Cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG lên sàn chứng khoán từ ngày 5/1/2023, tính đến hết phiên 9/2 đã trải qua 19 phiên giao dịch.
Trong số đó, 13 phiên đầu tiên VNZ không có thanh khoản do không có ai bán ra, nên giá cổ phiếu đứng yên ở 240.000 đồng.
6 phiên tiếp theo từ 1/2/2023 đến 9/2/2023, VNZ đều tăng trần, với đúng 100 cổ phiếu được bán ra mỗi phiên, bằng một lệnh đặt tối thiểu trên sàn chứng khoán.
Qua đó, cổ phiếu VNZ từ 240.000 đồng đã tăng lên 776.900 đồng/cổ phiếu. Với việc tăng trần liên tiếp, ngày 10/2/2023, VNZ đã phải làm văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (theo quy định, doanh nghiệp phải giải trình nếu cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liên tiếp).
VNG cho biết, giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua.
VNG khẳng định hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu VNZ tiếp tục tăng trần với khối lượng khớp lệnh tăng lên 300 cổ phiếu. Theo đó, giá trị vốn hóa của VNG đã tăng lên trên 1 tỷ USD, VNZ trở thành cổ phiếu có giá cao nhất lịch sử thị trường chứng khoán, là 893.400 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của VNG, doanh thu thuần của công ty trong kỳ đạt 2.037 tỷ đồng, nâng doanh thu cả năm lên 7.800 tỷ đồng, tương đương năm trước.
Tuy nhiên, VNG báo lỗ 547 tỷ đồng quý 4/2022, nâng lỗ lũy kế cả năm lên 1.315 tỷ đồng, cao gấp 18 lần số lỗ năm 2021. Mặc dù lỗ lớn nhưng trên bảng cân đối kế toán, VNG hiện vẫn còn 5.311 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.