, từng phải dừng sản xuất vì lỗ vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO