Cảnh báo: “Nở rộ” các hội nhóm công khai mua bán app ngân hàng giả mạo trên mạng xã hội

Linh San | 09:42 30/09/2024

Việc giả mạo các biên lai chuyển tiền gửi ảnh cho bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới. Tuy nhiên, gần đây, các đối tượng còn rất tinh vi khi sử dụng app ngân hàng giả, thao tác trước mặt nạn nhân và thông báo chuyển tiền thành công.

Cảnh báo: “Nở rộ” các hội nhóm công khai mua bán app ngân hàng giả mạo trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội, các hội nhóm cho thuê, bán app ngân hàng giả, tạo bill chuyển khoản giả đang hoạt động sôi nổi với hàng nghìn thành viên tham gia. Chỉ cần nhập vài từ khóa như “mua bán app bank ảo”, “làm bill ảo”, hàng loạt hội nhóm xuất hiện và dễ dàng chấp nhận thành viên mới. Tại đây, hàng loạt tài khoản rao bán các App ngân hàng ảo giả mạo, có giao diện giống hệt App chính thống của các ngân hàng. Người dùng chỉ cần nhập các thông tin bao gồm: Số tài khoản, Số tiền giao dịch, Thời gian giao dịch, Số dư, Nội dung, hệ thống sẽ tự động tạo biên lai chuyển khoản giả sau vài giây. 

Tinh vi hơn, sau khi nhấn “xác nhận chuyển tiền”, điện thoại của người nhận và người gửi đều sẽ nhận được thông báo biến động số dư y như được gửi từ ứng dụng ngân hàng.

App giả mạo này có một số dư nhất định. Sau khi giao dịch, app giả mạo sẽ trừ tiền ngay để trông giống "thật" hơn và tự động hồi lại số dư ban đầu, không giới hạn số lần tạo biên lai chuyển khoản giả. 

thiet-ke-chua-co-ten-4-.png
Giao diện App ngân hàng giả mạo với số dư khủng

Đáng nói hơn, bên dưới bài đăng chào mời là hàng loạt các bình luận hỏi giá, xin tư vấn. Cũng không thiếu những bài đăng trong nhóm thể hiện rõ nhu cầu thuê, mua app ngân hàng ảo, tài khoản có số dư lớn hay làm giả "bill" chuyển khoản. 

Trước đây dịch vụ này vốn để phục vụ những người bán hàng online, đa cấp. Những người này thích 'sống ảo', muốn tăng uy tín cho cửa hàng bằng cách khoe có nhiều giao dịch, số dư lớn trong tài khoản ngân hàng. Hay một bộ phận người có nhu cầu “phông bạt”, khoe biên lai chuyển khoản từ thiện số tiền lớn cho vùng bão lũ. 

Những tưởng đây là hành động vô hại, nhưng theo luật sư, hành vi làm giả "bill" chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân. 

Không dừng lại ở việc “sống ảo”, “phông bạt”, một số đối tượng còn lợi dụng những app này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Giữa bối cảnh thanh toán không tiền mặt nở rộ, chuyển khoản quá phổ biến khiến nhiều người chủ quan, chỉ cần thấy ảnh chụp màn hình, thông báo biến động số dư là tin tưởng giao dịch, tạo ra sơ hở để đối tượng lừa đảo qua mắt. 

Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang tạm giữ hình sự Trần Hữu Duy (sinh năm 1998, Hải Phòng) và Trần Văn Kỳ (sinh năm 2002, Ninh Bình) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản, theo trình báo của chị M.H vào ngày 12/9/2024. 

Theo lời khai, Duy đã mua trên mạng xã hội app có giao diện giống với app của Ngân hàng M có chức năng thao tác chuyển tiền và thông báo chuyển tiền thành công; nhưng thực chất không hề có biến động số dư. 

Trong một nhóm đổi tiền, Duy thấy thông tin chị H đăng việc đổi 1 triệu yên Nhật (khoảng 170 triệu đồng), Duy liên hệ và hẹn gặp chị H ở ngõ 63, Thiên Hiền. Khi hai bên giao dịch, Duy mở app ngân hàng giả, cho chị H xem thông báo chuyển tiền thành công. Thấy vậy, chị H đưa tiền cho Duy. Lợi dụng chị H không để ý, Duy cho tiền vào túi quần rồi bỏ chạy lên xe máy của Kỳ đợi sẵn. Sau đó, Duy và Kỳ trốn về TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và tiêu xài gần hết số tiền trên. 

Trước đó, hai đối tượng này cũng đã dùng thủ đoạn tương tự để chiếm đoạt số tiền 110 triệu của một người phụ nữ ở quận Thanh Xuân. Sau khi trót lọt qua mắt nạn nhân, Duy đã xóa toàn bộ tin nhắn và chặn liên lạc với người bị hại.

Theo Thượng tá Đặng Mạnh Cường, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, việc giả mạo các biên lai chuyển tiền gửi ảnh cho bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới. Tuy nhiên, trong vụ án này, các đối tượng rất tinh vi khi sử dụng app ngân hàng giả, thao tác trước mặt nạn nhân và thông báo chuyển tiền thành công. Theo ông Cường, người dân cần hết sức cảnh giác, khi tiền chưa vào tài khoản thì tuyệt đối không giao dịch tiền, hàng với đối tác, tránh bị thiệt hại về kinh tế.




(0) Bình luận
Cảnh báo: “Nở rộ” các hội nhóm công khai mua bán app ngân hàng giả mạo trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO