Theo tường thuật của Báo Xây Dựng, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương cho biết, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện phát triển ổn định.
Về thu chi ngân sách, đến ngày 10/2, tổng thu, tổng chi ngân sách Nhà nước của huyện đạt lần lượt gần 252 tỷ đồng và gần 112 tỷ đồng, (lần lượt vượt kế hoạch UBND tỉnh giao là hơn 15% và hơn 11%). Trong Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của huyện gần 274 tỷ đồng. Đến 10/2, giá trị giải ngân 32,5 tỷ đồng, đạt gần12% kế hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, Bàu Bàng là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của tỉnh.
Phân bổ vốn trung hạn năm 2024 -2025 của Bàu Bàng là 1.909 tỷ, với 25 dự án. Cho đến nay, Bàu Bàng đã giải ngân 1.662 tỷ đồng, đạt trên 87% và trở thành địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh về giải ngân đầu tư công.
Sản lượng điện thương phẩm ổn định, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 99,9%. Từ đầu năm đến nay, huyện đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 45 hộ gia đình, cá nhân với tổng số vốn hơn 11,6 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, với những kết quả đạt được của Bàu Bàng trong thời gian qua, Bàu Bàng sẽ là trung tâm phát triển 2 con số của tỉnh và là địa phương tạo ra dư địa đối với các địa phương khác của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá cao kết quả giải ngân đầu tư công của huyện Bàu Bàng. Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, việc giải ngân đầu tư công tốt là nền tảng quan trọng, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện tốt các dự án. Đây sẽ là động lực quan trọng để huyện tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2025, cùng tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Năm 2025, huyện cần tiếp tục thực hiện tốt công tác giải ngân đầu tư công; hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp hoạt động, thực hiện tốt và tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đất đai; quan tâm nhu cầu và tạo điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân.
Huyện phải xây dựng quy hoạch các dự án và hướng tới hệ sinh thái khu công nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp Net Zero.
Bàu Bàng sẽ lên thị xã vào năm sau
Đặc biệt, huyện Bàu Bàng cần năng động, sáng tạo trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng, chỉnh trang và phát triển đô thị, để huyện Bàu Bàng đáp ứng đủ các tiêu chí và trở thành thị xã chậm nhất vào cuối năm 2026.

Theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) đến năm 2040, xác định xây dựng vùng lõi đô thị dựa trên sự phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ thế hệ mới.
Vùng lõi sẽ là vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là hình thành khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung. Trong đó, vùng lõi trung tâm của Bình Dương được xác định là các thành phố gồm Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng.
Huyện Bàu Bàng được thành lập vào ngày 29/12/2013 theo Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ, trên cơ sở 7 xã còn lại của huyện Bến Cát (cũ) là: Cây Trường 2, Hưng Hòa, Lai Hưng, Lai Uyên, Long Nguyên, Tân Hưng và Trừ Văn Thố. Huyện lỵ đặt tại xã Lai Uyên.
Ngày 11/7/2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 535/NQ-UBTVQH14. Theo đó, thành lập thị trấn Lai Uyên (thị trấn huyện lỵ huyện Bàu Bàng) trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Lai Uyên.