ChatGPT tự tạo, tìm và sửa lỗi code: Nghề lập trình viên sắp thất nghiệp, tương lai con người sẽ giống phim ‘Ma Trận’ và ‘Kẻ Hủy Diệt’?

Băng Băng | 10:09 31/01/2023

Theo tờ Forbes, sự trỗi dậy của ChatGPT sẽ tạo nên những công việc mới, chức năng mới cho nghề lập trình viên.

ChatGPT tự tạo, tìm và sửa lỗi code: Nghề lập trình viên sắp thất nghiệp, tương lai con người sẽ giống phim ‘Ma Trận’ và ‘Kẻ Hủy Diệt’?
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Theo tờ PCMagazine, câu chuyện chatbot ChatGPT có thể hỗ trợ viết code cho lập trình viên đã là chuyện ai cũng biết, nhưng trí thông minh nhân tạo này còn có thể tìm, sửa lỗi và liên tục hoàn thiện từng ngày.

Tuy nhiên theo tạp chí Forbes, các nhà lập trình viên chưa nên lo lắng vội bởi ChatGPT mới chỉ là công cụ thay thế được những việc lặp lại, giúp đỡ con người chứ chưa thể tự sáng tạo như trong các bộ phim “kẻ hủy diệt” (Terminator) hay “Ma Trận” (Matrix).

Cuộc cách mạng 600 tỷ USD

Trong những tuần gần đây, các nhà khoa học liên tục thử nghiệm những giới hạn của ChatGPT và phát hiện con chatbot này có tính năng tự học hỏi đáng kinh ngạc. Thí nghiệm của trường đại học Johannes Gutenberg University và University College London cho thấy ChatGPT có thể tìm ra lỗi với những code đơn giản, đồng thời có thể sửa nhanh hơn so với những ứng dụng có cùng chức năng.

Cụ thể, các nhà khoa học đã tạo ra một đoạn code với khoảng 40 lỗi để một loạt ứng dụng như ChatGPT, Codex, Coconut và StandardAPR thử nghiệm. Với câu hỏi đơn giản: “Có gì sai với đoạn code trên”, kết quả cho thấy ChatGPT tìm được 19 lỗi, Codex là 21, Coconut là 19 còn StandardAPR là 7.

Tuy nhiên điều khiến ChatGPT nổi trội hơn cả là khả năng hỏi thêm những chi tiết về lỗi, đồng thời cập nhật cải tiến từng ngày. Sau khi được cung cấp các thông tin thêm về yêu cầu tìm lỗi, ChatGPT đã tìm được 31/40 lỗi, vượt trội hơn các phần mềm khác.

Thậm chí trong đoạn code dưới đây, các nhà nghiên cứu đã tưởng rằng ChatGPT sẽ thay thế n^=n-1 bằng n&=n-1 để sửa lỗi, tuy nhiên chatbot này lại trả lời rằng nó không biết liệu chương trình có lỗi hay không khi không có thêm thông tin về yêu cầu của người dùng.

Sau 3 lần cung cấp, ChatGPT đã sửa lỗi hoàn hảo và khi được PCMagazine hỏi lại cùng một thí nghiệm tương tự, chatbot này không cần hỏi lại mà tự suy diễn để tìm câu trả lời, qua đó cho thấy khả năng học hỏi, dự đoán yêu cầu của người dùng qua từng thí nghiệm.

Theo PCMagazine, bước đột phá của trí thông minh nhân tạo này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp tìm, sửa lỗi code trị giá 600 tỷ USD.

Vậy phải chăng những lập trình viên sẽ trở nên thất nghiệp với ChatGPT?

Chỉ là công cụ

ChatGPT là một chatbot dùng trí thông minh nhân tạo có thể làm những việc như viết code, tạo trang web hay thậm chí là lập trình game cơ bản với bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào mà người dùng yêu cầu. Những Python C hay Javascript, con chatbot này đều sử dụng được hết.

Mặc dù vẫn có lỗi và chưa thực sự hoàn hảo, nhưng với tốc độ tự học hỏi và ngày càng hoàn thiện, cùng với hàng tỷ USA của Microsoft đổ vào nghiên cứu, nhiều lập trình viên lo ngại sẽ có ngày họ mất việc vì một con chatbot.

Tuy nhiên theo Forbes, ChatGPT sẽ chỉ là công cụ giúp các lập trình viên làm việc dễ dàng hơn mà chưa đủ khả năng thay thế hoàn toàn con người. Nghề lập trình viên không chỉ có viết code (Coder) mà còn tạo nên các chương trình, phần mềm cùng ứng dụng trên thiết bị số (Developer), rồi cả những lập trình viên ở mức chuyên gia khi có thể tạo phần mềm máy tính ở bất kỳ ngôn ngữ nào (Programmer)...

Đó là chưa kể đến vô vàn những nhiệm vụ khác của nghề lập trình mà một con chatbot chẳng thể làm được.

Hiện tại, ChatGPT mới chỉ là một chương trình đơn giản, có nhiều yêu cầu khó mà chính chatbot này cũng thừa nhận là nó không hiểu hoặc không làm được, hay có làm mà bị sai. Trí thông minh nhân tạo hiện vẫn chưa thể nói cho chúng ta nên dùng loại code nào hay phần mềm nào để đạt được mục đích người dùng muốn hướng tới. ChatGPT chỉ có thể hiểu nếu người dùng nêu rõ muốn nó dùng ngôn ngữ lập trình nào, phần mềm như thế nào để đến được mục đích.

Ví dụ đơn giản hơn là ChatGPT sẽ chẳng thể làm gì nếu người dùng muốn tạo ra một nền tảng thương mại điện tử bán hàng hiệu quả hơn Amazon, trừ phi chính con người đã biết phải dùng phần mềm gì với những hướng dẫn chi tiết.

Nói cách khác, ChatGPT chỉ có thể làm được những việc đơn giản, máy móc theo chỉ lệnh của người dùng mà chưa thể đụng đến các công việc phức tạp hơn chứ đừng nói là sáng tạo được thay con người.

Bởi vậy, tờ Forbes cho rằng dù ngạc nhiên với khả năng của ChatGPT nhưng nhiều lập trình viên chỉ coi chatbot này là một công cụ hữu hiệu hỗ trợ công việc cho họ, còn tương lai thay thế được con người hay không thì lại phải tùy thuộc vào từng người.

Nếu lập trình viên không chuyên sâu, chỉ làm những việc đơn giản như gõ code, không mở rộng thêm các kiến thức, kỹ năng, có sự sáng tạo thì rất có thể họ sẽ dần bị thay thế bới trí thông minh nhân tạo. Ngược lại, nhân viên với trình độ chuyên môn, làm được các nhiệm vụ phức tạp sẽ vẫn không thể thay thế được.

Hiện tại, ChatGPT chủ yếu được các lập trình viên sử dụng nhằm tạo nhanh các khung hay bản phác thảo dựng ứng dụng, cung cấp những thông tin đầu vào cho người dùng như cách dữ liệu nên được cấu trúc như thế nào, các tính năng giao diện người dùng nào là cần thiết cho những Coder. Nhờ đó, ChatGPT có thể giúp đảm bảo cấu trúc đoạn code của người dùng bao gồm tất cả các cơ sở cần thiết để công việc hoàn thành.

Công nghệ mới, chức năng mới

Một yếu tố nữa mà tờ Forbes nhận định các lập trình viên không lo “chết đói” là khi một công nghệ mới ra đời thì sẽ có những chức năng mới, đòi hỏi những kỹ năng mới, công việc mới.

ChatGPT khiến nhiều công việc cũ trở nên dư thừa khi tăng tốc đáng kể các tác vụ thông thường như viết mã code, nhưng chính điều này lại đòi hỏi kỹ năng mới của lập trình viên là cách đưa những gợi ý cần thiết cho chatbot này làm việc.

Như đã nói ở trên, ChatGPT không thể tạo ra một phần mềm phức tạp, nhưng nếu chia nhỏ các nhiệm vụ và đưa các chỉ lệnh cụ thể thì chatbot này sẽ giúp người dùng tăng tốc viết mã code. Bởi vậy những năm tháng học nghề viết mã code của lập trình viên không hề lãng phí bởi người dùng cần có kiến thức, kinh nghiệm để đưa ra chỉ lệnh phù hợp, kiểm tra lỗi sai nhằm đảm bảo đầu ra của ChatGPT đi đúng hướng.

Cùng với khả năng tạo mã code, ChatGPT còn có thể phát hiện và sửa lỗi nhanh chóng như đã nói ở đầu bài viết, đồng thời trong một số trường hợp còn chỉ ra được tại sao mã không hoạt động. Đây vốn là công việc tốn rất nhiều công sức cũng như nhân lực và sẽ được ChatGPT tăng tốc dễ dàng. Tuy nhiên chúng cũng cần nhân lực kiểm tra, đặt câu hỏi và chỉ lệnh cụ thể để có thể hoạt động chính xác.

“Tôi cảm thấy vai trò của mình nhiều khả năng sẽ trở thành giám sát viên hơn là lập trình viên. Tôi sẽ phải giám sát các nhóm lập trình đưa chỉ lệnh cho chatbot để chúng làm việc”, một lập trình viên nói với tờ Forbes.

*Nguồn: Forbes, PCMagazine

Bài liên quan

(0) Bình luận
ChatGPT tự tạo, tìm và sửa lỗi code: Nghề lập trình viên sắp thất nghiệp, tương lai con người sẽ giống phim ‘Ma Trận’ và ‘Kẻ Hủy Diệt’?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO