Đại hội cổ đông VIMC: Không đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên hàng đầu, dự kiến đến năm 2025 chiếm 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam

Hạ Anh | 14:00 20/04/2023

Về  kế hoạch kinh doanh năm 2023, Đại hội thông qua mục tiêu tổng doanh thu giảm khoảng 13% về mức 13.354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 24% về mức 2.330 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông VIMC: Không đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên hàng đầu, dự kiến đến năm 2025 chiếm 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam

Sáng 20/4, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC – mã MVN) họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 thông qua nhiều nội dung đáng chú ý.

Không đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên hàng đầu, tập trung mở rộng thị phần trong năm 2023

Nhận diện bối cảnh kinh tế  có nhiều thách thức hơn cơ hội, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng Giám đốc VIMC cho biết, năm 2023 doanh nghiệp không đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn cần kiên trì thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường, tăng doanh thu bên ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Về sản lượng vận tải biển, năm 2023 dự kiến đạt 17,7 triệu tấn (giảm 18% cùng kỳ), giảm chủ yếu ở các đơn vị VIMC Shipping, Bisco, Vinaship, nguyên nhân do thị trường vận tải biển năm 2023 sẽ rất khó khăn, nhu cầu vận chuyển giảm, lượng tàu đóng mới xuất xưởng nhiều, ngoài ra một số đơn vị có kế hoạch bán tàu cũng là nguyên nhân làm giảm sản lượng tại các đơn vị.

Sản lượng khối cảng biển dự kiến đạt 134,7 triệu tấn (tăng 9% so với cùng kỳ), sản lượng tăng chủ yếu ở các cảng như cảng Hải Phòng (tăng 3,2 triệu tấn), cảng Quy Nhơn (tăng 1,4 triệu tấn) và khối cảng liên doanh (tăng 3,7 triệu tấn). 

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Đại hội thông qua mục tiêu tổng doanh thu giảm khoảng 13% về mức 13.354 tỷ đồng. VIMC cho biết sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động kinh doanh ngoài để bù đắp doanh thu.

Về chỉ tiêu lợi nhuận, Tổng Giám đốc VIMC xác định năm 2023 là năm rất khó khăn, với ngành nghề đặc thù như VIMC, để có lãi cũng là rất tốt. Theo đó, lợi nhuận trước thuế giảm 24% về mức 2.330 tỷ đồng. Riêng với công ty mẹ, công ty lên kế hoạch đạt 2.024 tỷ đồng doanh thu, 310 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 16% và 53% so với năm 2022.

Tại Đại hội, VIMC cũng thông qua việc không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2022 do bù đắp lỗ luỹ kế của các năm trước và lỗ luỹ kế đến thời điểm 31/12/2022 là âm 217 tỷ đồng. Đồng thời, VIMC dự kiến không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2021 để bù đắp lỗ luỹ kế và lỗ luỹ kế của công ty đến thời điểm 31/12/2021 là âm 870 tỷ đồng.

Lên kế hoạch thoái sạch vốn tại 3 doanh nghiệp, góp vốn nghìn tỷ thành lập công ty

Về kế hoạch đầu tư năm 2023, công ty mẹ VIMC dự kiến thực hiện dự án mua 1000 vỏ container (500 container mới loại 40’HC và 500 container mới loại 20’HC) nhằm đáp ứng nhu cầu đóng hàng chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ cho 2 tàu container đầu tư mới năm 2023 mới của VLC. Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ đầu tư 2 tàu container 1700-2200 TEU.

Trong năm 2023, Tổng công ty tiếp tục đề ra kế hoạch thoái vốn tại 3 doanh nghiệp có vốn góp đã đề ra trong năm 2023 và nằm trong kế hoạch 2021-2025. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến thoái sạch vốn tại Công ty Cổ phần Vận tải Biển Hải Âu (SESCO) (hiện nắm giữ 26,4%), Công ty Cổ phần Hàng Hải Sài Gòn (nắm giữ 10,15%), Công ty TNHH Vận tải Hàng công nghệ cao (nắm giữ 56%).

Bên cạnh đó, Đại hôi VIMC cũng thông qua kế hoạch góp vốn thành lập Công ty cổ phần Vận tải container VIMC, tổng giá trị góp vốn ước tính khoảng 1.235 tỷ đồng. Cụ thể, vốn góp bằng tài sản là giá trị phần vốn tại VIMC Đình Vũ, 2 tàu container, lô vỏ container trị giá 1.041 tỷ đồng và bằng tiền mặt là 20% giá trị đầu tư 2 tàu container mới trị giá 40.000.000 USD.

Bên cạnh đó, VIMC dự kiến góp vốn vào Cảng Sài Gòn (giá trị góp vốn 69 tỷ đồng), Cảng Cái Mép Hạ (113 tỷ đồng). Đồng thời, tăng vốn cổ phần cho một số doanh nghiệp như Vận tải biển Vinaship, Đại lý Hàng hải Việt Nam.

Dự kiến năm 2025 chiếm 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam

Tầm nhìn đến năm 2025, VIMC cho biết vẫn tiếp tục tập trung hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics. Phát triển hệ sinh thái tích hợp, kết nối hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ logistics trên nền tảng công nghệ số.

Trong lĩnh vực vận tải biển, Tổng công ty thực hiện thanh lý 24 tàu với tổng trọng tải khoảng 617.000 tấn (DWT). Đầu tư 4 tàu container từ 1.700 Teus đến 2.200 Teus và 08 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 tấn (DWT).

Dự kiến đến năm 2025, đội tàu của VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. Trong đó, đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 tấn DWT (13.000 - 16.000 TEU), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.

Trong lĩnh vực cảng biển, VIMC tập trung phát triển hệ thống cảng ở các khu vực trọng điểm như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, Phát triển cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với các đối tác để đầu tư, triển khai các dự án ICD, Depot, trung tâm phân phối, trung tâm logistics, ... tại các khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. HCM, ĐBSCL nhằm kết nối với hệ thống cảng biển hiện có, kéo dài chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Dự kiến đến năm 2025, hệ thống cơ sở hạ tầng logistics gồm: kho, bãi, trung tâm phân phối hàng hoá, đội xe vận tải bộ, sà lan với tổng diện tích kho, bãi khoảng 750.000 m2, đội xe gồm 175 chiếc, sà lan từ 5-10 chiếc cỡ từ 64 teus đến 300 teus.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đại hội cổ đông VIMC: Không đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên hàng đầu, dự kiến đến năm 2025 chiếm 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO