Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN: “Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực”

Hữu Nghĩa | 14:14 22/09/2024

Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC) lần thứ 28 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đăng cai đã được tổ chức vào ngày 20/9/2024 tại TP. Đà Nẵng. Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cùng Phó Thốc đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) Indonesia - Filianingsih Hendarta đã đồng chủ trì Hội nghị.

Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN: “Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực”
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà Đồng chủ trì Hội nghị SLC 2024. Ảnh: NHNN

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tái khẳng định cam kết của SLC trong hiện thực hóa các ưu tiên ASEAN năm 2024 về tăng cường khả năng phục hồi và thịnh vượng tại khu vực ASEAN.

Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh năm 2024 là năm bản lề để đánh giá lại tiến trình triển khai Tâm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và đề ra lộ trình của ASEAN trong tương lai thông qua xây dựng các Kế hoạch Chiến lược thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEN 2045.

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASENAN

Tại phiên thảo luận về diễn biến kinh tế vĩ mô khu vực và quốc tế, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS nhận định kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ “hạ cánh mềm”, lạm phát giảm dần về mức mục tiêu của các NHTW nhưng vẫn còn những áp lực tiềm ẩn như lạm phát kéo dài, bất ổn vĩ mô, tài chính và không gian tài khóa ngày càng thu hẹp.

BIS cũng cho rằng các rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng hiện nay là khả năng lạm phát tái bùng phát và kịch bản kinh tế “hạ cánh cứng”.

Trong bối cảnh đó, BIS dự báo tăng trưởng GDP trung hạn vẫn ảm đạm so với mức trước đại dịch Covid-19. BIS nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuôn khổ ổn định vĩ mô - tài chính để quản lý hiệu quả mối quan hệ giữa thị trường tài chính và các diễn biến kinh tế vĩ mô.

toancanh-hoinghi.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC) 2024. Ảnh: NHNN

Còn đối với Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN – AMRO, cơ quan này nhận định khu vực ASEAN đang trên đà đạt được tăng trưởng ổn định vào 2024 và 2025 nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước, xuất khẩu và du lịch.

Trong bối cảnh đó, AMRO giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN ở mức 4,8% năm 2024 và 2025, đồng thời điều chỉnh giảm nhẹ dự báo lạm phát ở mức 6,3% năm 2024 và 4,4% năm 2025.

Đối với Việt Nam, AMRO dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN (6,3% năm 2024 và 6,5% năm 2025), lạm phát ở mức 3,8% năm 2024 và 3,3% năm 2025.

Theo AMRO, khu vực ASEAN vẫn đang phải đối mặt với các rủi ro, bao gồm: bất ổn toàn cầu và sự phân mảnh địa kinh tế gia tăng, giảm tăng trưởng tại Mỹ và EU, biến đổi khí hậu, thiên tai, các sự kiện thời tiết cực đoan, dịch bệnh, già hóa dân số.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho rằng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục. Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến và tiếp tục giảm về mức mục tiêu nhờ áp lực từ phía cung giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Tuy nhiên, theo bà thì thách thức chính hiện nay là khôi phục ổn định giá cả và hướng tới mục tiêu dài hạn về tăng trưởng bền vững và cân bằng.

Phó Thống đốc cho rằng ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ hiện nay là điều chỉnh chính sách từ giảm lạm phát sang kiểm soát lạm phát, tái lập ổn định giá cả một cách vững chắc và tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi của hệ thống tài chính.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, dưới sự điều phối của NHNN và NHTW Indonesia, các Nhóm công tác về hợp tác ngân hàng ASEAN đã báo cáo tiến độ triển khai các sáng kiến, hoạt động trong năm 2024 cũng như định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Phó Thống đốc NHNN cũng đánh giá cao nỗ lực của các Nhóm công tác trong triển khai các hoạt động ưu tiên năm 2024 với các kết quả đáng ghi nhận. Tại đây, các Phó Thống đốc cũng đưa ra định hướng chỉ đạo hoạt động của Nhóm công tác về hợp tác ngân hàng ASEAN trong thời gian tới.

Được biết, Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN được thành lập vào năm 2011 với nhiệm vụ chính là đưa ra định hướng chỉ đạo và điều phối triển khai các sáng kiến về hội nhập tài chính ngân hàng trong khu vực ASEAN. Thành viên SLC bao gồm các Phó Thống đốc NHTW ASEAN.

SLC không chỉ là diễn đàn hợp tác chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà còn là cầu nối hiệu quả giữa các Phó Thống đốc NHTW các nước thành viên ASEAN, giúp tăng cường đối thoại chính sách giữa các NHTW với các tổ chức tài chính quốc tế.


(0) Bình luận
Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN: “Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO