Mạng Blockchain quốc gia "Make in Vietnam"
Tại diễn đàn "Make in Vietnam" lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao nhiệm vụ cho nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới.
Một số doanh nghiệp đã "lĩnh ấn tiên phong" nhận các nhiệm vụ được giao như: Công nghệ AI, mô hình ngôn ngữ lớn, Công nghệ Cloud computing; Công nghệ bán dẫn; Công nghệ 5G, 6G; Công nghệ Blockchain; Công nghệ vệ tinh thông minh, Công nghệ IoT; AI thị giác máy tính.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong nhận nhiệm vụ, Công ty Cổ phần One Mount Group - Thành viên của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cam kết đầu tư 200-500 triệu USD để làm chủ công nghệ chuỗi khối nền tảng và triển khai mạng Blockchain Layer 1, nhằm xây dựng hạ tầng chuỗi khối quốc gia, bao gồm mạng Blockchain quốc gia "Make in Vietnam".
Nền tảng này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ chuỗi khối trong nước mà còn sẵn sàng liên thông quốc tế, trở thành cầu nối với các mạng blockchain công cộng trên toàn cầu. Mạng Blockchain Layer 1 “Make in Vietnam” sẽ là nền tảng cốt lõi, hỗ trợ vận hành, khai thác, tương tác và liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối, thúc đẩy sự phát triển các ứng dụng phi tập trung (DApps) trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục, và dịch vụ công.
Bà Nguyễn Thị Dịu, TGĐ Công ty Cổ phần One Mount Group chia sẻ: “Chúng tôi tự hào nhận nhiệm vụ quan trọng này từ Tổng Bí thư Tô Lâm. Nền tảng Blockchain Layer 1 mà chúng tôi phát triển sẽ không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam, đưa đất nước tiến xa hơn trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu”.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là sự kiện quan trọng theo định hướng của Bộ Chính trị tại Quyết định số 57/QĐ-TW cũng như vai trò của VBA trong việc thực hiện Chiến lược Blockchain Quốc gia theo Quyết định số 1236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Với việc nhận nhiệm vụ này, One Mount Group cùng các thành viên của Hiệp hội Blockchain sẽ góp phần ứng dụng công nghệ blockchain vào xây dựng chính phủ số và công dân số tại Việt Nam, đưa công nghệ blockchain trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần định vị Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực và có ảnh hưởng trên trường quốc tế về công nghệ blockchain.
5G sẽ là nền tảng nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng
Nhận nhiệm vụ nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin vệ tinh, công nghệ 5G, 6G và công nghệ bán dẫn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết việc làm chủ các hệ thống, thiết bị trong hệ sinh thái 5G sẽ là nền tảng để Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng.
"Với tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới không ngừng, Viettel xin hứa tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số."
Liên quan đến các thiết bị viễn thông, hiện Viettel đã sản xuất các thiết bị 4G, 5G cung cấp cho thị trường. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ có các thiết bị 5G tiên tiến, cùng với hệ sinh thái lõi mạng truyền dẫn cho 5G, giúp kết nối nhanh hơn, chính xác hơn, phục vụ chuyển đổi số. Mục tiêu của Viettel đến năm 2030 là có các thiết bị 6G đầu tiên cung cấp thương mại.
Trong lĩnh vực bán dẫn, Tập đoàn Viettel đã làm chủ việc nghiên cứu và thiết kế các dòng chip bán dẫn dùng cho 4G, 5G, cho thiết bị mạng lõi, thông tin liên lạc, radar.
"Chúng tôi đặt ra mục tiêu trong năm 2025, Tập đoàn sẽ hoàn thành đề án về xây dựng một nhà máy chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ hiện đại, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để trình Thủ tướng Chính phủ triển khai. Xác định đến năm 2030, chúng ta sẽ có nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam," ông Tào Đức Thắng cho biết.