Được các ông lớn Amkor, Intel… đầu tư hàng tỷ USD, Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc hàng đầu về sản xuất chip?

Giang Anh (lược dịch) | 08:52 19/09/2023

Trong báo cáo nhận định mới đây của VinaCapital, sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện (CPS) sau chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-11/9 của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đánh dấu cột mốc lịch sử cho quan hệ ngoại giao song phương giữa hai quốc gia.

Được các ông lớn Amkor, Intel… đầu tư hàng tỷ USD, Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc hàng đầu về sản xuất chip?

Theo đó, CPS tạo ra khuôn khổ cho sự hợp tác và cộng tác hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, thương mại, khoa học đầu tư, công nghệ, kỹ thuật số, giáo dục, năng lượng, chăm sóc sức khỏe và an ninh quốc gia. 

“Chúng tôi tin rằng sự kiện này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư”, báo cáo của VinaCapital đánh giá.

Theo Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn ở Việt Nam, từ việc hỗ trợ về khuôn khổ pháp lý, lực lượng lao động cho đến các nhu cầu cơ sở hạ tầng. 

Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm, các doanh nghiệp Việt-Mỹ đã chốt một loạt thương vụ đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Thông tin trên website của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, các thỏa thuận đáng chú ý có thể kể đến như Amkor Technology sẽ đưa vào hoạt động nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD trong tháng 10. Đây là nhà máy lớn nhất, hiện đại nhất của Amkor trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Amkor Technology sẽ đầu tư 1,6 tỷ USD từ nay đến năm 2035 để xây dựng thêm một nhà máy khác tại tỉnh Bắc Ninh. Được biết, Amkor technology Inc. là nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói sản phẩm bán dẫn được thành lập vào năm 1968. Tính đến năm 2022, công ty có khoảng 31.000 nhân viên trên toàn thế giới và đạt doanh thu 7,1 tỷ USD. Amkor niêm yết trên Nasdaq với vốn hóa thị trường là 5,4 tỷ USD.

Trong khi đó, tập đoàn công nghệ Marvell và Synopsis sẽ đầu tư vào các trung tâm ươm tạo và thiết kế chip bán dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo cho hay, ngành bán dẫn của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn non trẻ, tập trung chủ yếu vào các công việc có giá trị thấp như lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip.

Tập đoàn Intel, một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Hoa Kỳ, đã bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 2006. Vào năm 2021, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD, Intel trở thành doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tiên khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới ở Việt Nam.

Không chỉ vậy, cũng trong năm 2021, Intel thông báo sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, với quy mô tăng gần 50% so với các khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó của Intel kể từ năm 2006 để sản xuất các sản phẩm 5G và bộ vi xử lý lõi. Khoản đầu tư bổ sung của Intel đã góp phần đưa tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam xấp xỉ ở mức 1,5 tỷ USD.

Hiện tại, cơ sở của Intel Việt Nam đang nghiên cứu Gen Raptor Lake thế hệ thứ 13 và Meteor Lake thế hệ mới, chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu để lắp ráp và thử nghiệm. Đây là một con số đáng kể và Intel đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa năng lực lắp ráp và thử nghiệm tại Việt Nam. 

Không chỉ có các công ty bán dẫn của Mỹ chuyển sang Việt Nam, Samsung cũng đã mở rộng cơ sở sản xuất của hãng tại quốc gia này. Theo đó, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội vào tháng 12/2022. Hiện hãng đang thử nghiệm các sản phẩm mảng lưới bóng (một loại bao bì gắn trên bề mặt) và dự định sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở Thái Nguyên trong năm nay.

Công thức nào cho Việt Nam xây dựng thành công chuỗi cung ứng về chất bán dẫn?

VinaCapital cho biết, Đài Loan là một trong những thị trường dẫn đầu châu Á về lắp ráp thiết bị bán dẫn trước khi chuyển sang chế tạo theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, rất nhiều việc làm trong ngành bán dẫn đã được tạo ra. Tuy nhiên, Đài Loan chỉ thu được một phần nhỏ lợi nhuận, vì phần lớn số tiền kiếm được trong ngành chip là từ các công ty thiết kế và sản xuất chip tiên tiến nhất.

VinaCapital chỉ ra rằng, nếu nhìn vào các cường quốc Đông Á khác trong lĩnh vực bán dẫn như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục, để xây dựng một nhà máy chế tạo chip cần có những yếu tố sau: lực lượng công nhân lành nghề đông đảo với chi phí thấp; khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, chẳng hạn như chuyên gia làm việc các công ty đầu ngành trong lĩnh vực bán dẫn; cùng với sự hỗ trợ và trợ cấp tài chính của chính phủ.

Theo VinaCapital, để có thể trở thành một trong những cường quốc hàng đầu về sản xuất chip, Việt Nam cần giải được bài toán thiếu hụt kỹ sư trong lĩnh vực này.

"Chuỗi cung ứng về chip phát triển và mở rộng có thể mang lại các khoản đầu tư có giá trị lên đến hàng tỷ USD cho lĩnh vực chất bán dẫn ở Việt Nam", VinaCapital cho hay.

Mặc dù có dân số 100 triệu người, số lượng kỹ sư phần cứng ở Việt Nam được đào tạo cho ngành sản xuất chip chỉ có 5.000-6.000 người, thấp hơn đáng kể so với nhu cầu dự kiến khoảng 20.000 kỹ sư trong 5 năm tới và trong 10 năm tới là 50.000 kỹ sư.

Cơ hội đầu tư trong tương lai

VinaCapital nhận định, lợi ích cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ trở nên rõ ràng hơn trong trung và dài hạn. Theo đó, việc các công ty Hoa Kỳ  tăng cường đầu tư chắc chắn sẽ được hoan nghênh. Và các khoản đầu tư này sẽ mang lại việc làm mới với mức lương tốt.

"Điều này càng thúc đẩy mục tiêu lâu dài của chúng tôi là đầu tư vào các công ty đang tham gia và hưởng lợi từ việc tăng trưởng tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế", báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, theo VinaCapital, việc tập trung vào CNTT, chất bán dẫn, AI và các công nghệ khác có thể khuyến khích các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực này.

"Quỹ đầu tư mạo hiểm của chúng tôi chắc chắn sẽ quan tâm đến những nhóm đang phát triển các giải pháp phù hợp với lĩnh vực này", VinaCapital đánh giá.

Báo cáo kết luận, CSP là một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời có rất nhiều tiềm năng để củng cố hơn nữa mối quan hệ trong dài hạn. 

“Từ quan điểm đầu tư, chúng tôi tin rằng lợi ích sẽ trở nên rõ ràng và hấp dẫn hơn theo thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng đây là tình huống đôi bên cùng có lợi cho người dân và doanh nghiệp ở cả hai quốc gia và chúng tôi rất mong được chứng kiến sự phát triển trong tương lai”, báo cáo nhấn mạnh.


(0) Bình luận
Được các ông lớn Amkor, Intel… đầu tư hàng tỷ USD, Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc hàng đầu về sản xuất chip?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO