Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN) đã công bố BCTC quý 4/2024, với doanh thu thuần tăng 7% lên 390 tỷ đồng. Chi phí giá vốn chỉ tăng 5% qua đó lãi gộp tăng 9% lên 125 tỷ. Biên LNG tương ứng cải thiện lên 32%.
Doanh thu tài chính gấp 2,5 lần, đạt 21 tỷ. Kết quả, SGN báo lãi sau thuế gần 85 tỷ đồng, tăng trưởng 218% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần tăng 4% lên 1.518 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng 22% lên 294 tỷ. Đây là mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động cuả doanh nghiệp, chỉ thấp hơn mức kỷ lục đạt được hồi năm 2021.
Theo giải trình từ SGN, mặc dù sản lượng khách quốc nội giảm mạnh so với cùng kỳ do ngưng cung cấp dịch vụ cho hãng Bamboo Airways trong năm 2024, nhưng sản lượng phục vụ các đường bay quốc tế tăng trưởng tốt và công ty cũng ký được thêm hợp đồng phục vụ một số khách hàng quốc tế mới.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD vào thời điểm cuối năm ở mức cao, do đó công ty cũng phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá trong quý 4/2024.
Về mặt chi phí, SGN không còn phát sinh việc trích lập dự phòng khó đòi với hãng Bamboo Airways và Vietravel Airlines như cùng kỳ quý 4/2023, thậm chí còn thực hiện hoàn nhập dự phòng do thu hồi nợ, giúp giảm đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp. Tổng hợp các nguyên nhân đó, lợi nhuận của SGN tăng trưởng đột biến.
Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của SGN đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, trong đó lượng tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm đến 1.059 tỷ đồng, tỷ trọng 71%. Còn lại tài sản dài hạn chỉ chiếm hơn 212 tỷ. Công ty còn có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 342 tỷ đồng.
"Ông trùm" phục vụ mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất, cổ phiếu về sát đỉnh lịch sử
SGN được chuyển đổi từ Trung tâm dịch vụ Hàng không theo quyết định ngày 30/12/2004 của Cục trưởng cục hàng không VN. Ngày 1/1/2015, Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP. Công ty nằm trong mạng lưới thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV, tỷ lệ sở hữu hiện 48,1% vốn).
Hiện, SGN là đơn vị gần như thế chuyên khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của Cảng hàng không, sân bay; cung ứng dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, phụ tùng, thiết bị hàng không; cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất... Nếu CTCP Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) hoạt động mạnh ở sân bay Nội Bài, thì "miếng đất" của SGN màu mỡ hơn với quy mô và sự sôi động hơn ở sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.HCM).
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng vận tải trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 tăng cao kỷ lục, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể trong 10 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 (từ 24/1 đến hết 2/2), sân bay Tân Sơn Nhất có lưu lượng đạt 1,38 triệu khách, tăng 7,6%). Trong ngày cao điểm nhất (24/1 tức 25 tháng Chạp – ngày làm việc cuối cùng), sân bay này ghi nhận kỷ lục khai thác với 1.002 lượt cất hạ cánh (tăng 10% so với cùng kỳ 2024), với 152.000 lượt khách (tăng 13% so với cùng kỳ 2024). Mức khai thác này vượt cả Tết Nguyên đán 2020, khi chưa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thông tin mới nhất, SGN sẽ liên danh với HGS để đấu thầu dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2 tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Tổng mức đầu tư dự kiến 790 tỷ đồng. SGN tham gia với vai trò là thành viên đứng đầu liên danh góp vốn 75% và còn lại 25% thuộc về HGS.
Do đây là dự án lớn với quy mô vượt mức 35% tổng giá trị tài sản trên báo cáo kiểm toán gần nhất, HĐQT SGN đã xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho các quyết định đầu tư dự án theo nội dung hồ sơ dự thầu của liên doanh.
Công ty cũng xin thông qua chủ trương đàm phán, ký hợp đồng, giao dịch giữa SGN và người có liên quan CTCP Hàng không Vietjet để thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ mặt đất trọn gói theo tiêu chuẩn IATA SGHA, có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của SGN.
Trước những thông tin tích cực, cổ phiếu SGN tăng bốc trong vài phiên gần đây, thậm chí kịch trần trong phiên giao dịch đầu tiên năm Ất Tỵ. Hiện thị giá đạt 94.300 đồng/cp, sát mức đỉnh lịch sử thiết lập gần 8 năm trước.