Chiều ngày 25/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên tại TP HCM.
Tổng doanh thu thuần hợp nhất năm 2024 đạt 6.421 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2023, đạt 59% so với kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2024 đạt 959 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 1.110 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra 196%.
Thu nhập trên 1 cổ phiếu (EPS) năm 2024 đạt 3.089 đồng/cp. Thu nhập trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 104.6%, thu nhập trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 6.2%.
Kế hoạch kinh doanh 2025 dự kiến doanh thu là 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và giảm 63% so với thực hiện năm 2024.
Để đạt được mục tiêu đó, ban lãnh đạo sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ chính như sau:
(1) Ứng dụng AI vào mọi hoạt động
(2) Phát triển thị trường nước ngoài
(3) Củng cố năng lực đội ngũ nhân sự
(4) Xây dựng hệ sinh thái bền vững với các đối tác
(5) Tăng năng lực của hội đồng cố vấn
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT phát biểu tại đại hội: “Quả thật, thương trường là chiến trường. Có những lúc phải đối diện với sự khốc liệt. Năm 2024 vừa qua là năm thứ 5 liên tiếp Hòa Bình phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề từ đại dịch COVID-19 và những xung đột nghiêm trọng về địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới”.
Tất cả đã tác động tiêu cực và sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước. Đặc biệt trong ngành xây dựng cho đến nay, những chủ đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng – vốn là lĩnh vực trọng yếu của Hòa Bình vẫn còn những vết thương chưa lành.
Thị trường bất động sản tuy có dấu hiệu bắt đầu hồi phục nhưng vẫn chưa mang lại sinh khí. Cạnh tranh trong ngành xây dựng vẫn diễn ra vô cùng khốc liệt, thậm chí thiếu lành mạnh. Trong suốt 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn không có dự án lớn nào. Công tác thu hồi nợ tuy khả quan nhưng vẫn còn chậm. Vốn chủ sở hữu vẫn còn rất thấp, chỉ có 93,4 tỷ đồng.
Điều này đã tạo áp lực tài chính liên tục và căng thẳng cho ban điều hành. Dù các chủ đầu tư rất ủng hộ, nhưng với báo cáo tài chính bất lợi, Hòa Bình đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vượt qua vòng đánh giá tiền đấu thầu, khiến cho chúng ta không thể tham dự các gói thầu có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi chỉ những dự án quy mô lớn mới phát huy thế mạnh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Năm 2024 lợi nhuận đạt mức kỷ lục tuy nhiên chưa đến từ hoạt động kinh doanh chính là xây dựng mà chủ yếu nhờ vào việc thu hồi nợ, hoàn nhập trích lập dự phòng, thoái vốn công ty con và thanh lý một số thiết bị thi công đã gần hết hạn sử dụng hoặc đã khấu hao hết.
Điểm sáng nhất trong bức tranh tài chính năm qua là vốn chủ sở hữu đã tăng vượt bậc từ 93,4 tỷ đồng lên 1.748 tỷ đồng, tức là tăng gấp hơn 18,7 lần so với đầu năm 2024. Đây là bước đi chiến lược giúp Tập đoàn trúng thầu nhiều dự án lớn vào những tháng cuối năm và đầu năm 2025.
Chỉ trong vòng 5 tháng kể từ khi công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 vào ngày 30/10/2024 cho đến đầu tháng 4 năm 2025, Hòa Bình đã trúng thầu 14 dự án với tổng giá trị lên đến hơn 8.500 tỷ đồng.
Kế hoạch chào bán tối đa 347 triệu cổ phiếu
Điểm đáng chú ý nhất tờ trình lên ĐHĐCĐ là kế hoạch chào bán tối đa 347 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho không quá 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Con số này cao hơn so với kế hoạch ban đầu là phát hành tối đa 200 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành 1:1, sau phát hành vốn điều lệ của HBC sẽ tăng lên gấp đôi.
Mức giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn tới 70% so với thị giá cổ phiếu HBC đang giao dịch quanh mức 5.900 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, HBC dự kiến huy động tối đa 3.470 tỷ đồng.
Thảo luận đáng chú ý tại đại hội:
1. Trong các năm gần đây, HBC có chiến lược và rất quyết tâm phát triển thị trường nước ngoài. Công ty có thể chia sẻ về các kết quả đã đạt được, cùng các khó khăn và thách thức.
Ông Nguyễn Kinh Luân, Phó Tổng Giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài trả lời: HBC vẫn tập trung thị trường Australia, Mỹ, Campuchia và một số thị trường ở Đông Phi.
Năm 2024, công ty đã cung cấp dịch vụ quản lý dự án và cung ứng vật liệu xây dựng cho Mỹ và đang thương thảo với các đối tác ở California, tiến tới thỏa thuận liên doanh trong năm 2025. Hy vọng năm 2025 đạt được thỏa thuận sẽ có những hợp đồng.
Tương tự, ở Australia, tập đoàn cũng cung cấp dịch vụ quản lý dự án và cung ứng vật liệu và đang thương thảo với các đối tác tại quốc gia này.
Năm vừa rồi, chúng tôi đã trúng thầu 4 dự án ở Kenya để xây dựng nhà ở xã hội cho cảnh sát tại đây. Tổng mức ký hợp đồng là 70 triệu USD cho 3.500 căn. HBC đang thương thảo với chính quyền nước sở tại cho chính sách sắp tới.
Tại Campuchia, tập đoàn đang thương thảo về các dự án về hạ tầng dân dụng và đang có kế hoạch phát triển mạnh tại Campuchia nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Công ty sẽ sớm báo tin vui cho cổ đông.
2. Tôi muốn đặt câu hỏi về tính khả thi của việc phát hành 347 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp chênh lệch 60% so với mức hiện tại? Với mức giá cao như vậy có thu hút được đầu tư từ 10 nhà đầu tư chiến lược hay không?
Ông Lê Viết Hải: Quy mô thị trường xây dựng nước ngoài đạt 15.000 tỷ USD, trong khi Viêt Nam chỉ 36 tỷ USD. So ra quy mô của Việt Nam chỉ bằng 0,25% so với quốc tế. Sự chuẩn bị cho thị trường nước ngoài đã chín muồi và tập đoàn cần nguồn vốn lớn để chiếm lĩnh thị trường.
Có những dự án xây dựng ở nước ngoài hiện này đem về lợi nhuận gộp lên đến 20 – 30% là bình thường (cao hơn ở Việt Nam là 5 -10%). Cho nên, nếu HBC kết hợp với đối tác địa phương, con số sẽ tăng lên rất nhiều.
HBC có thể thay thế các nhà thầu của Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu,... Chẳng hạn, chi phí nhân công ở Trung Quốc gấp 3 lần so với chi phí nhân công đội ngũ Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta không thay thế được nhà thầu Trung Quốc ở các quốc gia đang thiếu nguồn cung xây dựng?
Đứng trước cơ hội đó, để thay đổi triệt để tình trạng thiếu hụt tài chính, chúng ta cần đầu tư lượng vốn vừa đủ, để vừa giải quyết các khoản nợ, vừa đủ tài chính để phát triển thị trường nước ngoài và đầu tư cho những lĩnh vực mà HBC nhận thấy có thể tạo nên vị thế cạnh tranh tuyệt đối cho tập đoàn trong tương lai.
Hiện nay có một số nhà đầu tư quan tâm đến phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ của HBC. Tôi khẳng định giá phát hành 10.000 đồng/cp không làm thiệt hại cho cổ đông. Khi pha loãng, Book value (giá trị sổ sách) tăng lên sẽ tăng lợi ích cho cổ đông.
3. Công ty đánh giá thế nào về khoản nợ quá hạn 1.800 tỷ đồng?
Khoản phải thu quá hạn 1.800 tỷ đồng dự kiến sẽ thu về hết và khoảng 3 - 5 năm sẽ xong. Trong 2025, dự kiến thu khoảng 400 tỷ.
4. Với tỷ giá VND/USD hiện nay liệu có ảnh hưởng đến doanh thu của HBC không?
Ông Nguyễn Kinh Luân: Tại các thị trường HBC đầu tư là Mỹ và Campuchia, chúng ta hầu hết cung cấp dịch vụ tổng thầu với tiền nhận về là USD, như vậy tỷ giá USD tăng lên, điều này làm tăng giá trị doanh thu quy đổi sang VND. Bên cạnh đó, HBC cũng đã phòng ngừa rủi ro về tỷ giá đối với các vật liệu bị ảnh hưởng.
5. Biện pháp nào để giải quyết nhanh thu hồi công nợ còn lại?
Việc thu hồi nợ là muôn hình vạn trạng, mỗi dự án có tính chất khác nhau. HBC sẽ phối hợp cùng các chủ đầu tư giải quyết khó khăn, quy đổi nợ thành sản phẩm, cổ phiếu hoặc cùng đầu tư với họ để dự án sớm được hoàn thành. Biện pháp cuối cùng tốn thời gian và tiền bạc không ai mong muốn thì mới phải thông qua các vụ kiện. Trong quá khứ HBC chưa từng thua kiện và đều thu hồi được cả gốc lẫn lãi.