Sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã tạo dựng được nền móng phát triển vững chắc, nhưng liệu chúng ta có thể “vươn mình, đứng dậy sáng lòa”? PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Khái niệm vươn mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi sức mạnh nội lực và ngoại lực được tận dụng, phát huy tối đa. Lúc này, kinh tế Việt Nam sẽ như Thánh Gióng vươn vai lớn mạnh”.

w_04.png

“Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình” là thông điệp về vĩ mô được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây. Là một nhà nghiên cứu kinh tế, ông có suy nghĩ gì về điều đó?

Việt Nam trong thời bình có 2 mốc quan trọng: một là thời điểm phát động công cuộc Đổi mới năm 1986 và thời điểm hiện nay, sau đó gần 40 năm, khi cả nước đều đang nói đến một mốc khác - đó là “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Hai điểm mốc này chắc chắn có mối liên hệ lịch sử máu thịt. Tôi cho rằng, phải thấy được “vươn mình” hôm nay bắt đầu chính từ sự nghiệp “đổi mới” gần 40 năm trước thì mới nhận diện rõ và đúng điều sắp xảy ra với đất nước ta.

w_06.png

Bốn mươi năm trước, khi chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, chúng ta đã quyết chọn một phương thức phát triển mới, nhờ đó, huy động được sức mạnh của cả dân tộc, trong đó, có một lực lượng đặc biệt quan trọng, có sức mạnh tiềm tàng to lớn [nhưng lúc đó còn bị “phân biệt đối xử”, bị bỏ rơi là khu vực kinh tế tư nhân – cá thể], giúp nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, chuyển sang quỹ đạo phát triển mới, bứt phá và không thể đảo ngược.

Sau gần 40 năm kể từ đó, nền kinh tế và đất nước đã có những bước tiến vượt bậc. Có thể nói chúng ta đã tiến đến điểm có thể thực hiện cú nhảy vọt phát triển đúng nghĩa.

Có thể lý giải tình thế mang tính thời cơ lịch sử này như sau:

Thứ nhất, cho đến nay, một mặt, Việt Nam đã tích tụ được thế, lực và nhiều điều kiện để “vươn mình”; mặt khác, Việt Nam cũng phải đương đầu với những rào cản rất lớn mà nếu cứ hành động theo cách cũ thì không thể giải quyết được, không thể phát triển để vượt qua chính mình. Nếu không xử lý các vấn đề đã bị tích tụ thành “điểm nghẽn” trong nhiều năm, chúng ta sẽ lại tụt hậu xa hơn, không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thứ hai, loài người đang bước vào một thời đại phát triển mới về chất – xanh, số, trí tuệ sáng tạo – với cấu trúc và logic phát triển hoàn toàn khác. Việt Nam có thể “tiến vượt” sang thời đại này để “tiến kịp thế giới” và “sánh vai các cường quốc”. Nếu không, sẽ bị loại khỏi các cơ hội phát triển hiện đại, bị đặt ra “bên lề” cuộc đua hay quỹ đạo phát triển của loài người”.

Với hai lý do đó – nhìn từ cả khía cạnh cơ hội và thách thức thời đại - có thể nói, tương tự như 40 năm trước, quyết định đưa đất nước bước sang “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam hiện nay là lựa chọn sinh tử, không thể đảo ngược. Thực chất của nó, không có gì khác, là Đổi mới nhưng với mức độ và cường độ lớn hơn gấp bội.

Thế “buộc triệt” đó, cùng với ý chí thay đổi mạnh mẽ từ lãnh đạo cao nhất của đất nước và sự quyết tâm của cả hệ thống, bảo đảm một tương lai sáng lạn cho “Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”.

anh-chen-phan-1.1.png

Theo ông, cơ hội trong “Kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam nằm ở đâu?

Cơ hội đầu tiên của Việt Nam gắn với bước chuyển của thời đại. Vài chục năm gần đây, thế giới đã chuyển sang thời đại của kinh tế trí thức, gần đây là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, với trọng tâm là kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Thay đổi lớn nhất tạo cơ hội đặc biệt cho những nước đi sau, còn yếu, thực lực chưa mạnh như Việt Nam là: với nền kinh tế mới, “tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ”. Đó là một logic phát triển mới - kỷ nguyên tăng trưởng dựa trên năng lực sáng tạo của con người.

Cơ hội thứ hai đến từ thế, lực và đà phát triển của Việt Nam được tích tụ sau gần 40 năm đổi mới, cũng như việc lãnh đạo đất nước nhận diện được rõ ràng các thách thức cần giải quyết, việc cần làm khi bước vào kỷ nguyên mới. Giờ đây, chúng ta biết cách đi là dứt khoát phải dựa vào thị trường, vào kinh tế tư nhân, và phải biết cách “mượn sức” của thế giới để đi thật nhanh cùng với những thành tựu mà công cuộc đổi mới có được.

Cơ hội thứ ba đến từ những cam kết rất mạnh của Việt Nam về phát triển xanh [như mục tiêu Net Zero năm 2050], về đổi mới – sáng tạo, …. Đây là những thách thức chưa từng thấy nhưng vì thế lại chính là cơ hội để chúng ta buộc phải chuyển đổi thật nhanh, mạnh nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Nhìn vào lịch sử, rất ít dân tộc trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt với những thắng lợi vẻ vang như Việt Nam. Điều đó cho thấy một điều: càng đứng trước thách thức to lớn, đất nước càng chứng tỏ được sức mạnh để vượt qua. Bây giờ chính là thời điểm sinh tử như vậy đang đặt ra.

Trong logic về sức mạnh đó, tôi xin nói thêm về nguồn lực kinh tế. Hiện tại, chúng ta đang phát huy rất tốt yếu tố “ngoại lực” mà đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế là hai động lực quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng. Tuy nhiên, những động lực nội tại của nền kinh tế là cơ chế thị trường, là khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thì chưa được giải phóng hết tiềm năng, chưa đóng vai trò quyết định đúng tầm. Khi đó, đất nước làm sao có thể thực sự vươn mình, để “tự lực, tự cường” đúng nghĩa?

Ngoại lực quan trọng, nhưng nội lực mới là quyết định. Việt Nam vươn mình thì phải là Thánh Gióng vươn lên chứ không phải để các ông hàng xóm kéo vào và vươn lên, đúng không?

w_08.png

Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất của đất nước (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế) khi bước vào “Kỷ nguyên mới”, thể chế đã được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Theo ông, làm thế nào để có thể khơi thông được điểm nghẽn này khi mà các cơ chế chính sách, luật pháp mâu thuẫn và chồng chéo nhau rất khó sửa đổi toàn diện và nhanh chóng?

Lâu nay chúng ta vẫn nói về điểm nghẽn thể chế rồi, nhưng tại sao mãi không thoát được? Bởi cần phải có cách tiếp cận khác, chứ vẫn hiểu theo kiểu “tháo gỡ” thôi thì không giải quyết được. Trước đây, chúng ta chưa tìm được một tọa độ đột phá đúng nghĩa để xoay chuyển tình thế. Hệ thống thể chế bao gồm hàng trăm, hàng ngàn luật lệ, quy định. Gỡ được cái này thì chồng chéo và phát sinh vướng mắc ở cái kia, nên hiệu quả của việc tháo gỡ rất thấp. Thậm chí ngày càng chất chồng ách tắc.

w_10.png

Tôi nghĩ, cách tốt nhất để xoay chuyển tình thế, khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là phải thay đổi toàn bộ tư duy về hệ thống phân bổ nguồn lực. Khi Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường thì điểm mấu chốt nhất là hệ thống phân bổ nguồn lực phải mang tính thị trường.

Hiện nay, chúng ta vẫn dành cho hệ thống phân bổ nguồn lực kiểu cũ (xin – cho) một vị thế quá lớn. Xung đột lợi ích, rủi ro hệ thống, rủi ro cho doanh nghiệp, rủi ro chính cán bộ nhà nước… đều nằm ở trong đấy. Chúng ta duy trì quá lâu hệ thống phân bổ nguồn lực kiểu xin - cho khiến cho cạnh tranh thị trường kém đi, không phát huy được tính chủ động sáng tạo, là căn nguyên của tệ nạn hối lộ, tham nhũng, của tình trạng lãng phí mà giờ đây, chúng ta đang nói tới như một kẻ thù không đội trời chung.

Theo tôi, bây giờ muốn làm gì thì làm, nhưng chúng ta cần tập trung thảo luận xem: thứ nhất, làm sao để cho những yếu tố bảo đảm cho cạnh tranh thị trường phát triển lành mạnh; và thứ hai, làm sao để cơ chế xin cho không còn đóng vai trò chi phối trong việc phân bổ nguồn lực. Tất cả phải đựa vào đó.

Nguyên tắc phân bổ nguồn lực phải dựa trên thị trường cũng sẽ là nhân tố giúp giải quyết được các vướng mắc trong Luật Đất đai. Đất đai là một nguồn lực thị trường thì phải xử lý theo kiểu của thị trường chứ không phải nhìn theo kiểu tài sản quốc gia mà Nhà nước phải “ôm chặt”, còn nguyên tắc thị trường chỉ là bổ sung. Cũng chính vì tư duy kiểu cũ nên tôi thấy vùng cấm địa cho những câu chuyện công hữu nhiều quá. Nhiều khái niệm về nguồn lực thị trường bị méo mó, không ai dám đụng vào cả.

w_12.png

Khi Việt Nam tuyên bố chuyển sang kinh tế thị trường, đường lớn mở ra rồi nhưng chúng ta có sẵn sàng đi trên con đường theo như nguyên lý của nó không, hay vẫn sợ, vẫn ngại gió to, song lớn? Ở đây, chúng ta vẫn chưa thật sự có một môi trường cạnh tranh đầy đủ, công bằng và khu vực tư nhân còn bị trói nhiều thứ quá.

Tóm lại, để khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn” (thể chế), chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề tồn đọng, không phải, không chỉ là tháo gỡ, không phải chỉnh sửa, “cải tiến” mà phải xử lý triệt để theo tinh thần: thay một luật để sửa nhiều luật. Phải làm một cách can đảm và không sợ “mất” (cái cũ).

Thông điệp từ những lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã rõ rồi: tạo ra không gian hành động, không gian tự chịu trách nhiệm, và thấy sai là sửa ngay. Điều này cho phép chúng ta không chỉ nhìn thẳng vào sự thật, mà buộc chúng ta phải nhìn thấy sự thật, chịu đau để giải quyết vấn đề, tránh được những kiêng khem, húy kỵ không cần thiết.

w_14.png

Trong câu chuyện thể chế, tư duy "không quản được thì cấm" của các cơ quan quản lý là một rào cản lớn với doanh nghiệp, khiến họ không dám làm nhiều việc dù vì lo ngại gặp rắc rối sau này. Theo ông, làm thế nào để có thể loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”?

Thực ra, nhiều cái cũng phải cấm nhưng cứ không quản được là cấm thì không được. Chúng ta đều biết lịch sử của Việt Nam từng đi qua nhiều cuộc chiến tranh kinh khủng lắm, mà trong chiến tranh có nhiều thứ mệnh lệnh hành chính, thậm chí quân phiệt quân sự là đòi hỏi bắt buộc.

Khi sang hòa bình, đáng lẽ tư duy này phải thay đổi nhưng chúng ta mất 10 năm vẫn kế hoạch hóa tập trung chưa sang thị trường. Mà kế hoạch hóa tập trung là “Nhà nước quản” theo lối độc quyền, nên cách làm “thông minh” đơn giản sẽ là “không quản được thì cấm”.

Nhưng chuyển sang kinh tế thị trường thì không nên, không được phép như thế. Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp, người dân được phép làm những gì Nhà nước không cấm.

w_16.png

Cách đây khoảng 10 năm chúng ta đã có một khái niệm rất hay: “Nhà nước kiến tạo”. Điều này có nghĩa là Nhà nước phục vụ, xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng,… kiến tạo các điều kiện phục vụ nền kinh tế. Ở đây, Nhà nước xây dựng luật pháp không phải để trói buộc mà để mở ra, khuyến khích là chính. Nhà nước chỉ cấm những cái gì có hại cho xã hội, cản trở sự phát triển.

Tuy nhiên, cũng do hoàn cảnh khách quan mà tinh thần này cũng bị ảnh hưởng. Trong dịch Covid, điều hành kiểu thời chiến, quản lý theo mệnh lệnh hành chính “sống lại”, thủ tục tăng mạnh, gây khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp ngay cả khi dịch dã đã ngớt đi.

Nói thế để thấy rằng việc xóa bỏ điểm nghẽn thể chế phải bắt nguồn từ hệ thống phân bổ nguồn lực. Nếu nguồn lực phân bổ do Nhà nước quyết định là chính, thì vẫn tồn tại nguy cơ “không quản được thì cấm”.

Cho nên, hai yếu tố cần phải thực hiện: một là đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc xin cho; hai là mở cửa cho hệ thống thị trường cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam - khu vực tư nhân được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp và lực lượng kinh tế khác. Đây thực sự là một cuộc chiến khốc liệt.

w_18.png

Ở đây, việc không quản được thì cấm có liên quan đến một quá trình đang được thực hiện rất mạnh mẽ là tinh giản bộ máy. Bộ máy tinh giản thì thủ tục cũng giảm đi; mỗi người trong bộ máy ứ phải đúng chức năng mà làm. Chứ trước nay bộ máy cồng kềnh, quá nhiều người nên mới sinh ra quan liêu, chỉ ngồi nghĩ ra nhiều quy định, thủ tục để quản với cấm dù không thực sự cần thiết.

Đặc biệt, bộ máy tinh giản thì mới có thể giải quyết triệt để vấn đề cải cách tiền lương. Đây là yếu tố quan trọng để xử lý tận gốc tình trạng “không quản được thì cấm”. Tôi nghĩ, tinh giản bộ máy có thể là biện pháp đột phá đầu tiên cho việc khơi thông điểm nghẽn thể chế. Việc trả lương đúng cho bộ máy sẽ làm vỡ hết những cấu trúc “sai” khác.

POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO