Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đô thị Quảng Ninh trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, văn minh, hiện đại.
Việc thông qua Chương trình phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2030 chính là điều kiện tiên quyết để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, sớm xây dựng, quy hoạch Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, đồng thời góp phần nâng cao mức thu nhập cho người dân, theo trang điện tử tỉnh Quảng Ninh.
Theo nội dung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đề ra, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, trong đó, sẽ không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông...
Theo đó, các thành phố trong vùng nội thị này bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái (huyện Hải Hà hợp nhất với TP Móng Cái) được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại 1 đến năm 2030; với 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 77 phường (chiếm 51% số phường). Các đô thị khác thuộc các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính, dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người (dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa trên 75%;
Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.
Đồng thời, hình thành 3 vùng liên huyện, bao gồm: Vùng liên huyện Vân Đồn, gồm: Huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ.
Trong đó, khu vực đô thị trung tâm huyện Vân Đồn là trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 323,5 nghìn người; diện tích khoảng 4.145km2.
Đây là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp, trong đó Vân Đồn là khu kinh tế ven biển, mũi đột phá, trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam, là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc.
Vùng liên huyện Móng Cái gồm: TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu, trong đó, TP Móng Cái gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là mũi đột phá, trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 418.900 người, diện tích khoảng 2.671km2. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch biên giới, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh…
Theo trang tin Quảng Ninh, để thực hiện nội dung đề ra, tỉnh này đã xây dựng danh mục, kế hoạch nâng loại đô thị toàn tỉnh đến năm 2030; định hướng phát triển và đề xuất các phương án phát triển; các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung; giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.
Quảng Ninh có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế
Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Quảng Ninh có nhiều khu kinh tế, Trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Quảng Ninh hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tỉnh này có nguồn tài nguyên khoáng sản, nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng, theo Báo Quảng Ninh.
Sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng, GRDP Quảng Ninh ước đạt 9,02%, xếp thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,02%, vượt cận trên kịch bản tăng trưởng (kịch bản là 9,0%), đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 cả nước (GDP cả nước 6 tháng tăng 6,42%).