Trong báo cáo thường niên vừa được công bố, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Á Châu (ACB) đã có thư gửi tới các cổ đông.
Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch ACB cho rằng, trong năm 2022, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã phải đối mặt với những thách thức khó khăn. Môi trường hoạt động kinh doanh bất ổn, bất trắc và bất định. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta lại phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. GDP tăng 8,02% so với năm trước, có mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Chính sách tiền tệ nói chung được điều hành cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.
Trong bối cảnh chung đó, ACB đã thực hiện thành công các mục tiêu về tăng trưởng tổng tài sản, duy trì kết quả kinh doanh ở mức cao, đồng thời tuân thủ các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của NHNN.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của ACB đạt 608 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 8,96% và cao hơn mức tăng 7,98% của ngành. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 14,31%, xấp xỉ mức tăng 14,17% của ngành. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thuộc TOP những ngân hàng dẫn đầu, đạt 159% vào cuối năm 2022. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất: 17.114 tỷ đồng, tăng 43%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản: 2,41%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 26,49%.
Năm 2023, theo ông Trần Hùng Huy, dự báo tình hình kinh té thế giới và trong nước tiếp tục có cơ hội và thách thức đan xen nhau, nhưng thách thức sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng nói riêng và doanh nghiệp nói chung nhận thức được và tin tưởng rằng Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự báo như vậy, HĐQT ACB trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kế hoạch tài chính chủ yếu năm 2023, trong đó, tổng tài sản tăng 10%, huy động khách hàng tăng 8,1%, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,7% và phù hợp với hạn mức tín dụng của NHNN cấp cho ACB. Tổng lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 17,2%. “HĐQT tin rằng Ban điều hành sẽ thực hiện thành công kế hoạch”, Chủ tịch ACB nói.
Trong chặng đường 10 năm qua (cuối năm 2012-2022), HĐQT ACB đã cho thiết lập và thực hiện một hệ thống quản lý rủi ro có hiệu quả, một bộ máy kinh doanh năng động, hoàn thành tốt các mục tiêu năm và mục tiêu chiến lược.
Trong giai đoạn 5 năm đầu (2013-2017), HĐQT tập trung nguồn lực để khắc phục những hệ quả để lại từ quá khứ, thay đổi mô hình kinh doanh, bố trí nhân sự có năng lực phù hợp với vị trí công việc, củng cố hệ thống kênh phân phối, trích lập dự phòng đầy đủ các khoản nợ xấu tồn đọng,…
Năm năm sau đó (2018-2022) là giai đoạn ACB bứt phá về nhiều mặt. Hiệu quả kinh doanh năm sau cao hơn năm trước. Chỉ số ROE, thể hiện giá trị đem lại cho cổ đông, luôn trong nhóm cao nhất trên thị trường. Ngoài hoạt động truyền thống cơ bản, ACB còn tập trung khai phá mảng kinh doanh mới, như hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ, đã đem lại nguồn thu lớn, đẩy mạnh hoạt động ngân hàng số,…
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2023-2028 sẽ được bầu ra, có nhiệm vụ tiếp tục quản trị và giám sát ngân hàng, cũng như chỉ đạo ban điều hành xây dựng ACB là ngân hàng an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh bền vững, như bấy lâu nay.
Cuối bài phát biểu, Chủ tịch ACB bày tỏ: “Ở báo cáo thường niên năm 2018, tôi có dẫn câu “có ý chí thì có con đường”, nhưng trên con đường đi đến đích, thì tôi thường tâm niệm “chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo”. Ý chí đó có vững mạnh mới vượt được khó để hoàn thành nhiệm vụ”.