Trong 2 tháng đầu năm 2023, cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa mạnh với 16/27 mã tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng trên 10%, thậm chí là gần 60%. Trong khi ngược lại 11 mã giảm giá, với mã giảm mạnh nhất là hơn 22%.
Cụ thể, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay là EIB của Eximbank khi mất gần 23%. Cổ phiếu này hồi phục khá mạnh mẽ trong tháng cuối cùng của năm 2022, nhưng bước sang năm 2023 với diễn biến khá tiêu cực khi liên tục đi xuống, hiện thị giá chỉ còn 18.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, cổ phiếu EIB lao dốc mạnh từ ngày trung tuần tháng 2 khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vào cuộc vụ nghi vấn thao túng giá cổ phiếu EIB. Cơ quan cho biết đang điều tra, xác minh nguồn tin tố giác tội phạm "Thao túng thị trường chứng khoán" nên đã yêu cầu một số công ty chứng khoán cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến 3 tài khoản
Trả lời chúng tôi, chủ tịch Eximbank Lương Thị Cẩm Tú cho biết, việc giao dịch mua bán của các cá nhân trên thị trường chứng khoán hoàn toàn độc lập với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Những sự vụ này không ảnh hưởng đến quá trình vận hành và kết quả kinh doanh của Eximbank.
Đây cũng là ngân hàng chốt danh sách cổ đông sớm nhất trong năm nay để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, ngày 20/2 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông ngân hàng có quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức trong gần 1 thập kỷ. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm gần 2.460 tỷ đồng.
Một cổ phiếu khác giảm gần 20% trong 2 tháng qua là NVB của Ngân hàng Quốc dân (NCB). Cổ phiếu này liên tục chìm trong sắc đỏ từ ngày 21/2 đến nay, trong đó riêng phiên 28/2 giảm kịch biên độ, khiến thị giá rớt xuống còn 15.800 đồng/cp.
Các cổ phiếu giảm mạnh tiếp theo là KLB của Kienlongbank (-10,7%), VAB của VietABank (-15,1%), OCB (-9,7%), VPB của VPBank (-4,7%), SGB của Saigonbank (-3,9%).
Cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh lại diễn biến khá tích cực, đều tăng giá trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng tới 16,9% từ đầu năm đến nay, đóng cửa phiên 28/2 ở mức 93.500 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này lập đỉnh cao nhất mọi thời đại hôm 6/2 với giá 96.000 tỷ đồng, đưa vốn hóa lên hơn 454 nghìn tỷ, lớn hơn cả vốn hóa của BIDV và VietinBank cộng lại.
Ngoài ra, cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV cũng diễn biến tích cực, tăng 14,2%, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 2 ở giá 44.100 đồng/cp. Theo đó, VCB và BID là 2 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm ngân hàng niêm yết. Trong khi đó, CTG của VietinBank tăng nhẹ 0,6% lên 27.400 đồng/cp.
Một số cổ phiếu khác cũng tăng trên 10% như TPB của TPBank (10,7%), ACB (11,4%) VIB (13%). Cả 3 ngân hàng này đều đã hé lộ hoặc công bố chính thức về kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt.
Cổ phiếu TPB của TPBank được hỗ trợ bởi thông tin ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông ngày 21/3/2023 để thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25%. Ngày thanh toán dự kiến là 3/4/2023. Trước đó, TPBank đã lấy ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức bằng tiền mặt và được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 77,69%.
VIB dự kiến sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 35% tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 15/3 tới đây. Trong đó, dự kiến cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% và thưởng cổ phiếu 20%. Vừa qua, VIB cũng đã chốt phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, dự kiến chi trả vào ngày 3/3/2023.
Lãnh đạo ACB trong cuộc họp với các chuyên gia phân tích đã hé lộ kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, một cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM tăng tới 58% trong 2 tháng đầu năm là VBB của VietBank, cũng là mã tăng mạnh nhất ngành. Cổ phiếu này đặc biệt tăng mạnh trong những ngày giao dịch đầu tháng 1, “phi” một mạch từ vùng 8.000 đồng/cp lên 12.500 đồng/cp. Sau đó, cổ phiếu này điều chỉnh và có xu hướng đi ngang, kết phiên 28/2/2023 ở giá 12.300 đồng/cp.
Cổ phiếu VietBank tăng mạnh trong bối cảnh ngân hàng này nhận lại hàng nghìn tỷ đồng tiền cọc mua tòa nhà làm trụ sở trong đầu năm nay. Cụ thể, ngày 4/1, HĐQT VietBank đã có Nghị quyết nhận lại tiền cọc và ngưng nghĩa vụ thanh toán giữa VietBank và Công ty TNHH Lương Thạch. Theo đó, VietBank nhận lại số tiền cọc hơn 1.800 tỷ đồng đã cọc cho Lương Thạch tại Hợp đồng đặt cọc nhận chuyển nhượng một phần tòa nhà Lim 2, Hợp đồng hứa mua bán một phần Tòa nhà Lim 2.