Cây cầu gần 5.000 tỷ dần lộ hình hài, kết nối huyện có nhiều khu công nghiệp nhất với cảng biển lớn thứ hai Việt Nam

Bài và ảnh: Ni Na | 07:38 28/08/2024

Cầu Phước An sẽ kết nối Nhơn Trạch - huyện có 9 khu công nghiệp, nhiều nhất Việt Nam với Cái Mép - Thị Vải, cụm cảng chiếm khoảng 20% sản lượng xuất nhập khẩu của cả nước.

Cây cầu gần 5.000 tỷ dần lộ hình hài, kết nối huyện có nhiều khu công nghiệp nhất với cảng biển lớn thứ hai Việt Nam

Cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Khi hoàn thành, cây cầu sẽ kết nối cụm cảng lớn thứ hai Việt Nam (Cái Mép - Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai, huyện có 9 khu công nghiệp, nhiều nhất cả nước).

Dự án cầu Phước An được khởi công từ tháng 6/2023 với mức đầu tư lên tới gần 5.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp khoảng 4.000 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành năm 2027.

Cầu có tổng chiều dài khoảng 4,3 km. Trong đó phần cầu dài khoảng 3,5km. Đường dẫn lên tuyến dài 25 0m và đường dẫn kết nối với cảng Phước An dài hơn 600 m. Dự án là cầu dầm - cáp hỗn hợp, với hai tháp trụ của nhịp chính. Khoảng cách giữa hai trụ nhịp chính là 250m.

Dự án được chia thành 5 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 4 gói thầu cho hạng mục xây cầu, một gói thầu cho hạng mục bê tông và đèn chiếu sáng. Để đảm bảo tiến độ công trình, hiện có hàng trăm công nhân của 4 nhà thầu đang thi công. Số công nhân này phải chia ca, kíp để thi công 24/24 với mục đích kịp tiến độ dự án.

Theo thiết kế, phần đường dẫn có chiều rộng 23,5m; cầu chính rộng 25m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có vận tốc 70km/h.

Các chân cầu cũng sẽ được đúc bê tông theo tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể sử dụng 100 năm trong điều kiện nước mặn, không bị ngấm làm gỉ sét phần sắt thép bên trong.

Ngày 15/4/2024, tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định chuyển đổi gần 3ha rừng trồng phòng hộ trên địa bàn xã Phước An, huyện Nhơn Trạch do Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành quản lý sang mục đích khác để làm dự án Cầu Phước An. Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong từ lâu.

Khi hoàn thành, cầu sẽ đưa hàng hóa từ các tỉnh miền Tây đến cảng Cái Mép - Thị Vải một cách nhanh chóng, rút ngắn gần 30 km so với đường cũ. Cụ thể, sau khi hoàn thành cây cầu, từ các khu công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các cảng container ở Cái Mép - Thị Vải, xe cộ có thể qua cầu để lên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành rồi đi tiếp về miền Tây bằng cao tốc Bến Lức - Long Thành, hoặc đi ra quốc lộ bằng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Bên cạnh đó, nó cũng giúp giảm nguy cơ tai nạn và cải thiện an toàn giao thông trên các tuyến đường hiện hữu. Ngoài ra, cây cầu gần 5.000 tỷ đồng khi hoàn thành cũng sẽ làm tăng giá trị bất động cho cả hai khu vực đang có quy hoạch của dự án này.

Không chỉ dự án Cầu Phước An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang khẩn trương triển khai các dự án trọng điểm khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng nhanh của tỉnh như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng đường Hội Bài - Châu Pha, mở rộng đường trục chính Vũng Tàu. Trên ảnh là dự án nâng cấp, mở rộng đường Hội Bài - Châu Pha.


(0) Bình luận
Cây cầu gần 5.000 tỷ dần lộ hình hài, kết nối huyện có nhiều khu công nghiệp nhất với cảng biển lớn thứ hai Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO