Châu Á tăng mạnh nhập khẩu dầu thô

Vũ Ngọc Diệp | 05:39 06/08/2023

Nhập khẩu dầu thô của châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 7 do hai khách hàng lớn nhất của khu vực - Trung Quốc và Ấn Độ - tiếp tục mua một lượng lớn dầu giảm giá của Nga. Sang tháng 8, châu Á tăng mạnh nhập khẩu dầu Mỹ.

Châu Á tăng mạnh nhập khẩu dầu thô

Tổng cộng 27,92 triệu thùng dầu thô mỗi ngày đã được chuyển đến châu Á trong tháng 7, vượt mức cao kỷ lục trước đó (là 27,35 triệu thùng/ngày và cao hơn mức 27,53 triệu thùng/ngày của tháng 6, theo dữ liệu do Refinitiv Oil Research.

Nhập khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh nhất

Phần lớn nhập khẩu dầu của châu Á tăng là do Trung Quốc. Refinitiv ước tính nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này đã tiếp nhận 12,04 triệu thùng/ngày trong tháng 7, là tháng thứ ba liên tiếp nhập khẩu trên 12 triệu thùng/ngày.

Nga vẫn là nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc, với lượng hàng đến bằng đường ống và đường biển là 2,04 triệu thùng/ngày trong tháng 7, mặc dù giảm so với 2,56 triệu thùng/ngày của tháng 6 nhưng vẫn vượt mức nhập từ Saudi Arabia (1,82 triệu thùng/ngày trong tháng 7, giảm từ 1,94 triệu thùng/ngày trong tháng 6, theo dữ liệu của Refinitiv).

Việc Trung Quốc giảm nhập từ cả Nga và Saudi Arabia có khả năng phản ánh việc cắt giảm sản lượng bổ sung được công bố bởi hai nhà sản xuất hàng đầu trong nhóm các nước xuất khẩu OPEC+ này.

Trung Quốc đã tăng khối lượng mua từ các nhà sản xuất khác, đáng chú ý nhất là Angola, với lượng dầu nhận từ quốc gia miền nam châu Phi trong tháng 7 là 900.000 thùng/ngày, tăng gấp đôi so với mức 450.000 thùng/ngày của tháng 6 và gần gấp đôi mức trung bình 515.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023.

Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu từ Oman, một nhà sản xuất Trung Đông không thuộc OPEC nhưng là một phần của nhóm OPEC+ rộng lớn hơn, với lượng hàng đến là 910.000 thùng/ngày trong tháng 7, tăng từ 760.000 thùng/ngày trong tháng 6. Kết quả đó khiến Oman trở thành nhà cung cấp lớn thứ tư cho Trung Quốc trong tháng 7, sau Nga, Saudi Arabia và Iraq.

Cũng cần lưu ý rằng động lực chính thúc đẩy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc là dòng tiền ồ ạt đổ vào các kho lưu trữ thương mại hoặc chiến lược.

Trung Quốc có khả năng lưu trữ 2,1 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và 950.000 thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm, theo tính toán dựa trên dữ liệu chính thức của Chính phủ nước này. Trung Quốc không tiết lộ khối lượng dầu thô chảy vào hoặc ra khỏi các kho dự trữ chiến lược và thương mại, nhưng ước tính có thể được thực hiện bằng cách trừ lượng dầu thô đã qua chế biến khỏi tổng lượng dầu thô có sẵn từ nhập khẩu và sản lượng trong nước.

Câu hỏi đặt ra cho thị trường là liệu giá dầu thô hiện đã tăng đủ cao để khiến các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu và sử dụng hết một số kho dự trữ dồi dào của họ hay không?

Giá dầu thô Brent – tham chiếu cho thị trường toàn cầu - đạt mức cao nhất là 86,558 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu (4/8), mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 khi thị trường cân nhắc tác động của việc OPEC+ giảm sản lượng và các dấu hiệu nhu cầu phục hồi ở châu Á.

Nhập khẩu của Ấn Độ cũng tăng nhanh

Ngoài Trung Quốc, những khách hàng lớn khác của châu Á cũng tăng lượng dầu đến trong tháng 7, với nhập khẩu của Ấn Độ ước tính đạt mức cao nhất trong 5 tháng, là 4,94 triệu thùng/ngày, theo Refinitiv.

Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tiếp tục sử dụng dầu thô giảm giá của Nga, với lượng hàng đến trong tháng 7 ước tính ở mức cao nhất mọi thời đại, là 2,08 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, sản lượng của Nga giảm xuống cùng với động thái nâng giá xuất khẩu của Moscow có thể làm giảm nhu cầu dầu thô Nga nhập vào Ấn Độ trong những tháng tới.

Nhập khẩu dầu trong tháng 7 của Nhật Bản ước đạt 2,49 triệu thùng/ngày, tăng so với 2,11 triệu thùng/ngày của tháng 6, trong khi của Hàn Quốc là 2,76 triệu thùng/ngày, tăng từ 2,53 triệu thùng/ngày trong tháng 6.

Một yếu tố khác cần xem xét là dầu thô đến châu Á vào tháng 7 rất có thể được sắp xếp trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, thời điểm giá dầu thô giảm, khi dầu Brent giảm xuống mức thấp 71,28 USD/thùng vào ngày 4 tháng 5.

Sự phục hồi về giá kể từ đó sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu trong những tháng tới, điều này có thể làm giảm bớt nhu cầu của các khách hàng châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia thường được coi là nhạy cảm hơn với giá cả so với các nền kinh tế phát triển ở Bắc Á.

Châu Á tăng mạnh nhập khẩu dầu Mỹ thay thế dầu Trung Đông

Các nhà máy lọc dầu châu Á đã đặt mua khối lượng dầu thô Mỹ gần cao kỷ lục, sẽ được vận chuyển trong tháng 8 này, thay thế dầu Trung Đông do giá dầu Mỹ cạnh tranh và nguồn cung dồi dào.

Reuters dẫn một nguồn tin thương mại ở Singapore cho hay, khoảng 1,5 triệu đến 1,9 triệu thùng mỗi ngày (bpd) dầu thô của Mỹ, chủ yếu là dầu Tây Texas (WTI), sẽ được chuyển đến châu Á trong tháng 8. Theo dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Kpler, con số trên chỉ thấp hơn mức kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày nhập khẩu trong tháng 4.

Mỹ đang tăng xuất khẩu dầu thô sang châu Á.

“Gần đây, dầu thô của Mỹ đang được đẩy mạnh sang châu Á”, một nguồn tin thương mại có trụ sở tại Singapore cho biết.

Dòng chảy dầu thô Mỹ gia tăng đến châu Á được hỗ trợ bởi mức chiết khấu đối với dầu WTI nhiều hơn so với dầu tiêu chuẩn Dubai của Trung Đông, điều này giúp việc vận chuyển dầu từ Mỹ trở nên kinh tế hơn đối với khách hàng châu Á.

Mức chiết khấu trung bình đối với hợp đồng tương lai WTI so với các hợp đồng dầu tiêu chuẩn Dubai là 5,4 USD/thùng, ở thời điểm 20/7, thấp hơn mức 6,08 USD/thùng vào tháng trước nhưng cao hơn mức 3,93 USD/thùng trong tháng 5.

Ngoài ra, dầu thô của Mỹ được tăng mua vì các nhà máy lọc dầu châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, tìm cách thay thế dầu thô đắt đỏ của Saudi Arabia sau khi công ty quốc doanh Saudi Aramco tăng giá bán chính thức (OSP) trong hai tháng liên tiếp. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Mỹ đạt 3,05 triệu tấn, tương đương 742.824 thùng/ngày, trong tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc từ Mỹ

Các nhà phân tích từ công ty tư vấn Energy Aspects cho biết: “Chúng tôi dự báo xuất khẩu của Mỹ sang châu Á sẽ tăng trong quý III/23 so với quý II/2023, với việc Trung Quốc và thậm chí cả Nhật Bản tăng mua”.

Tham khảo: Refinitiv


(0) Bình luận
Châu Á tăng mạnh nhập khẩu dầu thô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO