Dự án nhà ở đình trệ, do công ty phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings khởi xướng vài năm trở lại đây, đã khiến những người mua nhà tại thành phố Loudi, miền trung Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn.
“Nếu ngôi nhà chưa hoàn thành, con trai tôi không thể kết hôn”, một khách hàng nói và cho biết ông đến thăm công trường xây dựng hầu như mỗi ngày để kiểm tra tiến độ, song mọi chuyện chẳng đâu vào đâu. Ở Trung Quốc, gia đình chú rể thường phải chuẩn bị nhà mới cho cô dâu trước khi cặp đôi kết hôn.
“Gia đình kia sẽ không đồng ý cho chúng nó kết hôn vì ngôi nhà chưa hoàn thành”, ông than thở.
Loudi là một thành phố nội địa cấp thấp với dân số 4,45 triệu người. Việc xây dựng khu nhà ở đã dừng lại vào khoảng mùa hè năm 2023.
Bà Zhang trước đó đã mua một căn hộ với giá khoảng 1,5 triệu nhân dân tệ (205.000 USD) tại khu phát triển này vì gần trường học. Sự tắc trách của ban phát triển dự án khiến bà không khỏi bất bình, cứ 3 lần trong tháng lại kêu gọi nhiều người khác đến kiến nghị chính quyền địa phương.
Việc xây dựng cuối cùng đã được khởi động lại trong một thời gian, song Country Garden chỉ cử một vài công nhân đến công trường. Ai cũng biết đây chỉ là ‘màn kịch’ xoa dịu tạm thời tình hình.
“Có nhiều chủ nhà lo lắng đến xem công trường hơn là công nhân”, Zhang nói.
Một người mua nhà khác ở độ tuổi 30, họ là Wu, đã tham gia thúc giục chính quyền hoàn thành việc xây dựng càng sớm càng tốt.
“Chính quyền địa phương của chúng tôi hứa rằng công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3, nhưng cho đến nay đã bị hoãn lại nhiều lần, vì vậy tôi thấy khó tin”, Wu nói.
Country Garden, từng là một nhà phát triển hàng đầu của Trung Quốc, đã trở thành một trong những công ty thua lỗ lớn nhất trong lịch sử. Nhiều nhà phát triển lớn khác ở Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Doanh số bán nhà của 200 tập đoàn bất động sản lớn đã giảm gần 30% vào năm ngoái, lao dốc 70% so với mức đỉnh điểm năm 2020.
Theo ước tính của UBS, trên khắp Trung Quốc, 745 triệu mét vuông dự án xây dựng đang bị đình trệ. Con số này tương đương với 7,45 triệu ngôi nhà có diện tích 100 mét vuông. Nếu trung bình cứ 3 người sống trong mỗi ngôi nhà, con số trên có nghĩa sẽ ảnh hưởng đến khoảng 22 triệu người.
Chính quyền địa phương đã trả lời các khiếu nại của người dân bằng cách khẳng định mua nhà là “hoạt động đầu cơ”. Các hạn chế trong việc vay vốn đã góp phần gây ra sự suy thoái bất động sản của Trung Quốc.
“Chúng tôi chỉ muốn có một nơi để sống”, Zhang cho biết. “Không hề có cảm giác đầu cơ nào cả”.
Quay trở lại hồi năm 2016 - thời điểm bất động sản ở Trung Quốc mới bắt đầu sôi động. Các nhà phát triển, người mua nhà, đại lý bất động sản, thậm chí cả các ngân hàng Phố Wall đều phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo.
Các nhà phát triển tìm mọi cách che giấu số nợ họ đang nắm giữ. Dù sao đi nữa, những người mua nghi ngờ thị trường bất động sản nhất vẫn quyết định xuống tiền. Họ tự tin rằng chính phủ Trung Quốc không bao giờ cho phép thị trường sụp đổ.
Giờ đây, Trung Quốc đang phải trả giá. Hàng chục nhà phát triển vỡ nợ. Khoảng 500.000 người mất việc làm. 20 triệu đơn vị nhà ở trên khắp Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện. Ước tính cần khoảng 440 tỷ USD để có thể xây dựng xong.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Dealogic, trước đây, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2021, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã huy động được 258 tỷ USD bằng cách bán trái phiếu bằng USD. Nhiều ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng lớn ở Phố Wall như Goldman Sachs và Morgan Stanley, đã thu về 1,72 tỷ USD để bảo lãnh cho các giao dịch này.
Các nhân viên ngân hàng gặp nhau để thảo luận về các giao dịch. Một quản lý quỹ phòng hộ nhớ lại việc bản thân từng tham dự tiệc lớn ít nhất mỗi tháng một lần trên du thuyền để bàn chuyện đại sự. Không một ai nghĩ một ngày, BĐS lại điêu đứng đến thế.
Sau một thời gian tạm dừng vì phong toả COVID-19 vào đầu năm 2020, thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng không ngừng. Theo Goldman Sachs, tổng giá trị nhà ở và hàng tồn kho của các nhà phát triển Trung Quốc đạt hơn 50 nghìn tỷ USD, gấp đôi quy mô thị trường nhà ở Mỹ và lớn hơn toàn bộ thị trường trái phiếu Mỹ. Theo báo cáo của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam, người dân có gần 78% tài sản gắn liền với bất động sản nhà ở so với tỷ lệ chỉ 35% ở Mỹ.
Theo: Nikkei Asia, WSJ