Chân dung công ty con của Ngân hàng SCB - đơn vị sẽ "giải cứu" con tàu vỡ đôi, kẹt 8 tháng tại Quảng Ngãi

Lan Hạ | 06:22 12/08/2023

Những năm 2021 – 2022, phát sinh giao dịch gửi tiền có kỳ hạn của Bảo Long và SCB đều ở mức trên 20.000 tỷ đồng. Trong quý 2/2023, sụt giảm mạnh xuống 248 tỷ đồng trong khi kỳ trước là 14.672 tỷ đồng.

Chân dung công ty con của Ngân hàng SCB - đơn vị sẽ "giải cứu" con tàu vỡ đôi, kẹt 8 tháng tại Quảng Ngãi
Ảnh: Ngọc Viên - Báo Lao động

Ngày 26/01/2023, đang chở hơn 2.700 tấn cám, gạo trên hải trình từ cảng Mỹ Thới (An Giang) ra cảng Hải Phòng, Tàu Hoàng Gia 46 va vào đá ngầm khi đến vùng biển Bình Định và bị sóng bẻ đôi, đánh trôi dạt vào bờ biển ở Đức Phổ (Quảng Ngãi).

Sau 8 tháng, chiếc tàu vẫn chưa được trục vớt. Tuy nhiên, Công ty TNHH Vận tải biển Hoàng Gia – Chủ sở hữu tàu Hoàng Gia 46 ngày 11/8 đã thông tin trên Báo điện tử Xây dựng, nhận định không thể trục vớt nguyên trạng con tàu đắm này mà chỉ có thể xử lý theo phương án trục vớt từng phần.

Chủ tàu đã thông báo tổn thất đến Công ty Bảo hiểm Bảo Long Quảng Ninh – Đơn vị bảo hiểm tàu Hoàng Gia 46. Doanh nghiệp này đồng ý nhận chuyển nhượng xác con tàu, đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chào thầu bán xác tàu và tiến hành rã, trục vớt từng phần tàu Hoàng Gia 46.

Hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (mã chứng khoán BLI)– Công ty con của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không phải là một cái tên lớn, nhưng doanh nghiệp này lại nằm trong top 10 công ty bảo hiểm uy tín trong lĩnh vực Hàng hải 2022 do Bộ Tài chính công bố, xếp sau Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện và xếp trên CTCP Bảo hiểm AAA.

Thực tế, bảo hiểm tàu và bảo hiểm thuyền viên không phải là mảng đem lại doanh thu lớn cho Bảo Long khi doanh thu phí bảo hiểm gốc từ tàu thường chưa đến 50 tỷ đồng.

Bảo Long được biết đến là công ty bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên tại Việt Nam.

Tiền thân của công ty này là Bảo hiểm Nhà Rồng thành lập từ năm 1995 và SCB trở thành cổ đông chiến lược vào năm 2014. Đây là năm mà SCB tuyên bố giai đoạn khó khăn nhất của ngân hàng này đã qua, cũng là năm cuối trong kế hoạch tái cơ cấu 3 năm (2012 – 2014) sau khi được hợp nhất từ 3 tổ chức tín dụng SCB, Ficombank, TinNghia Bank.

Hiện tại, vốn điều lệ của Bảo Long là 600 tỷ đồng, do SCB nắm 81,8% cổ phần, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là cổ đông lớn nắm 6,51%. Báo cáo thường niên 2022 của Công ty Bảo hiểm này cho biết, vì những nguyên nhân khách quan diễn ra trong năm, Bảo Long chưa thực hiện được mục tiêu tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng như kế hoạch.

Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch HĐQT của bảo hiểm Bảo Long nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Chủ tịch HĐQT Eximbank, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Hiện nay, ông Long vẫn đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Với việc là công ty con của SCB, thành phần lãnh đạo cấp cao của Bảo Long chủ yếu là nhân sự từ SCB. Tuy nhiên, năm 2022 chứng kiến sự biến động lớn trong dàn lãnh đạo của công ty bảo hiểm này trong đó vị trí Tổng giám đốc đã thay đổi từ bà Lê Thị Ngọc Hương sang ông Phan Quốc Dũng.

Dù biến động nhân sự, hoạt động kinh doanh của Bảo Long vẫn khá ổn định, ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn trong 5 năm qua.

Quý 2/2023, công ty báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 52 tỷ của quý 2/2022. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế là 40 tỷ đồng – giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, phát sinh giao dịch gửi tiền có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi tại Ngân hàng mẹ SCB trong kỳ này sụt giảm mạnh xuống 248 tỷ đồng trong khi kỳ trước là 14.672 tỷ đồng. Cuối thời điểm những năm 2021 – 2022, giao dịch gửi tiền có kỳ hạn của Bảo Long và SCB đều ở mức trên 20.000 tỷ đồng.

Công ty Bảo hiểm vẫn giữ số dư tiền gửi thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng mẹ ở mức trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có 12 tỷ ký quỹ bảo hiểm bắt buộc theo Nghị định 73.

Theo Nghị định 73, Công ty Bảo hiểm phải ký quỹ bảo hiểm bắt buộc tại một ngân hàng thương mại được cấp phép tại Việt Nam bằng 2% vốn pháp định. Tiền ký quỹ bảo hiểm bắt buộc không được phép rút ra cho đến khi chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc khi có sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, lãi từ tiền ký quỹ bảo hiểm bắt buộc có thể được rút ra bất kỳ lúc nào.

Cuối năm 2022, Bảo Long có gần 40 tỷ đồng là khoản đầu tư vào trái phiếu của Công ty Cổ Phần Chứng Khoán Tân Việt nhưng đến thời điểm cuối quý 2/2023 đã không còn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chân dung công ty con của Ngân hàng SCB - đơn vị sẽ "giải cứu" con tàu vỡ đôi, kẹt 8 tháng tại Quảng Ngãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO