Câu chuyện Elon Musk để mất ngôi giàu nhất thế giới vào tay Bernard Arnault chẳng có gì mới.
Thế nhưng ít ai biết được rằng cả 2 vị tỷ phú này đều có quyết định để đời khi chi một số tiền quá lớn để mua lại một doanh nghiệp, sau đó hối hận về thỏa thuận này. Elon Musk mua Twitter trong khi Barnard Arnault thâu tóm hãng trang sức Tiffany&Co.
Tuy nhiên, trong khi ván cược của Arnault cho thấy quyết định của ông là chính xác để đem về ngôi vị giàu nhất thế giới thì Elon Musk lại ngược lại.
Vào thời kỳ đỉnh cao tháng 10/2021, Elon Musk có tổng tài sản lên đến 338 tỷ USD, còn Arnault chỉ có 172 tỷ USD. Hiện nay Arnault có 169 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg, còn Elon Musk chỉ có 128 tỷ USD.
Mua “hớ”
Thang 11/2019, ông chủ Arnault của đế chế thời trang LVMH, sở hữu hàng loạt tên tuổi lớn như Louis Vuitton, Dior, Givenchy... đã đồng ý trả 135 USD/cổ, tương đương 16,2 tỷ USD để mua lại hãng trang sức xa xỉ Tiffany&Co.
Đây là một quyết định được cho là phù hợp với ngành nghề kinh doanh của LVMH, nhất là sau khi Arnault để vuột mất thương vụ mua bán Gucci và Hermes vào tay đối thủ. Kể từ khi thành lập đến nay, đế chế thời trang này đã nổi tiếng với việc mua lại, sáp nhập các thương hiệu lớn rồi biến chúng thành một hãng kinh doanh lợi nhuận.
Mức giá tại thời điểm LVMH đưa ra cao hơn 37% so với giá cổ phiếu của Tiffany trước khi thỏa thuận được công bố. Tổng giá trị hợp đồng này cũng cao hơn gần 17 lần lợi nhuận trước thuế (EBITDA) của Tiffany.
Thật không may, bước đi của Arnault diễn ra chỉ 4 tháng trước khi đại dịch Covid-19 ập đến và thỏa thuận này không còn hấp dẫn như trước. Vậy là cũng như những gì diễn ra sau này giữa Elon Musk và Twitter, tỷ phú Arnault bắt đầu tìm cách rút khỏi thỏa thuận.
Tình hình này buộc Tiffany kiện Arnault ra tòa án ở Delaware nhưng cũng chẳng ép được ông chủ đế chế LVMH mua theo giá cũ. Cuối cùng vào tháng 10/2020, Arnault đồng ý thỏa thuận mới với giá 15,8 tỷ USD, tiết kiệm được 420 triệu USD so với mức giá ban đầu.
Động thái hạ giá của Tiffany lúc đó được đánh giá là để bảo vệ “mặt mũi” cho Arnault.
Ngay sau khi hoàn thành thương vụ, vào tháng 1/2021, ông chủ mới Arnault đã cho sa thải toàn bộ giám đốc cấp cao của Tiffany, sau đó đưa người của mình vào ban lãnh đạo, bao gồm người con trai Alexandre lên làm phó chủ tịch.
Tuy nhiên Arnault lại không đuổi việc lao động hàng loạt như Elon Musk đã làm sau này với Twitter mà vẫn giữ 14.000 nhân viên như cũ. Vị tỷ phú ngành thời trang này thừa hiểu tầm quan trọng của sự ổn định và cái gì thì nên thay đổi bởi chính bản thân ông cũng dựng nghiệp trong mảng hàng xa xỉ.
Sau vụ lùm xùm tranh chấp này, thương vụ Tiffany đã chứng tỏ là một bước đi đúng đắn của Arnault khi thị trường hàng xa xỉ bùng nổ bất chấp hậu dịch cũng như lo lắng suy thoái kinh tế. Với kinh nghiệm điều hành của Arnault trong ngành xa xỉ cũng như nguồn lực của LVMH, hoạt động kinh doanh của Tiffany đã phục hồi nhanh chóng sau giai đoạn khó khăn.
Ngay trong buổi họp thường niên 2022 của LVMH, chính ông chủ Arnault đã phải thừa nhận việc mua lại Tiffany là “điểm sáng nhất của năm” nhờ lợi nhuận và kết quả kinh doanh cực tốt. Thậm chí tỷ phú Arnault còn nói đùa rằng nếu Tiffany vẫn còn là một công ty đại chúng thì giá cổ phiếu của hãng đã gấp đôi so với thời điểm LVMH mua lại.
Cũng chính nhờ thương vụ thành công này mà tờ Financial Times cho biết tỷ phú Arnault đã được tung hô là “Tôn Tử của ngành xa xỉ”.
Tôn Vũ (Tôn Tử) là nhà quân sự kiệt xuất thời cổ đại Trung Quốc. Ông là tác giả của cuốn “Binh pháp Tôn Tử” nổi tiếng. Cuốn sách chiến lược chiến thuật chữ Hán này do Tôn Vũ soạn thảo vào đời Xuân Thu, không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Hai số phận
Elon Musk có quyết định tương tự như Arnault, có chăng ông tham gia vào mảng mạng xã hội không thân thuộc lắm dù cùng ngành công nghệ khi mua Twitter.
Sau khi nắm giữ 9,2% cổ phần của Twitter, Elon Musk vào tháng 4/2022 đã quyết định mua lại mạng xã hội này với giá 54,2 USD/cổ, tương đương 44 tỷ USD. Mức giá này cao hơn 38% so với giá cổ phiếu Twitter trước khi thông tin trên được công bố và cao gấp 44 lần EBITDA của hãng.
Mức giá hời khủng khiếp như vậy khiến ban lãnh đạo Twitter từ phản đối nhanh chóng chuyển qua đồng ý, thậm chí trở thành bên níu kéo Elon Musk khi ông đổi ý.
Thật không may là ngành công nghệ đã có 1 năm 2022 không thực sự bùng nổ như 2020 và 2021 và Elon Musk đã tìm mọi cách để rút lại thỏa thuận. Cả 2 đem nhau ra tòa tại Delaware như vụ của Arnault nhưng lần này hàng loạt bằng chứng, từ thư điện tử, hồ sơ đến các đoạn tin nhắn đều bất lợi cho Elon Musk.
Hệ quả là nhà sáng lập Tesla buộc phải mua Twitter với giá cũ sau khi cố gắng đàm phán mức giá mới bất thành với ban lãnh đạo mạng xã hội này. Vào cuối tháng 10/2022, thỏa thuận 44 tỷ USD mua “hớ” của Elon Musk được hoàn tất.
Với những gì đã từng xảy ra tại Tiffany, mọi người đều hiểu Elon Musk sẽ sa thải dàn lãnh đạo cũ của Twitter và đem nhóm của mình vào thay thế. Tuy nhiên điều không ai ngờ tới là việc cắt giảm hơn một nửa lao động của Twitter theo một cách không chuyên nghiệp.
Tiếp đó, hàng loạt những động thái và phát ngôn gây tranh cãi của Elon Musk đã khiến khách hàng quảng cáo cũng như người dùng rời bỏ mạng xã hội này.
Tình hình tệ đến mức Elon Musk phải cảnh báo rằng Twitter đang mất tới 4 triệu USD doanh thu mỗi ngày và đối mặt khả năng phá sản.
Câu chuyện chưa dừng lại đó khi nhà sáng lập này vay 13 tỷ USD từ ngân hàng cho thương vụ Twitter, đồng thời chưa rõ còn phải cầm cố bao nhiêu cổ phiếu Tesla để đổ tiền thêm cho công ty mới hoạt động.
Trong khi đó, cổ phiếu của Tesla, nguồn tài sản chính của Elon Musk cũng mất giá đến 79% trong năm 2022. Nguyên nhân chính là sự tham chiến của nhiều đối thủ trên thị trường xe điện cũng như do nhu cầu sụt giảm.
Tính toán của hãng tin Bloomberg cho thấy Elon Musk đã mất 130 tỷ USD kể từ tháng 4/2022, đồng thời tuột mất ngôi vị người giàu nhất thế giới vào tay Arnault.
Bản thân hình ảnh của nhà sáng lập này cũng lu mờ hơn khi công việc kinh doanh của cả Tesla lẫn Twitter gặp khó khăn.
Rõ ràng, thương vụ Twitter đã trở thành một bước lùi không chỉ về tài sản mà còn cả danh tiếng cho Elon Musk, trái ngược hoàn toàn với thành công của Arnault.
*Nguồn: FT