Chưa từng có tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới: Hơn 800 doanh nghiệp phá sản trong 1 tháng, 10.000 công ty lao đao

Vũ Anh | 15:06 13/05/2025

Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đang chao đảo.

Chưa từng có tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới: Hơn 800 doanh nghiệp phá sản trong 1 tháng, 10.000 công ty lao đao

Theo báo cáo do Tokyo Shoko Research công bố ngày 12/5, Nhật Bản có hơn 800 doanh nghiệp phá sản trong tháng 4/2025, với khoản nợ từ 10 triệu yên trở lên. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 5,7%, chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nền tảng tài chính yếu kém không thể trụ vững trước cơn bão lạm phát và thiếu hụt lao động. 

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp phá sản do thiếu hụt lao động tăng lên 36 vụ, so với 25 vụ cùng kỳ năm ngoái. Các vụ phá sản do tác động của lạm phát vẫn ở mức cao, với 56 trường hợp, so với 60 vụ vào tháng 4/2024.

Xét trên từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể, mảng dịch vụ ghi nhận 292 vụ phá sản, mức cao nhất từng được ghi nhận trong tháng 4. Ngành xây dựng có 152 vụ, tăng 4,1%, trong khi bán lẻ chứng kiến mức tăng vọt tới 32,5% với 106 vụ phá sản.

Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Nhật Bản vẫn đang vật lộn với khoản nợ lớn tích tụ từ thời đại dịch Covid-19. Cộng thêm lạm phát, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới cũng phải chao đảo. 

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ đã công bố kết quả cuộc khảo sát “Tankan” - một cuộc khảo sát kinh tế ngắn hạn đối với 9.000 doanh nghiệp trên toàn quốc trong tháng 3. Kết quả cho thấy, lần đầu tiên tâm lý kinh doanh của các công ty sản xuất lớn của Nhật Bản đã xấu đi do thuế quan của Mỹ và sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo báo Nikkei, chỉ số tâm lý kinh doanh (DI) là + 12, giảm nhẹ so với cuộc khảo sát trước là +14 vào tháng 12 năm ngoái. Đáng chú ý là ngành thép giảm 10 điểm xuống mức – 18 điểm, sau khi Mỹ áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm vào tháng 3.

Khảo sát Tankan cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động đang ngày càng nghiêm trọng ở Nhật Bản. Chỉ số này được tính bằng tỉ lệ phần trăm của các công ty “thừa, đủ lao động” trừ đi các công ty thiếu lao động và cho kết quả là - 37 điểm. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng với các công ty vừa và nhỏ.

screenshot-2025-05-13-at-15.05.05.png

Trước đó, số liệu do công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research công bố cũng cho thấy số doanh nghiệp phá sản tại Nhật Bản trong năm tài chính 2024 đã vượt con số 10.000 lần đầu tiên sau 11 năm. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu tác động nặng nề do tình trạng thiếu hụt lao động và giá cả leo thang. Số vụ phá sản với các khoản nợ từ ít nhất 10 triệu yen (68.100 USD) là 10.144 vụ - tăng 12,1% so với năm tài chính 2023.

Ngoài việc chi phí mua hàng tăng lên, một số công ty cho biết đồng yen yếu đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động, với lý do số người tìm việc không phải người Nhật Bản giảm. Theo khảo sát năm 2024 của công ty nhân sự Mynavi Global, 91% sinh viên và người lao động nước ngoài sống ở Nhật Bản cho biết họ muốn ở lại. Con số này giảm 5,8 điểm phần trăm so với năm 2022. 

Ngay cả khi loại bỏ yếu tố tiền tệ, mức lương của Nhật Bản từ lâu vẫn ở mức khiêm tốn vì bị ảnh hưởng bởi hàng thập kỷ giảm phát và tăng trưởng thấp. Vào đầu những năm 1990, bong bóng tài sản Nhật Bản đã nổ tung.

Một số công ty đang phải tăng lương để thu hút lao động nước ngoài, đồng thời chuyển chi phí sang người tiêu dùng và gián tiếp gây áp lực lạm phát. Chẳng hạn vào năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ dọn phòng Nhật Bản Bears, vốn phụ thuộc một phần vào lực lượng lao động trẻ có trình độ từ Philippines, đã tăng phí dịch vụ lần đầu tiên sau 18 năm, lên tới 20%. Trong năm tài chính trước đó, doanh thu của Bears đạt 6 tỷ yên.

Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp nhỏ, lợi nhuận thấp, tăng lương lớn không phải lựa chọn khả thi về lâu dài.

“Mức lương của tôi vẫn giữ nguyên”, Spandan Sunar, một công dân Nepal 27 tuổi cho biết. Sunar hiện đang làm việc tại một công ty vận tải ở Chiba, phía đông Tokyo, từng gửi khoảng 50.000 yên mỗi tháng về cho gia đình ở quê khi anh mới đến vào năm 2018.

Hiện tại, giá trị tương đương đã tăng lên 80.000 yên mỗi tháng. Nếu gửi đúng 80.000 yên, Sunar sẽ không đủ khả năng. Bản thân anh cũng phải giảm chi tiêu hàng tháng.

“Người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đang phải vật lộn với vấn đề thu nhập thấp”, anh nói và so sánh hoàn cảnh của mình một cách bâng khuâng với những người bạn Nepal kiếm được mức lương cao hơn ở Mỹ và Úc.

Nếu lương vẫn không tăng, trong khi đồng yên tiếp tục suy yếu, số lượng người muốn đến Nhật Bản trong tương lai sẽ sụt giảm, theo Yamazaki, phó giám đốc bộ phận phát triển kinh doanh toàn cầu của Career-tatsu. Công nghệ thông tin là lĩnh vực mà các công ty Nhật Bản đặc biệt quan ngại.

Đối với các công việc cổ trắng, Kevin Naylor, giám đốc điều hành của Future Manager World USA kiêm cựu giám đốc của cơ quan tìm kiếm nhân tài trên thế giới cho biết các công ty ở Nhật Bản có xu hướng thuê công dân bản địa hoặc người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản.

Luke Furnival, phụ trách thị trường công nghệ với tư cách phó giám đốc của công ty tuyển dụng Robert Walters Japan, cho biết: “Thường có một khoảng cách đáng kể giữa những gì ứng viên mong đợi và những gì họ có thể làm ở Nhật Bản. Trong vài năm qua, chúng tôi đã phải tập trung quản lý kỳ vọng đó hơn những năm trước”.

Theo: Nikkei Asia, Japan Times


(0) Bình luận
Chưa từng có tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới: Hơn 800 doanh nghiệp phá sản trong 1 tháng, 10.000 công ty lao đao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO