Chủ tịch FiinRatings chỉ ra nguyên nhân của dư thừa tín dụng

Lê Sáng | 15:03 25/10/2023

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings, một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng đang dư thừa tín dụng có thể đến từ việc trong khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế xuống thấp do các thị trường chung suy giảm thì những doanh nghiệp “khỏe” hiếm hoi lại chưa có công cụ để chứng minh khả năng.

Chủ tịch FiinRatings chỉ ra nguyên nhân của dư thừa tín dụng
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings

Sáng 25/20, Hiệp hội Ngân hàng và S&P Global Ratings, FiinRatings đã tổ chức Hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng”.

Hầu hết doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn sau do mất đi thị trường

Tham luận tại sự kiện về bối cảnh các ngân hàng đang dư thừa tín dụng trong khi không ít doanh nghiệp vẫn khát vốn hiện nay, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings, cho rằng nguyên lý cho vay cơ bản nhất của các ngân hàng thương mại là dựa trên quy định tín dụng thuộc ngân hàng và khẩu vị rủi ro của họ. Trong khi hiện hầu hết doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn sau do mất đi thị trường, không có đơn hàng, không có dòng tiền, điều này làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

toa-dam-1-thong-le-quoc-te-vai-tro-cua-hoat-dong-xep-hang-tin-nhiem-trong-quan-tri-rui-ro-tin-dung.jpg
Tọa đàm "Thông lệ quốc tế - Vai trò của hoạt động xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng" trong khuôn khổ Hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng”.

Tuy nhiên, theo ông Thuân không phải tất cả doanh nghiệp đều khó khăn, một số doanh nghiệp nhờ khả năng ứng biến, quản trị tốt vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn tiếp cận được vốn cần minh bạch hơn, trong đó xếp hạng tín nhiệm là một công cụ giúp doanh nghiệp chứng minh khả năng của mình.

Ngay kể ngành bất động sản, không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp tốt. Vì vậy, cần đánh giá theo tình trạng thực tế của từng doanh nghiệp, chất lượng tín dụng của các ngành, các doanh nghiệp để từ đó thiết kế các chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp.

Do đó, Chủ tịch FiinRatings cho rằng khi các doanh nghiệp chủ động xếp hạng tín nhiệm, đây sẽ là kênh cung cấp thêm thông tin làm cơ sở đánh giá và quản trị rủi ro cho hoạt động cấp tín dụng.

Các tổ chức tín dụng có thêm thông tin đầy đủ để thẩm định tình hình tài chính, khả năng trả nợ cũng như các rủi ro của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm độc lập trong công tác quản trị rủi ro tín dụng và đầu tư vào các công cụ nợ.

Cũng theo ông Thuân, khi có nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam được xếp hạng tín dụng cũng sẽ tạo điều kiện để các tổ chức có thể áp dụng phương pháp quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, cụ thể là Basel 3 đang được triển khai bởi các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Cụ thể, các chính sách và hệ số rủi ro có thể tham chiếu đến kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập theo phương pháp chuẩn hóa (Standardised Approach - SA) bên cạnh hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ (Internal Rating Based Approach - IRB) của các tổ chức tín dụng.

“Xốc” lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo ông Thuân, với thị trường trái phiếu, việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm cũng khuyến khích kênh đầu tư dài hạn tại Việt nam và mở rộng cơ sở nhà đầu tư vốn hiện nay còn chưa có sự tham gia sâu rộng bởi các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, và các định chế tài chính trong và ngoài nước.

Việc phân loại đánh giá trái phiếu với các mức độ xếp hạng tín nhiệm khác nhau sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong việc quản trị danh mục đầu tư theo mức độ tùy theo khẩu vị rủi ro và mức độ an toàn tùy theo mô hình hoạt động của định chế đầu tư.

Vị Tổng Giám đốc FiinRatings cho biết từ đầu năm 2024 sẽ áp dụng quy định về việc bắt buộc áp dụng xếp hạng tín nhiệm đối với một số trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhằm minh bạch thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Thuân cần gia tăng số lượng các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm trên thị trường để hấp dẫn nhà đầu tư. Muốn vậy thì cần nhiều thành phần tham gia vào thị trường trái phiếu, công cụ nợ nhiều hơn.

Ngay cả với các doanh nghiệp không yêu cầu bắt buộc việc xếp hạng tín nhiệm cũng nên sử dụng công cụ này như một cơ sở để nhà đầu tư giải ngân. Tại một số quốc gia như Thái Lan, các quỹ mở sử dụng tiền của công chúng để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm ở các mức độ khác nhau.

Các công ty bảo hiểm, công ty quỹ hưu trí thì phải đầu tư trái phiếu an toàn hơn, đương nhiên, xếp hạng cao không có nghĩa là ko có khả năng vỡ nợ, việc xếp hạng tín nhiệm đấy chỉ là quá trình theo dõi, hỗ trợ phân bổ danh mục và tạo thanh khoản.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc PVIAM, cũng cho biết, mặc dù theo quy định của Chính phủ từ năm 2024 mới bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm nhưng với các doanh nghiệp chủ động thực hiện quá trình này, đây cũng là một điểm cộng để các quỹ đánh giá khi đầu tư.

Tại hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng’, các chuyên gia cũng chia sẻ quan điểm cho rằng xếp hạng tín nhiệm có tác dụng như một bộ lọc đầu tiên để các nhà đầu tư cân nhắc khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là công cụ để nhà đầu tư không chuyên sử dụng nhằm đánh giá doanh nghiệp phát hành , hông qua đó giảm rủi ro cho nhà đầu tư và lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch FiinRatings chỉ ra nguyên nhân của dư thừa tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO