Xuất hiện trong số thứ 2 của The Investors, ông Vũ Hữu Điền - Chủ tịch Chứng khoán VPBank (VPBankS) tiết lộ, mình “đầu tư theo trường phái old school (cổ điển)”, hâm mộ Warren Buffett, và thích đọc các cuốn sách về định giá công ty của Giáo sư tài chính Aswath Damodaran.
Từ trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức giao dịch, ông Điền đã đầu tư thông qua thị trường OTC với khoản đầu tư đầu tiên là cổ phiếu một công ty thuỷ sản ở TP.HCM. Trước khi gia nhập VPBankS, ông Vũ Hữu Điền là Giám đốc đầu tư và quản lý quỹ VEIL (Vietnam Enterprise Investments Limited) – quỹ lớn nhất và lâu đời nhất của Dragon Capital.
Tách biệt khỏi cương vị Chủ tịch VNDirect hay VPBankS, ông Vũ Hữu Điền cùng Host Phạm Minh Hương đã cùng chia sẻ về hành trình đầy cảm hứng với ngành chứng khoán.
Host Phạm Minh Hương: Khi nhìn thấy anh với vai trò Chủ tịch HĐQT của VPBankS, tôi rất ngạc nhiên và cũng khá tò mò. Là một người đã rất thành công với vai trò hedge fund trader, điều gì khiến cho anh quyết định chuyển từ buy-side (bên mua hay nhà đầu tư) sang sell-side (bên bán hay công ty chứng khoán hoặc các tổ chức tài chính tương tự) sau 24 năm?
Ông Vũ Hữu Điền: Tôi thật sự rất kính nể các anh, chị đã tham gia thị trường và tự tay xây dựng nên công ty của bản thân. Cách đây vài tuần, tôi cũng nghe nói chị Hương, dù ở độ tuổi hiện tại, vẫn khởi nghiệp một lần nữa. Điều này khiến tôi cảm thấy mình còn rất trẻ để bắt đầu một công việc mới (cười).
24 năm làm việc tại Dragon Capital đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, cả khó khăn lẫn những điều thú vị. Tôi nhận thấy, còn một lĩnh vực trong ngành chứng khoán tôi chưa có cơ hội khám phá, đó là sell-side. Vì vậy, sau 24 năm tại Dragon Capital, tôi quyết định sẽ dành thêm 24 năm nữa để làm việc trong ngành sell-side và phục vụ các nhà đầu tư.
Host Phạm Minh Hương: Mọi người thường nghĩ rằng nghề đầu tư chứng khoán chỉ phù hợp với những người trẻ tuổi, gan lì vì nó đầy thách thức và biến động. Vậy điều gì giúp cho một người đã trải qua 24 năm làm việc trong lĩnh vực này như anh mà vẫn duy trì được niềm đam mê, giữ được sức bền và ở lại thị trường, tiếp tục thích làm nghề chứng khoán?
Ông Vũ Hữu Điền: Có lẽ do tôi là người lạc quan (cười lớn). Mỗi khi thị trường giảm mạnh, tôi nghĩ rằng tương lai thị trường sẽ tăng mạnh hơn. Khi thị trường đi ngang và kém sôi động, tôi lại nghĩ rằng thị trường đang tích lũy và đi lên mạnh hơn. Tuy nhiên, sự lạc quan đó không phải vô căn cứ mà dựa trên niềm tin tưởng mạnh mẽ vào tiềm năng kinh tế và sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Host Phạm Minh Hương: VN-Index đã duy trì quanh ngưỡng 1.200 điểm trong một khoảng thời gian dài, nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức cao. Là một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, anh nghĩ gì về tâm lý của các nhà đầu tư trong hoàn cảnh này? Và anh dự đoán thị trường sẽ có những biến động mới trong thời gian tới hay sẽ vẫn tiếp tục xoay quanh mức 1.200 – 1.300 điểm?
Ông Vũ Hữu Điền: Khi thị trường chứng khoán chỉ biến động quanh cột mốc nhất định và không thể hình thành một xu hướng tăng trong thời gian dài, nó thường gây ra sự chán nản và áp lực cho cộng đồng nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư ngắn hạn gặp khó trong việc điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận, đặc biệt khi sử dụng đòn bẩy tài chính, tạo ra áp lực tài chính lớn. Các chuyên gia tư vấn tại các công ty chứng khoán đối mặt với sức ép khi dự báo thị trường không như mong đợi, việc quản lý kỳ vọng của nhà đầu tư trở nên khó khăn.
Các nhà đầu tư tổ chức cảm thấy lo lắng khi giá trị tài sản ròng (NAV) không tăng trưởng một cách ổn định, đặc biệt khi so sánh với sự phát triển của các thị trường khác. Các tổ chức đầu tư và công ty quản lý quỹ cũng chịu áp lực từ kỳ vọng của cổ đông và các nhà đầu tư góp vốn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường chứng khoán luôn trải qua các chu kỳ phát triển như vậy và những người có sự kiên nhẫn cùng kỹ năng quản trị rủi ro tốt vẫn có thể nắm bắt được cơ hội để kiếm được lợi nhuận. Mặc dù có thể thấy thị trường có phần trầm lắng, nhưng nếu nhìn vào dữ liệu từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng gần 3 tỷ USD, đây là con số đáng kể so với quy mô của thị trường và lớn nhất từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập vào năm 2000.
Bất chấp sự bán ròng và biến động, thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận tăng trưởng khoảng 10% từ đầu năm đến hiện tại là một mức không tệ. Điều này cho thấy nhà đầu tư Việt Nam rất giàu kinh nghiệm và bản lĩnh, họ biết chọn thời điểm tham gia khi thị trường giảm xuống mức hợp lý và họ tin tưởng vào triển vọng tương lai.
Còn áp lực lớn hiện nay đến từ yếu tố bên ngoài, như việc nước ngoài rút vốn ròng và việc Fed giữ lãi suất trên 5% tạo áp lực cho các thị trường mới nổi, bao gồm thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, được minh chứng qua các chỉ số như tăng trưởng GDP, FDI, PMI và nhiều chỉ số khác. Tất cả đều chỉ ra xu hướng phục hồi rõ ràng.
Tôi tin rằng chúng ta có thể đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán Việt Nam.
Host Phạm Minh Hương: Đúng vậy, khi thị trường biến động trong một khoảng hẹp, nhà đầu tư thường nghĩ đây không phải cơ hội để kiếm tiền, nhưng thực ra bất cứ một điều kiện nào của thị trường cũng có cơ hội.
Host Phạm Minh Hương: Anh có thể chia sẻ bí quyết đầu tư của anh không? Khi xác định thời điểm tham gia thị trường, anh thường dựa vào ý tưởng của mình và đi trước thị trường hay anh sẽ theo dõi thị trường để tìm kiếm cơ hội mà người khác chưa nhận ra?
Ông Vũ Hữu Điền: Phong cách đầu tư của tôi thuộc trường phái old-school (cổ điển), chú trọng đến nền tảng kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới và kết hợp với sự lưu chuyển của dòng tiền để ra những nhận định về thời gian đầu tư phù hợp.
Host Phạm Minh Hương: Ồ, tôi không nghĩ người quản lý một quỹ đầu tư, một hedge fund trader lại theo trường phái old-school.
Ông Vũ Hữu Điền: Nhiều người nghĩ tôi quản lý hedge fund, có xu hướng đầu tư của một hedge fund trader có lẽ bởi khi còn làm ở Dragon Capital, ngoài việc quản lý quỹ lớn nhất (VEIL trị giá gần 2 tỷ USD) tôi còn kiêm Trưởng bộ phận cấu trúc các giao dịch lớn nên tôi phải xuất hiện trên thị trường, gặp gỡ doanh nghiệp rất nhiều, và thực hiện nhiều thương vụ lớn. Còn thực ra, quan điểm đầu tư của cá nhân tôi là theo trường phái cổ điển: về dài hạn, các yếu tố căn bản vẫn thắng thế, miễn là chúng ta nghiên cứu sâu, hiểu rõ doanh nghiệp.
Host Phạm Minh Hương: Tôi từng sang Thái Lan, gặp gỡ với các giám đốc của các CTCK bên đó và họ đã chia sẻ với tôi rằng khi Thái Lan cho phép robot trading, thị trường trở nên rất hỗn loạn. Điều này là do các thuật toán giao dịch có thể làm mất cân bằng trước nhà đầu tư cá nhân. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, theo anh, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý và kịch bản nào để đối mặt với rủi ro từ robot trong các giao dịch của họ?
Ông Vũ Hữu Điền: Theo tôi, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà còn là một cuộc cách mạng, có khả năng làm thay đổi mọi thứ trong các ngành như tư vấn và đầu tư. Tôi cho rằng chúng ta nên thích nghi với cuộc cách mạng này thay vì chống lại nó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền tảng giao dịch chứng khoán hiện tại, bao gồm sàn giao dịch và các công ty chứng khoán, chưa sẵn sàng cho AI trading; hay quy mô thị trường còn tương đối nhỏ, khi sử dụng robot giao dịch, đăc biệt là các quỹ với khối lượng giao dịch lớn và thời gian nắm giữ ngắn, có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống. Do đó, tôi cho rằng việc này cần thêm thời gian để phát triển.
Ưu điểm của việc đầu tư bằng AI là khả năng tận dụng dữ liệu lớn và xử lý thông tin nhanh chóng để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Thông thường, các quỹ định lượng toàn cầu mua và bán dựa trên sự biến động của thị trường, có thể mua vào hôm nay và bán ra ngày hôm sau, với thời gian giữ cổ phiếu trung bình chỉ khoảng 1,5 ngày - một khoảng thời gian cực kỳ ngắn.
Đối với những nhà đầu tư không thể dành thời gian để theo dõi sát sao những biến động ngắn hạn của thị trường có thể tham gia những phương thức đầu tư khác phù hợp hơn, chẳng hạn như đầu tư vào quỹ hưu trí hoặc tích lũy tài sản. Bằng cách đó, chỉ cần đóng góp đều đặn mỗi tháng hoặc mỗi năm, không cần quan tâm đến sự biến động của thị trường chứng khoán, vẫn có thể xây dựng một tương lai tài chính thịnh vượng.
Host Phạm Minh Hương: Anh vừa nói về “thịnh vượng”. Triết lý của VPBankS cũng là đem lại thịnh vượng cho nhà đầu tư, theo anh, đối với một nhà đầu tư từ thịnh vượng định nghĩa như thế nào?
Ông Vũ Hữu Điền: VPBank hướng đến sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”, và VPBankS là một phần của hệ sinh thái này, cũng theo đuổi một mục tiêu tương tự là “Vì một tương lai thịnh vượng”.
Sự thịnh vượng này được xây dựng trên nền tảng sự phát triển chung của khách hàng, nhân viên, cổ đông và cộng đồng, không chỉ riêng công ty. Do vậy, VPBankS hướng đến cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cho nhà đầu tư nhằm mục tiêu thịnh vượng chung cho mọi đối tác liên quan.
Host Phạm Minh Hương: Trên thị trường chứng khoán, có nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm và bản lĩnh, họ đã tham gia thị trường hàng chục năm. Thế nhưng, cũng có nhiều nhà đầu tư chỉ tham gia thị trường một lần và rủi ro quá nên không dám quay lại. Quan điểm của anh về vấn đề này?
Ông Vũ Hữu Điền: Trong quá trình đầu tư, lợi nhuận và rủi ro luôn gắn liền với nhau, đầu tư có rủi ro cao có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng cũng có nguy cơ mất hết. Do đó, kỹ năng quan trọng nhất của nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư tổ chức hay nhà đầu tư cá nhân, chính là kỹ năng quản trị rủi ro.
Quản trị rủi ro phụ thuộc vào sức khỏe tài chính và tiềm lực kinh tế cá nhân của mỗi nhà đầu tư. Những nhà đầu tư có tài sản ròng lớn, có thể dành một phần nhỏ nguồn lực tài chính để đầu tư chứng khoán và sẵn sàng chấp nhận rủi ro mất hết nếu như thất bại. Đối với họ, việc mất khoản đầu tư này không gây rắc rối gì về tài chính, nhưng nếu thành công, họ có thể nhân đôi hoặc gấp ba tài sản.
Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính quá lớn, cần một tương lai ổn định và không chấp nhận rủi ro quá cao, việc quản trị rủi ro trở nên cực kỳ quan trọng để đảm bảo an toàn tài chính.
Khi sử dụng đòn bẩy tài chính (margin), những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao có thể đầu tư toàn bộ số tiền của mình và vay thêm 100% thông qua margin, gọi là margin tỷ lệ 1-1, và mua hết sức mua (all-in) chỉ trong một ngày. Khi sử dụng margin tỷ lệ 1-1, hiệu suất đầu tư cực kỳ cao, nếu bắt đúng đáy, sẽ kiếm được khoản lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, nếu thị trường chưa phải đáy và giảm tiếp trong vài phiên, nhà đầu tư có nguy cơ đối mặt với margin call (yêu cầu bổ sung ký quỹ - PV) do giá trị tài sản đảm bảo giảm mạnh.
Đối với các nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính mạnh nên áp dụng chiến lược đầu tư thận trọng. Khi xác định được điểm mua, nhà đầu tư có thể chia tiền mặt thành bốn phần, và bắt đầu đầu tư phần thứ 1; khi thị trường giảm hay đi ngang chúng ta đầu tư thêm phần thứ 2, và cứ tiếp tục theo dõi thị trường để mua lần 3 và 4. Đến khi hết tiền mặt, nếu thị trường vẫn không có biến động rõ ràng hoặc đi ngang, nhà đầu tư có thể không hành động và chờ đợi.
Khi thị trường có dấu hiệu tăng trở lại, nhà đầu tư có thể sử dụng margin để tiếp tục đầu tư. Việc sử dụng margin cũng cần tuân theo nguyên tắc thận trọng, áp dụng phương pháp tương tự, chia làm bốn phần và đầu tư từng phần. Cách tiếp cận này giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro vì không ai có thể xác định chắc chắn được đâu là đáy của thị trường.
Đến khi giá cổ phiếu tăng đạt mức lợi nhuận kỳ vọng, nhà đầu tư nên bắt đầu giảm dần khoản vay margin. Việc này nên được thực hiện một cách nhanh chóng hơn khi mua. Cụ thể, có thể bắt đầu bằng cách bán 50% số cổ phiếu mua bằng margin, sau đó tiếp tục bán 50% còn lại. Nếu thấy thị trường không có xu hướng tăng tiếp, nhà đầu tư nên tiếp tục bán dần cổ phiếu trong danh mục để thu hồi vốn và lãi đã đạt được.
Trong giai đoạn thị trường tăng, nhiều nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, có xu hướng mua vào nhiều hơn do sức mua tăng, nhưng cần lưu ý rằng nếu không bán đúng thời điểm và thị trường giảm, nguy cơ bị margin call sẽ cao hơn trước do khi đó đã sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khá cao.
Kể cả sau khi đã bán thành công, tình trạng hưng phấn cao độ sau những thắng lợi trên thị trường chứng khoán, tâm lý quá khích có thể dẫn đến những quyết định rủi ro không cần thiết.
Nhà đầu tư nên tạm thời chuyển một phần lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán vào các kênh đầu tư an toàn hơn, ví dụ như gửi tiết kiệm ngân hàng một thời gian để giữ cho tâm lý được bình tĩnh hoặc đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng các kênh đầu tư khác như đầu tư vào bất động sản.
Host Phạm Minh Hương: Rất nhiều nhà đầu tư cần được chia sẻ những bài học chia sẻ về thành công và cả thất bại. Trong 24 năm làm nghề, anh có những bài học nào hay có thể chia sẻ với khán giả không?
Ông Vũ Hữu Điền: Trong 24 năm qua, khoản đầu tư thành công nhất mà tôi từng dẫn dắt là khoản đầu tư vào Vinamilk. Khi Vinamilk cổ phần hóa vào đầu những năm 2000, vốn hóa của công ty chỉ khoảng 500 triệu USD. Chúng tôi đã tư vấn cho Vinamilk rằng ngành công nghiệp sữa có triển vọng tốt, vì vậy cổ đông Nhà nước không nên vội bán cổ phần mà nên bán từng phần, ví dụ 10% cổ phần mỗi vài năm. Thực tế, Vinamilk đã thực hiện theo cách này, bán dần cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm xuống còn 36%.
Chúng tôi đầu tư vào Vinamilk, ban đầu chỉ mua khoảng 4-5%NAV. Sau các đợt bán cổ phiếu của Vinamilk, chúng tôi mua thêm và dần tăng sở hữu lên khoảng 10% NAV. Tỷ lệ này cũng tương đối cao để quan tâm quản trị rủi ro nên chúng tôi ngừng mua thêm.
Sau này, giá Vinamilk tăng mạnh khiến tỷ trọng của cổ phiếu trong quỹ tăng từ 10% NAV lên đến 30% NAV, thậm chí cao hơn. Vì lý do quản trị rủi ro, chúng tôi từng bước giảm tỷ trọng cổ phiếu Vinamilk, đến năm 2018, tỷ trọng Vinamilk trong chỉ còn vài % NAV, trở thành khoản đầu tư thông thường.
Sự đóng góp của Vinamilk qua việc chọn đúng cổ phiếu và nắm giữ lâu dài đã mang lại hiệu quả cực kỳ lớn, giúp hiệu suất đầu tư vượt trội so với thị trường trong suốt mười mấy năm.
Còn tất nhiên làm đầu tư nhiều năm thì không thể tránh khỏi những thất bại, nhưng cũng không có khoản nào quá lớn vì nếu có thì tôi cũng không thể ngồi đây ngày hôm nay (cười lớn).
Có một khoản đầu tư cũng tương đối thú vị đó là cổ phiếu Novaland. Thực ra chúng tôi đầu tư vào Novaland đến 4, 5 lần, từ đầu tư pre-IPO (trước khi IPO – PV), IPO, phát hành riêng lẻ, đến đầu tư vào cấu trúc cam kết lợi nhuận.
Những khoản đầu tư trước đều thắng lớn và thoát ra an toàn, cho đến khoản cuối cùng là một thương vụ cam kết lợi nhuận. Lẽ ra đây phải là khoản đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao và an toàn nhưng thực tế không phải như vậy. Phần lớn của khoản đầu tư này đã được bán lại với tỷ suất lợi nhuận cam kết, nhưng phần còn lại được đề nghị gia hạn thêm một thời gian. Nhưng không may là trong thời gian gia hạn đó TTCK có sự cố về margin call của một số ông chủ, giá cổ phiếu NVL giảm liên tục và chúng tôi phải quyết định bán lỗ phần còn lại. Tổng kết lại thì đó không phải là khoản đầu tư quá tệ nhưng không có lãi như cam kết.
Chỉ có điều, hành trình đầu tư vào NVL khi giá giảm từ khoảng 70.000-80.000 xuống còn hơn 10.000 đồng/cổ phiếu là một trải nghiệm rất áp lực và căng thẳng. Thử hình dung cổ phiếu mình đang nắm giữ ngày nào cũng giảm sàn và khối lượng bán chất đống mà không có ai mua hết… Tuy nhiên, đó thực sự là một trải nghiệm rất thú vị trong hành trình làm nghề đầu tư của tôi.
Host Phạm Minh Hương: Với góc nhìn của anh, ngành nào trong tương lai sẽ tiếp tục có được những cơ hội tăng trưởng?
Ông Vũ Hữu Điền: Theo tôi, ngành BĐS đã đối mặt với khó khăn trong nhiều năm và tiếp tục gặp thách thức hiện nay. Để thị trường BĐS có thể phục hồi mạnh mẽ, cần có sự can thiệp của các cơ quan liên quan nhằm khơi thông nguồn cung cho các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn. Với các giải pháp đồng bộ giúp tái khởi động các dự án và quá trình xây dựng, thị trường BĐS có thể sẽ bắt đầu hồi phục trong năm tới. Tuy nhiên, sự phục hồi này phụ thuộc lớn vào việc các cơ quan, tổ chức liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự vực dậy mà không có sự hỗ trợ sẽ rất khó khăn.
Ngành hàng tiêu dùng vẫn bền vững nhưng tốc độ tăng trưởng đã không còn mạnh mẽ như trước.
Nhưng tôi thích ngành bán lẻ, là kênh phân phối chính của ngành hàng tiêu dùng. Ngành bán lẻ tận dụng quy mô thị trường và áp dụng công nghệ quản lý chuỗi cung ứng để củng cố thị trường, và còn dư địa rất lớn để mở rộng thị phần trong tương lai.
Tôi cũng thích ngành CNTT, đặc biệt là những công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng AI.
Ngành ngân hàng, được coi là xương sống của nền kinh tế, sẽ phục hồi theo đà phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu hiện nay đang ở mức cao, nhưng có vẻ như nó đã đạt hoặc sắp đạt đỉnh. Với tình hình kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi hiệu tích cực, ngành ngân hàng có tiềm năng hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép, thời gian qua, không có sự đột phá do nhu cầu bất động sản yếu và giải ngân cơ sở hạ tầng thấp. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong tương lai, khi việc giải ngân vốn đầu tư công tăng và thị trường bất động sản phục hồi, sản lượng của ngành sẽ tăng lên.
Host Phạm Minh Hương: Khi ở vai trò CTCK, tôi nhận thấy một thách thức của thị trường là những doanh nghiệp tốt lại không có nhu cầu tăng vốn. Đây là một bài toán không biết VPBankS sẽ giải quyết bài toán này như thế nào để tạo ra hàng hoá mới cho thị trường?
Ông Vũ Hữu Điền: Theo tôi, để tương lai thị trường có nhiều hàng hóa chất lượng, cần nhiều giải pháp. Một trong số đó là tiếp tục chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và bán vốn tại các công ty mà Nhà nước nắm giữ tỷ lệ lớn. Việc này vừa giúp Nhà nước thu tiền, vừa tạo cơ chế quản trị theo thị trường để công ty hoạt động hiệu quả hơn. Trong quá trình này, vai trò của các công ty chứng khoán rất quan trọng, là cầu nối giữa người phát hành và nhà đầu tư.
Dựa trên kinh nghiệm quá khứ, chúng tôi đang muốn phát triển mảng tư vấn và ngân hàng đầu tư tại VPBankS thành một trong những trụ cột chính trong tương lai. Tôi cũng mong muốn hợp tác với các công ty và nhà phát hành để cung cấp sản phẩm tốt cho nhà đầu tư, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu.
VPBankS muốn đóng vai trò là một đơn vị tư vấn cho nhà đầu tư cũng như phân phối sản phẩm đầu tư như trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư có chất lượng, và các sản phẩm đầu tư khác, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Tôi tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội đầu tư mới cho nhà đầu tư và các CTCK sẽ gánh vác trách nhiệm lớn hơn. Cuộc khủng hoảng trái phiếu gần đây đã mang lại nhiều kinh nghiệm cho các nhà tư vấn và CTCK. Chúng ta cần tái thiết lập quy trình và tăng cường đội ngũ kiểm soát rủi ro để không chỉ giúp công ty huy động vốn mà còn bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Host Phạm Minh Hương: Như anh Điền đã chia sẻ, chúng ta đang đứng trước một chu kỳ dài tiếp theo, mà những gì khó đã biểu hiện hết rồi. Và nếu có còn khó đi chăng nữa thì hầu hết mọi người cũng đã có sự chuẩn bị. Tôi mong rằng, mỗi chúng ta ở trong thị trường, ngoài việc tự bảo vệ mình cũng cần đồng hành với nhau nhiều hơn, để cùng giúp tạo nên một khuôn khổ pháp luật rõ ràng, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Còn chúng ta cần làm đúng vai trò của một tổ chức trung gian. Với nhà đầu tư, mọi người cần tự bảo vệ mình bằng hành trình trải nghiệm cả thất bại lẫn thành công. Còn đến với chứng khoán chỉ hy vọng là kiếm được lợi nhuận hoặc nghe bạn thành công thì nghĩ cũng sẽ thành công giống bạn thì sẽ là thất bại.
“The Investors” là series talk show truyền cảm hứng do CafeF và Chứng khoán VPBank (VPBankS) đồng tổ chức, phát sóng vào 10h00 thứ Ba hàng tuần.
CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) là công ty chứng khoán duy nhất thuộc hệ sinh thái VPBank có vốn điều lệ hàng đầu thị trường, với quy mô 15.000 tỷ đồng. VPBankS cũng nằm trong top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất thị trường và có nhiều dư địa để tăng trưởng trong tương lai.
Hơn thế nữa, VPBankS đã xây dựng hệ sinh thái toàn diện, tích hợp đầy đủ từ các sản phẩm đến nền tảng, dịch vụ được cá nhân hóa theo từng khẩu vị rủi ro, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu đầu tư của khách hàng.
Bài: Lịch Thiệp
Ảnh: Việt Hùng
Thiết kế: Hương Xuân