Chân dung Trần Hùng Huy - vị Chủ tịch nghìn tỷ "gây bão" mạng xã hội: Tiến sỹ kinh tế, hát hay, nhảy đẹp, yêu môi trường

Trọng Nghĩa | 20:39 05/06/2023

Trần Hùng Huy là cái tên đang gây bão trên mạng xã hội sau đêm Gala kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB với hình ảnh vừa đàn, hát, vừa thể hiện vũ đạo trên sâu khấu như một người chuyên nghiệp. Không chỉ là Chủ tịch "nghìn tỷ", ông Trần Hùng Huy còn vụt sáng trở thành Chủ tịch "nghìn like" trên các nền tảng Facebook. TikTok,...

Chân dung Trần Hùng Huy - vị Chủ tịch nghìn tỷ "gây bão" mạng xã hội: Tiến sỹ kinh tế, hát hay, nhảy đẹp, yêu môi trường

Trên thực tế, cách đây 5 năm, trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ngân hàng Á Châu (ACB), Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy đã cùng ekip đã thể hiện tài năng của mình với màn vũ đạo và hát nhiều “hot hit” đặc sắc “Ngày mai em đi”, “Attention”, “Uptown Funk”, “Sau tất cả”…

Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, tốt nghiệp cử nhân 3 chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000. Hai năm sau, ông nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Chapman, bang California (Mỹ). Đến năm 33 tuổi, ông Trần Hùng Huy lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Golden Gate, Mỹ.

Ông Huy được biết tới là vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất tại Việt Nam, nắm giữ chức vụ này khi mới 34 tuổi thời điểm ACB đang đứng trước nhiều khó khăn sau sự kiện của ông Nguyễn Đức Kiên và một số vị cựu lãnh đạo nhà băng vướng vòng lao lý vào năm 2012.

Là con trai của ông Trần Mộng Hùng - một trong những cổ đông sáng lập của ACB và bà Đặng Thị Thu Thủy - thành viên HĐQT của ngân hàng ACB, nhận nhiệm vụ đứng đầu chèo lái một ngân hàng khi tuổi đời còn rất trẻ, ông Huy đã nhận về không ít sự nghi ngờ, tuy nhiên sau đó ông đã nhanh chóng chính minh được năng lực của mình bằng kết quả thực tế.

Chủ tịch Trần Hùng Huy

Cụ thể, trong quý 4/2012, quý đầu của “nhiệm kỳ” con số lỗ 520,7 tỷ đồng quý 3/2012 xuống 158,6 tỷ đồng. Sang năm 2013, hoạt động kinh doanh được cải thiện khi lợi nhuận sau thuế quý 1,2 và 3/2013 lần lượt đạt 307 tỷ đồng; 409,7 tỷ đồng và 400,8 tỷ đồng.

Hai quý cuối năm 2012, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng mang về cho ACB những khoản lỗ “khủng” lên tới trăm tỷ, thậm chí cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang quý 2/2013, hoạt động này thoát lỗ và bước đầu đem lại lợi nhuận dù khiêm tốn.

Đến cuối tháng 6/2014, chưa đầy 2 năm sau biến cố, ACB đã được Fitch nâng triển vọng tín nhiệm từ "tiêu cực" lên "ổn định" sau khi tổ chức này cho rằng, những sức ép từ rủi ro phát sinh tại ACB sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên lên hệ thống tài chính đã giảm thiểu.

Fitch giải thích: "ACB đã rất nỗ lực và vẫn tiếp tục xử lý các vấn đề. Lợi nhuận năm 2013 cũng tăng nhẹ khi ngân hàng rà soát lại bảng cân đối kế toán và tìm cách tiết giảm chi phí hoạt động. Tỷ lệ tiền gửi tăng trưởng khoảng 10\% và ngân hàng vẫn tuân thủ việc duy trì tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) khoảng 78%".

Năm 2017 – 2018 là 2 năm ngân hàng ACB liên tiếp có những kết quả kinh doanh nhảy vọt. Lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2017. Trong năm 2017, mức doanh thu của ngân hàng cũng tăng gấp 1,6 lần so với năm trước đó. Bên cạnh đó, ACB còn có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam với 0,69% vào cuối năm 2018.

Theo báo cáo tài chính, năm 2022, ACB ghi nhận lãi trước thuế 17.114 tỷ đồng, tăng 42,6% so với năm trước đó. Kết thúc quý I vừa qua, ngân hàng này đạt gần 5.157 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 25% so với cùng kỳ, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Mới đây, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, ACB cũng chính thức công bố định hướng là một ngân hàng ESG, viết tắt của Environmental – Social – Governance (Môi trường – Xã hội – Quản trị): bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Hiện nay, ACB là nhà băng trong nước đầu tiên thực hiện bộ tiêu chuẩn ESG.

Trước đó, ACB đã là một trong những ngân hàng đã sớm quan tâm đến nhân tố E (tiêu chuẩn về môi trường) nhờ tư duy đi trước của vị Chủ tịch trẻ tuổi. Ban đầu, ý tưởng về bảo vệ môi trường của Chủ tịch Trần Hùng huy không được nhiều người trong ACB ủng hộ nhưng dần dần thực tế đã cho thấy tư duy bảo vệ môi trường là một tư duy đúng đắn và là xu thế tất yếu của thời đại.

Năm 2022, ACB đã có những kết quả tích cực trong nỗ lực đưa phát thải ròng CO2 về 0 như tiết kiệm điện, tiết kiệm giấy từ các dự án số hóa quy trình, sử dụng các loại thảm tái chế cho các tòa nhà lớn.

Cụ thể, ACB đã giảm phát thải 181 tấn CO2 nhờ sử dụng thảm tái chế, giảm phát thải 112 tấn CO2 nhờ tiết kiệm giấy trong năm qua.

Bên cạnh đó, ACB cũng nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và không tài trợ các dự án vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Năm 2022, nhà băng cũng có chức danh Giám đốc chuyên trách môi trường, xã hội và quản trị (Giám đốc ESG).

Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng tiết lộ, nhà băng này đang tích cực làm việc với các tổ chức quốc tế hàng đầu để dùng lợi thế là một kênh huy động vốn vững chắc nhất của thị trường, dẫn dắt những nguồn vốn xanh, giá rẻ trên thế giới về Việt Nam để tài trợ cho những dự án xanh, những chương trình xã hội bền vững, hoặc quan trọng hơn: giúp những doanh nghiệp chưa xanh trở nên xanh hơn.

Về mặt sở hữu, ông Trần Hùng Huy đang nắm 115,7 triệu cổ phiếu ACB, chiếm tỷ lệ 3,43% vốn điều lệ ngân hàng. Với giá giao dịch ACB phiên 5/6 là 21.750 đồng/cp, ước tính lượng tài sản cổ phiếu của ông Huy vào khoảng 2.516 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chân dung Trần Hùng Huy - vị Chủ tịch nghìn tỷ "gây bão" mạng xã hội: Tiến sỹ kinh tế, hát hay, nhảy đẹp, yêu môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO