Tại Tọa đàm "Gỡ nút thắt pháp lý cho bất động sản: Từ chính sách đến thực tiễn" do báo Dân trí tổ chức mới đây, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, hiện nay thanh khoản vẫn còn rất chậm. Ở phân khúc nhà liền thổ, quý I, có khoảng 42 căn phát sinh giao dịch, giảm 76% so với quý IV/2022. Với phân khúc căn hộ, tổng giao dịch 1.300 căn, tăng 32%, có tín hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội, quý I gần như không có dự án mở bán đối với phân khúc nhà liền thổ, phân khúc căn hộ.
Song, nếu chỉ nhìn thị trường bất động sản chỉ là nhà ở thôi thì không khách quan, bởi bất động sản bao gồm một số phân khúc khác để phục vụ cho nền kinh tế, ví dụ như: phân khúc bất động sản thương mại, phân khúc bất động sản văn phòng, phân khúc bất động sản công nghiệp và logistic, phân khúc bất động sản về data center, lưu trữ dữ liệu... Những phân khúc này sôi động, nhu cầu cao.
“Quý II, thị trường nhà ở vẫn còn trầm lắng. Thị trường, nhà đầu tư cần thời gian quan sát. Một trong những yếu tố tác động đến thanh khoản của thị trường hiện nay là lãi suất ngân hàng ở mức cao, lãi vay hơn 10%, lãi suất huy động ở quý I, có thời điểm lên 9,7-10%. Do đó, nhiều người có tiền lại cân nhắc gửi ngân hàng từ 6 tháng đến 1 năm”, bà Trang Bùi nói.
Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng, theo đó Chính phủ đã liên tục có những giải pháp, chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn và phục hồi thị trường.
Cũng tại tọa đàm này, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, về dài hạn, sửa các luật là cần thiết và các luật này hiện nay cũng đang được các ban soạn thảo, các bộ ngành đang xây dựng. Ông Đính mong rằng quá trình này nhanh hơn, rút ngắn hơn, đặc biệt là đối với luật đất đai. Vì đây là luật liên quan đến hầu hết các luật khác, là luật gốc để xử lý các vấn đề trong quá trình phát triển bất động sản.
“Chúng ta đang phân nhóm các dự án bất động sản, có những dự án đã hoàn thành, có những dự án đã xong nhưng vẫn chưa xử lý được, có những dự án đang dở dang nhưng thủ tục còn vướng hoặc năng lực chủ đầu tư không triển khai được nữa bởi vì khó khăn của thị trường, siết chặt tín dụng, khó khăn về tiền tệ…
Một nhóm nữa là các dự án bất động sản bị vướng quá nhiều vấn đề pháp lý, năng lực của chủ đầu tư cũng không thể triển khi trong giai đoạn này vì họ hụt hơi và có thể họ cũng sắp ngừng thở”, ông Đính nói.
TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, cần có giải pháp đối với từng vấn đề cụ thể, những dự án đã xong, đã hoàn thành thì phải tập trung ngay vào những dự án này, tập trung tháo gỡ pháp lý. Đồng thời, cần tập trung vào các nhóm này để làm thế nào đó cho các dự án phù hợp với nhu cầu của xã hội, của người dân nên có động thái quyết liệt. Bởi vì dự án đã xong, sự đầu tư vào đây cực kỳ lớn rồi và đang bị đọng lại, trong khi xã hội lại đang cần có hàng hóa để mua bán giao dịch.
“Rõ ràng, ta phải tìm cách gỡ mạnh hơn để đưa vào thị trường các nguồn hàng và như vậy sẽ có sự tăng trưởng trong hoạt động kinh tế. Nhóm các dự án đang vướng mắc và đuối về năng lực, Nhà nước có thể tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối đầu tư, kết nối các quỹ đầu tư… để họ có thể kêu gọi đầu tư, kêu gọi được thêm nguồn vốn, để những dự án đó tiếp tục được chạy”, ông Đính đưa quan điểm.
Lãnh đạo VNREA cho rằng, những dự án vướng rất nhiều pháp lý, chưa được triển khai nhiều và năng lực chủ đầu tư quá yếu cần có Nhà nước vào cuộc. Nhà nước mua các dự án này, thanh toán cho doanh nghiệp để họ thoát khỏi khó khăn, thoát ra khỏi sự hụt hơi mà có thể dẫn đến đột tử. Sau đó, đây là dự án công, sẽ áp dụng các quy định để xử lý các điểm nghẽn trong dự án này. Khi đầy đủ pháp lý và đất sạch, mang ra đấu giá, lúc đó sẽ có các quỹ, các nhà đầu tư đủ năng lực tham gia đấu giá để nhận dự án về phát triển. Tức là sẽ lựa chọn được đối tượng phù hợp để tiếp tục thúc đẩy dự án đó.
“Đó là những điều chúng tôi đang muốn đề xuất, kiến nghị một cách thực tế, quyết liệt việc làm thế nào để giải phóng hàng nghìn dự án đang bị đắp chiếu nằm đợi trên cả nước trong giai đoạn hiện nay”, vị này nói.