w_05.png

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương là đồng tác giả (cùng GS. James Riedel, ĐH Johns Hopkins) báo cáo đầu tiên của Ngân hàng thế giới (WB/IFC, 1997), đánh giá tiềm năng phát triển thành phần kinh tế tư nhân Việt Nam và đề xuất một số chính sách cho sự nghiệp công nghiệp hóa quốc gia.

Chuyên gia này đã có trên 30 năm kinh nghiệm tư vấn kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và cho một số doanh nghiệp tại Châu Á, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Ông Trần Sĩ Chương từng là Cố vấn cấp cao về chính sách tiền tệ và kinh tế cho Uỷ ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ, Washington, D.C., và đồng thời là Trợ lý Nghị sĩ về các vấn đề ngoại thương và ngoại giao.

Hiện tại, ông Chương đang là Sr. Partner, Công ty Tư vấn Chiến lược 3Horizons của Anh Quốc, đặc trách khu vực Châu Á.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Sĩ Chương về cơ hội cất cánh của Việt Nam trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và câu chuyện hàng chục ty phú Đô la Việt Nam tiềm năng đang đợi cơ hội để vươn mình cùng đất nước

w_08.png

Theo quan sát của ông, vận hội mới của Việt Nam có điểm gì đặc biệt?

Vận hội mới của nước ta bắt nguồn từ sự chuyển vận của tình hình thế giới, và điều này biến vị trí địa chiến lược của Việt Nam trở nên tương đối có giá trị hơn so với những thập niên trước, đặc biệt từ tranh chấp Mỹ - Trung. Những yếu tố này đã mở đường cho một số cơ hội kinh tế của Việt Nam.

Trước mắt, chúng ta thấy đã có một số công ty chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chia sẻ với chúng tôi, họ thấy nước ta vẫn còn một số giới hạn ở hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm. Năm 2024, Việt Nam rất hồ hởi với các công ty công nghệ cao, nhưng ngoài câu chuyện về hạ tầng cứng, các doanh nghiệp này đặc biệt cần hành lang pháp lý, bảo hộ trí tuệ rất rõ ràng, có đầy đủ điều kiện, chế tài…

w_10.png

TP.HCM đang tổ chức một số hội thảo cùng với TP. Đà Nẵng nói về chuyện xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Thực tế, những trung tâm này không chỉ đòi không gian rộng, hệ thống đường truyền mạnh, hay các tòa nhà cao tầng, mà còn cần đến nguồn nhân lực.

Chúng ta cần học bài học của Singapore. Quốc gia này là một ví dụ điển hình về việc tận dụng cơ hội quốc tế và chuẩn bị trước những thay đổi lớn. Khi họ thấy Hồng Kông chuẩn bị chuyển giao từ Anh Quốc sang Trung Quốc, Singapore đã dự đoán được nguy cơ Hồng Kông mất vị trí trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Họ ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị xây dựng một môi trường kinh doanh, đảm bảo không có bất kỳ lo ngại nào về dòng tiền, tính minh bạch hay hành lang pháp lý.

Singapore không cần phụ thuộc quá nhiều vào nhân lực nội địa để thực hiện mục tiêu đó. Triết lý "đất lành chim đậu" của họ đã thu hút những nhân tài và nguồn lực tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới. Khi hạ tầng tốt và môi trường kinh doanh hấp dẫn được thiết lập, các nguồn lực quốc tế sẽ tự nhiên tìm đến, làm ra tiền và đóng góp cho sự phát triển của quốc gia.

Theo tôi, để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần phải tập trung xem “đất lành” phải là gì để đón “chim đẹp, chim tốt” đến “đậu”, hót bài gì!

w_12.png

Theo ông, các cơ hội hiện tại có gì đặc biệt so với những cơ hội trong quá khứ? Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đó ra sao để tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ?

Tôi không đặt nặng chuyện cơ hội hiện tại lớn hơn, tốt hơn hay đặc biệt hơn so với những cơ hội của những thập kỷ trước. Thời nào cũng có cơ hội. Vấn đề nằm ở chỗ, liệu mình có sẵn sàng đón nhận hay không và biết chuyện gì đúng cần làm để nắm bắt cơ hội đó. Trước đây, có lẽ chúng ta chưa làm thật đúng chuyện cần làm hoặc chưa đủ quyết tâm làm thật đúng.

Bởi vậy, cơ hội lớn nhất của Việt Nam hiện nay mà tôi thấy không phải chỉ đến từ các yếu tố bên ngoài như địa chính trị, thương mại hay cơ hội đầu tư…, mà còn chính từ lãnh đạo và nhân dân đã có ý thức cao hơn về một “Kỷ nguyên mới”, về “Cơ hội vươn mình” của dân tộc.

Tôi hy vọng, những cụm từ này không chỉ là khẩu hiệu, mà là cam kết, quyết tâm để nước ta làm những điều đúng thật đúng và kịp thời. Cửa sổ cơ hội nào cũng không bao giờ mở mãi.

Ông nhìn thấy những tín hiệu gì để tin vào việc: Cơ hội lớn nhất của Việt Nam đến từ bên trong?

Qua trải nghiệm của tôi, cái gì cũng khó nhưng cái gì cũng có thể rất dễ. Một khi đã có quyết tâm chính trị để làm chuyện đúng thật đúng thì sẽ làm được. Tuyệt đối!

Trong thời kỳ mở cửa trong những năm đầu của thập niên 90, lãnh đạo Việt Nam đã có những quyết định táo bạo bỏ đi những chính sách “ngăn sông cách chợ” để qua đêm hạ nhiệt siêu lạm phát, cũng như từ một nước phải nhập khẩu gạo sang một nước xuất khẩu gạo thứ ba thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ và Thái Lan) vào năm 1989, chỉ 2 năm sau “Đổi Mới”.

Hiện nay, các cơ hội và vận hội không chỉ được lãnh đạo mà cả người dân đều nhìn thấy. Khi các từ khóa “Kỷ nguyên mới” hay “Kỷ nguyên vươn mình” xuất hiện khắp nơi, tôi tin rằng lãnh đạo cấp cao nhất đã thực sự thấy phải chuyển mình. Điều này giống như sự quyết liệt tôi từng chứng kiến từ những lãnh đạo cấp cao của Việt Nam vào thập niên 90.

w_14.png

Là đồng tác giả của nghiên cứu đầu tiên về kinh tế tư nhân, và cũng theo dõi kinh tế vĩ mô Việt Nam nhiều năm, ông có thể chia sẻ một câu chuyện về sức bật mạnh mẽ của khu vực tư nhân - niềm hy vọng trong hành trình vươn mình của dân tộc ở Kỷ nguyên mới?

w_16.png

Tôi trở về Việt Nam cùng với Gs. James Riedel của ĐH Johns Hopkins năm 1995 để thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên cho Ngân hàng Thế giới, với một sứ mệnh rất rõ ràng: tìm hiểu xem, trong văn hóa dân gian, trong những con người Việt Nam có còn “máu” làm ăn hay không.

Sau những biến cố của chiến tranh, những năm dài đóng cửa.., chúng tôi muốn biết liệu khu vực tư nhân liệu có còn sức sống. Để làm rõ điều này, chúng tôi tiến hành khảo sát gần 100 doanh nghiệp mới thành lập sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời, từ Hải Phòng, Hà Nội, đến Đà Nẵng, Nha Trang, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ...

Ban đầu, khi mới gặp các doanh nghiệp, chúng tôi cảm thấy “èo uột” quá. Doanh nhân Việt Nam dường như không có kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường và các kỹ năng tối thiểu điều hành doanh nghiệp.

w_18.png

Tuy nhiên, khi khảo sát sâu hơn, chúng tôi phát hiện những điểm rất đặc biệt. Và chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi gần như đã có câu trả lời cho mục tiêu của cuộc khảo sát. Từ già đến trẻ, ai cũng bàn chuyện mua thấp bán cao, đi mượn tiền, hốt hụi, góp vốn làm ăn.

Bản báo cáo dự kiến dài hàng trăm trang của chúng tôi, cuối cùng chỉ gói gọn trong hơn 20 trang, nhưng cũng đủ để khẳng định: tinh thần kinh doanh của người Việt vẫn hừng hực khí thế, không hề mai một.

Khi đó, chúng tôi so sánh doanh nhân Việt Nam với doanh nhân Hồng Kông - những người được đánh giá là năng động nhất thế giới. Chúng tôi nhận thấy, điều mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần để phát triển tốt, là một sân chơi phẳng và hệ thống pháp luật rõ ràng.

Vài năm sau quay lại, chúng tôi thấy sân chơi vẫn chưa thật phẳng và việc thực thi luật pháp còn nhiều bất cập. Vậy mà doanh nghiệp tư nhân nước ta vẫn phát triển mạnh.

Chúng tôi hay nói đùa, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không xuất phát từ số 0, mà từ số âm nếu so với nhiều nước khác. Quay lại 30 năm, 20 năm, thậm chí 15 năm trước, họ có lẽ không bao giờ tưởng tượng được sẽ có ngày hôm nay. Tất cả những thành công đó chỉ có thể được lý giải bởi ý chí và nghị lực vượt khó phi thường của khu vực tư nhân trong nước.

w_20.png

Điều này cho ông kỳ vọng gì khi sân chơi sẽ phẳng hơn, cùng với quyết tâm chính trị để thực hiện “Kỷ nguyên vươn mình” từ những lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, có thể là cuộc “đổi mới lần thứ hai”?

Tôi vẫn có lòng tin lớn từ những trải nghiệm trong quá khứ. Khi Nhà nước thực hiện cải cách 10%, sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế - xã hội không tăng theo tỷ lệ thuận, mà tăng theo cấp số nhân, cấp số lũy thừa. Sức bật đó trong xã hội này tôi vẫn thấy và cảm nhận được. Sức bật đó kinh khủng lắm!

w_22.png

Nhìn lại thập niên 90, khi đất nước đang trong giai đoạn "ngăn sông cấm chợ" và phải nhập khẩu gạo, ai có thể nghĩ rằng chỉ trong một vài năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng thứ hai, thứ ba thế giới. Điều đó cho thấy tốc độ phát triển và sự thay đổi có thể xảy ra nhanh chóng đến mức không thể hình dung được.

Còn bây giờ, với sự phát triển của công nghệ thông tin, thế giới đã "phẳng" hơn rất nhiều. Tôi xin lấy một ví dụ, một em học sinh trung học ở Cam Ranh chứ không phải Hà Nội và TP.HCM lại có thể trở thành một trong những hacker hàng đầu thế giới. Nhân tài về công nghệ thông tin là một thế mạnh rất lớn của Việt Nam.

Và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sáng mai thức dậy, dự án của một bạn trẻ 20 tuổi ở Việt Nam mới được một công ty mua với giá 100 triệu hoặc 200 triệu đôla. Điều này hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được sức tăng trưởng theo cấp số nhân trong thời kỳ tăng trưởng theo cấp số cộng.

Vào thập niên 90, trong mỗi ngành chỉ có vài chuyên gia đẳng cấp quốc tế. Còn bây giờ, số lượng người Việt Nam đạt trình độ quốc tế trong các lĩnh vực như: công nghệ, tài chính, kinh tế, hay nông lâm nghiệp… đã tăng lên rất nhiều. Hiện nay, ở bất kỳ tỉnh thành nào, bạn cũng có thể gặp rất nhiều tiến sĩ và chuyên gia hàng đầu được đào tạo ở nước ngoài.

w_24.png

Việt Nam có nguồn lực con người cực kỳ lớn, nhưng việc sử dụng còn nhiều hạn chế. Những Việt kiều như tôi trở về Việt Nam để lập nghiệp vẫn chưa nhiều vì thiếu cơ hội để phát huy tài năng. Nhiều chuyên gia kinh tế người Việt ở nước ngoài như Nhật, Pháp, Đức, Hoa Kỳ… vẫn đóng góp cho đất nước nhưng từ xa thôi. Mỗi năm, họ về nước một vài lần để tham gia các hội nghị, hội thảo, hướng dẫn một vài đề tài, chứ không ở hẳn vì khó đóng góp nhiều.

Theo tôi, nếu chúng ta chưa thể sử dụng tốt nguồn nhân lực trong nước, thì làm sao có thể sử dụng nguồn lực từ nước ngoài?

Đây cũng là yếu tố cần tính tới khi thu hút đầu tư nước ngoài. Khi doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, họ xem doanh nghiệp nội đang làm ăn ra sao để đo hệ sinh thái ở đây như thế nào. Họ xem cách doanh nghiệp Việt đang hoạt động ra sao để quyết định đầu tư. Họ xem “chim trong nước đang đậu ở đâu” để đánh giá “đất lành”.

w_26.png

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định kinh tế Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình và rất khó thoát ra. Từ góc nhìn của một chuyên gia, điều gì khiến ông tin rằng Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn mình ở Kỷ nguyên mới?

Đây là một câu hỏi quan trọng!

Trong định luật kinh tế phát triển, có một ví von rất xác thực: Khi một quốc gia bắt đầu phát triển ở một giai đoạn nào đó, như Việt Nam vào thập niên 90, giống như một chiếc máy bay trên đường băng chuẩn bị cất cánh, cái quan trọng không phải là vận tốc, mà là gia tốc.

Chiếc máy bay khi mới bắt đầu bay, vận tốc vẫn thấp, nhưng gia tốc cần phải tăng liên tục để đạt ngưỡng cần thiết. Nếu chỉ tăng tốc được một đoạn ngắn rồi giảm tốc, chiếc máy bay sẽ không đủ lực để cất cánh.

Nếu nhìn vào 5 con rồng kinh tế châu Á (Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản) và đặc biệt là Trung Quốc mới đây, họ ít nhất phải có 10 năm, tối đa là 15 năm duy trì tăng trưởng cao, gần hay đạt 2 con số để có thể vươn mình, như một hoả tiễn được bắn vào quỹ đạo. Quốc gia cần có đủ lực để tăng tốc, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo và sau đó mới có thể ổn định bay “lững lờ”.

w_28.png

Ngược lại, nếu chỉ phát triển cao được một vài năm rồi chậm lại, nền kinh tế sẽ mất đà. Giống như máy bay muốn cất cánh mà bạn ngừng tăng ga, nó sẽ mất trớn và không thể tiếp tục. Và “cuối đường băng” sẽ là bẫy thu nhập trung bình.

Nếu nhìn theo hình ảnh này, Việt Nam trong 10 năm (1986-1996), tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam chỉ đạt được khoảng 7-8%, rồi sau đó tụt dần xuống. Theo lý thuyết trên, chúng ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình và chưa biết phải thoát ra như thế nào.

Tuy nhiên, có lẽ tôi là một người lạc quan nên muốn thấy một hình ảnh khác. Tôi nghĩ chúng ta vẫn có cơ hội để thay đổi vận mệnh. Thế giới đang đổi trục, tạo ra những điều kiện mới và xuất phát điểm mới. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể chuẩn bị cất cánh lại một lần nữa. Nhưng lần này, chúng ta cần làm bài toán thật kỹ, giữ mức tăng trưởng hàng năm tối thiểu “2 con số” trong thời gian đủ dài, giúp máy bay có đủ đà để cất cánh.

Công nghệ thông tin, vận hội mới, địa chiến lược thuận lợi đã có. Cái còn lại cần sự quyết tâm chính trị. Chúng ta đã có những “phi công” giỏi rồi, quyết tâm ở đây chính là tổng đài phải để phi công tiếp tục kéo cần cất cánh.

w_30.png
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO