CEO SHS: Tự tin sẽ cán đích lợi nhuận 2024, đang tiến hành thủ tục tăng vốn lên 17.000 tỷ đồng

Long Sơn | 08:53 07/11/2024

Theo CEO SHS, định giá PE forward thị trường hiện vào khoảng 14,5 lần, là vùng thích hợp để đầu tư trung hạn và xác suất VN-Index vượt 1.300 điểm là khá cao.

CEO SHS: Tự tin sẽ cán đích lợi nhuận 2024, đang tiến hành thủ tục tăng vốn lên 17.000 tỷ đồng

Chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn đi ngang và VN-Index liên tục gặp khó trước ngưỡng 1.300 điểm, điều này ít nhiều tác động tới hoạt động kinh doanh của nhóm Công ty chứng khoán.

Trong chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết công ty tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, nằm trong top công ty chứng khoán lãi nghìn tỷ đồng năm 2024, tiền đề để thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty sẽ không phát hành bằng mọi giá mà cân nhắc điều kiện thị trường, thị giá, giá trị sổ sách để đảm bảo quyền lợi cổ đông và công ty

Sau hai quý đầu năm ghi nhận kết quả tích cực, SHS báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 có vẻ chưa như kỳ vọng. Đâu là những thách thức lớn nhất mà SHS đã đối mặt?

Thị trường quý 3 không thuận lợi, chỉ số VN-Index nhiều lần hụt hơi trước mốc 1.300 điểm. Dòng tiền luân phiên qua các nhóm trụ (như ngân hàng, một số cổ phiếu vốn hoá lớn như FPT, VHM, họ cổ phiếu Viettel…), còn với midcap và penny giảm khá sâu. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư thận trọng (các vấn đề tỷ giá, địa chính trị,…) không có các câu chuyện đủ lớn để kích thích dòng tiền nên giao dịch có phần ảm đạm. Giá trị giao dịch bình quân chưa đến 15.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn khoảng 25% so với cùng kỳ cũng như nửa đầu năm.

Diễn biến thị trường như vậy tác động trực tiếp tới các mảng hoạt động của CTCK, trong đó có SHS. Tổng lợi nhuận trước thuế của ngành chứng khoán quý 3/2024 suy giảm so với 2 quý nửa đầu năm, đặc biệt là lợi nhuận của mảng môi giới giảm mạnh, khoảng hai chữ số so với quý trước, cũng giảm hai chữ số so với cùng kỳ.

Thách thức lớn trong ngành hiện nay là câu chuyện cạnh tranh khốc liệt ở mảng môi giới – margin, áp lực giữ và mở rộng thị phần đã khiến hầu hết các đơn vị trong ngành đều có động thái giảm phí. Trong khi đó, chi phí cho nhân sự môi giới, các khoản hoa hồng cho cộng tác viên- có chiều hướng gia tăng ở không ít công ty…Điều này đã tác động chung đến biên lợi nhuận mảng môi giới đang giảm đi nhanh chóng. SHS cũng không năm ngoài xu hướng này.

Hoạt động đầu tư, thường chiếm 50% cơ cấu lợi nhuận của SHS, nên việc đảm bảo danh mục đầu tư ổn định và đạt hiệu suất tốt hơn VN-Index – là nỗ lực rất lớn của đội ngũ Ban lãnh đạo cũng như từ bộ phận đầu tư. Danh mục đầu tư của SHS tập trung các doanh nghiệp có tăng tăng trưởng tốt, quản trị tốt, định giá hấp dẫn. Trong lịch sử hoạt động của mảng này, đều có sự đóng góp tốt vào lợi nhuận công ty – cũng là một minh chứng cho thấy SHS có chiến lược đầu tư cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro. Song song đó, SHS cũng luôn tập trung nâng cao năng lực cho nhân sự, phát triển công nghệ để hỗ trợ hiệu qủa cho hoạt động quản trị rủi ro và gia tăng hiệu suất đầu tư.

Còn mảng Ngân hàng đầu tư (IB), SHS được biết đến với thế mạnh trong lĩnh vực trái phiếu, tuy nhiên đối diện với thị trường trái phiếu nói chung vẫn chưa hồi phục như trước, cộng thêm các quy định trong dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán đang theo hướng gia tăng các điều kiện tham gia thị trường đối với các nhà đầu tư cá nhân; các điều kiện phát hành trái phiếu (đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ) cũng được nâng lên cao…tạo thách thức không nhỏ cho mảng hoạt động này của CTCK.

Dù vậy, nhìn rộng hơn trong bức tranh 9 tháng đầu năm, lợi nhuận SHS đã gấp đôi so cùng kỳ và thực hiện hơn 90% kế hoạch đề ra. Khả năng thực hiện kế hoạch 2024 thế nào và đâu sẽ là mảng đóng góp chủ lực cho SHS trong quý cuối năm?

9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu hoạt động SHS 1.440 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Nhờ kiểm soát tốt chi phí, đặc biệt hoạt động tự doanh mang lại hiệu quả tốt đã góp phần đưa lãi trước thuế SHS đạt gần 953 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2023.

So với kế hoạch doanh thu 1.844 tỷ đồng (tăng 26% so với 2023), lãi trước thuế 1.035 tỷ đồng (tăng 51%), thì sau 9 tháng, SHS hoàn thành được 78% kế hoạch doanh thu và 92% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Với kết quả tích cực này, SHS sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được ĐHCĐ giao, lọt top CTCK báo lãi nghìn tỷ đồng trong năm 2024.

Cơ sở để SHS tự tin đến từ góc nhìn dự báo thị trường quý 4 sẽ khởi sắc hơn, dự phóng tăng trưởng thu nhập toàn thị trường 13,5%. Nếu có động lực tăng trưởng lợi nhuận tốt thì quá khứ cho thấy hầu như xu hướng của thị trường là đi lên, chưa kể các yếu tố vĩ mô cũng đang hỗ trợ, chất lượng lợi nhuận và tài sản rõ ràng dang được cải thiện tốt hơn.

Với dự phóng tăng trưởng EPS này, thì PE forward vào khoảng 14,5 lần. Thống kê trong 4 năm qua cho thấy, ngoại trừ 2 giai đoạn đáy Covid năm 2020 và đáy thị trường tháng 10/2022 (khủng hoảng niềm tin thị trường trái phiếu) thì PE dưới 12 lần, còn lại đều là mức P/E bình quân 15,6 lần. Theo đó, nếu nhìn theo định giá P/E thì đây là vùng thích hợp để đầu tư trung hạn.

Xác suất VN-Index vượt 1.300 điểm là cao. Với danh mục đầu tư hiện nay của SHS tập trung các cổ phiếu đầu ngành, dư địa tăng trưởng tốt, thì khi thị trường bứt ra khỏi trạng thái tích luỹ, sẽ mang lại hiệu suất đầu tư tốt. Và thị trường khởi sắc, thì dĩ nhiên các mảng hoạt động khác như môi giới, margin cũng sẽ sôi động hơn.

Nước ngoài bán ròng gây áp lực lên thị trường. Ông dự báo gì về xu hướng giao dịch của khối ngoại trong thời gian tới?

Diễn biến bán ròng của khối ngoại không còn mới với thị trường Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2024, nước ngoài đã bán ròng khoảng 70-80 ngàn tỷ đồng tạo áp lực không nhỏ lên diễn biến thị trường.

Nguyên nhân chính là việc Fed duy trì lãi suất cao nhất trong nhiều năm khiến dòng tiền đầu tư quay ngược về thị trường Mỹ rất mạnh mẽ; áp lực tỷ giá cũng ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư của các quỹ ngoại; những e ngại về căng thẳng địa chính trị. Yếu tố cơ bản khác là lợi nhuận của DNNY nói chung trong 2 năm 2022-2023 không tăng trưởng cũng khiến dòng tiền ngoại tạm rời bỏ thị trường.

Bên cạnh đó, trong khoảng 1 năm trở lại đây, các cổ phiếu công nghệ rất hút tiền - tập trung niêm yết nhiều ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…trong khi tại Việt Nam, cổ phiếu công nghệ khá ít ỏi, chiếm chưa đến 4% vốn hoá thị trường.

Tổng hoà các yếu tố này khiến dòng vốn đầu tư rút trên diện rộng ở nhiều thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Nhiều cổ phiếu “bị vạ lây”, chịu áp lực bởi xu hướng rút ròng nói chung này, dù hoạt động kinh doanh và dư địa tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, nhiều dự báo dòng tiền ngoại sẽ sớm quay lại nhờ tác động từ việc FED sẽ còn cắt giảm lãi suất. Câu chuyện dự phóng tăng trưởng lợi nhuận 2025 hấp dẫn với 2 con số và đón đầu cơ hội từ triển vọng nâng hạng trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng gần đây, câu chuyện tỷ giá tăng trở lại và hé lộ dần bức tranh hoàn thiện về hoạt động kinh doanh quý 3 cũng đang tác động tới dòng tiền chung trên thị trường.

Trong đó, có một số quỹ đã tiến hành tái cơ cấu danh mục theo hướng giảm các cổ phiếu midcap, ưu tiên chuyển sang các cổ phiếu vốn hoá lớn (chẳng hạn nhóm ngân hàng) để trú ẩn, tránh các rủi ro ngắn hạn trên thị trường hiện nay. Trong đó, nhóm chứng khoán trong 6 tháng gần nhất có hiệu suất đầu tư không tốt bằng nhiều nhóm khác, nên cũng bị bán ròng để tập trung sang cổ phiếu khác là điều dễ hiểu.

Dưới góc độ thị trường thì việc bán ròng của khối ngoại vì lý do khách quan có thể là cơ hội cho nhà đầu tư nội, đặc biệt ở những doanh nghiệp có dự phóng tăng trưởng tốt - sẽ là động lực cho thị trường tăng điểm trở lại.

Vậy những khó khăn trên có ảnh hưởng gì đến kế hoạch tăng vốn của SHS?

Có thể thấy, tăng vốn là nhu cầu và nằm trong kế hoạch của các công ty chứng khoán để gia tăng năng lực về vốn, bổ sung vốn cho các hoạt động của công ty, sẵn sàng cho hàng loạt các sản phẩm, nghiệp vụ mới nhằm đón đầu nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là gia tăng cơ hội từ làn sóng tăng trưởng mới khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang chờ được nâng hạng.

SHS cũng có kế hoạch tăng vốn lên 17.000 tỷ đồng (phát hành 40,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023; phát hành 40,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cổ phần; chào bán thêm 813,1 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và 5 triệu cổ phiếu ESOP) và đã được ĐHCĐ thông qua.

Hiện tại, SHS đang tiến hành thực hiện các thủ tục, hồ sơ tăng vốn theo quy định. Sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt thì HĐQT SHS sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp.

SHS sẽ không phát hành bằng mọi giá mà căn cứ vào thời điểm phù hợp của thị trường, thị giá cổ phiếu SHS và giá trị sổ sách tại thời điểm chào bán để có quyết định giá phát hành bảo đảm lợi ích của cổ đông và công ty.

Với tình hình lợi nhuận sau thuế của công ty sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới sẽ góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp, qua đó gia tăng giá trị cho cổ đông.

Sau khi tăng vốn, SHS trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn, nền tảng tài chính vững vàng, cộng hưởng với đội ngũ nhân sự chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm, sẽ đáp ứng các nhu cầu về cho vay ký quỹ, sản phẩm tài chính cấu trúc cho khách hàng. Năng lực cạnh tranh của SHS được củng cố trên vị thế cạnh tranh cao hơn, kỳ vọng sẽ ngày càng hiệu quả cho vốn góp của cổ đông.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
CEO SHS: Tự tin sẽ cán đích lợi nhuận 2024, đang tiến hành thủ tục tăng vốn lên 17.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO