Vì sao “ông lớn” thực phẩm hàng đầu Nhật Bản bán sữa bột 9 năm ở VN, giờ mới bắt đầu đẩy mạnh làm thương hiệu ở miền Nam?

Quỳnh Như | 08:36 10/12/2024

Sữa bột cho trẻ em của Glico đã đạt danh hiệu uy tín "Được các bà mẹ Nhật Bản tin dùng" trong suốt sáu năm liên tiếp từ 2019 đến 2024; nhưng tại Việt Nam, họ vẫn chưa được nhiều người biết đến – đặc biệt là ở miền Nam.

Vì sao “ông lớn” thực phẩm hàng đầu Nhật Bản bán sữa bột 9 năm ở VN, giờ mới bắt đầu đẩy mạnh làm thương hiệu ở miền Nam?
Ông Keiichiro Tsuji - Giám đốc điều hành Ezaki Glico Việt Nam

Mới đây, Ezaki Glico – hãng thực phẩm hàng đầu của Nhật Bản đã chính thức ra mắt sản phẩm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng Glico ICREO Learning Milk tại Việt Nam. Đây là dòng sản phẩmdành riêng cho trẻ em từ 3 tuổi.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường làm truyền thông cho thương hiệu và DN tại thị trường Việt Nam. Sau 9 năm vào Việt Nam, thách thức lớn nhất của sản phẩm sữa bột cho trẻ em của Glico chính là vấn đề nhận biết thương hiệu chứ không phải chuyện giá thành”, ông Bùi Hoàng Phú, Giám đốc Truyền thông tiếp thị Ezaki Glico Việt Nam giải thích lý do vì sao có sự kiện này.

Ezaki Glico có rất nhiều ngành hàng như bánh kẹo, sữa bột cho trẻ em, kem, pudding, các sản phẩm từ sữa… Theo chia sẻ của ông Bùi Hoàng Phú, tại thị trường Nhật Bản, các sản phẩm kem và pudding của Glico luôn dẫn đầu thị trường. Glico đã đi ra thị trường thế giới từ năm 1932 và hiện có 18 công ty tại 12 quốc gia.

Tại thị trường Việt Nam, Glico đã kinh doanh các loại bánh với thương hiệu Pocky, Pretz và Pejoy cùng sữa bột cho trẻ em từ 0 đến 12 tháng tuổi và từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi.

anh-4.jpg
Ông Bùi Hoàng Phú - Giám đốc Truyền thông tiếp thị Ezaki Glico Việt Nam

Từ lâu Glico đã nổi tiếng là sản phẩm cao cấp nhất không chỉ trên thị trường chung, mà còn ở trong dòng sản phẩm đến từ nước Nhật. Trước đây, nhất là ở thị trường miền Bắc, giá của sữa bột Glico rất cao bởi nó chỉ có duy nhất nguồn từ ‘xách tay’. Năm 2015, sau khi được phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam, giá sữa bột Glico đã bình ổn hơn nhiều”, Giám đốc Truyền thông tiếp thị Ezaki Glico Việt Nam nêu cụ thể.

Một lý do nữa khiến Glico ít làm marketing và PR mạnh ở thị trường Việt Nam là vì doanh nghiệp không có nhà máy ở đây. Ở khu vực Đông Nam Á, Glico có 2 nhà máy sản xuất ở Thái Lan và Indonesia; trong đó, nhà máy ở Indonesia mới xây dựng cách đây 2 năm. Sản lượng của hai nhà máy này dự đoán có thể phục vụ nhu cầu của khu vực trong 5 đến 10 năm tới. Ngoài ra, ở Nhật Bản, Glico cũng có một nhà máy chuyên sản xuất sữa bột dành riêng cho thị trường Việt Nam.

Ở khía cạnh khác, ngoài tăng cường marketing/PR, thì xu hướng tiêu dùng chung của thị trường và khác biệt về công nghệ, cũng khiến Glico kỳ vọng nhiều vào sản phẩm mới Glico ICREO Learning Milk.

Thị trường tiêu dùng trong năm 2024 vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan và vẫn tăng trưởng rất chậm. Theo số liệu nghiên cứu của Nielsen, doanh số ngành FMCG đã tăng 2,8% trong tháng 4-5/2024, so với mức giảm 2,9% trong quý I/2024 và giảm 4,1% trong quý IV/2023. Cũng như thế, ngành ữa mới chỉ quay lại một chút trong quý III/2024.

Khốc liệt nhất trong ngành hàng sữa chính là mảng sữa bột – đặc biệt là sữa công thức dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và từ 1 đến 3 tuổi, qua sự cạnh tranh dữ dội của gần 30 hãng sữa trong và ngoài nước với tổng cộng 60 nhãn hàng. Ngoài 2 doanh nghiệp sữa nội địa là NutiFood và Vinamilk, trên thị trường, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của các hãng sữa lớn trên khắp thế giới đến từ châu Âu, Mỹ, Úc, New Zealand và Nhật Bản, Hàn Quốc.

glico-.jpg

Theo dự báo của Euromonitor, từ năm 2024 đến 2029, mảng sữa nước sẽ tăng trưởng 37% và sữa bột cho trẻ em chỉ 21%. Sở dĩ sữa bột cho trẻ em tăng trưởng chậm hơn, bởi người trẻ ở Việt Nam đang ngày càng ngại sinh con, số lượng nam nữ độc thân ngày càng tăng cao. Kéo theo đó, tỷ lệ sinh của Việt Nam sẽ ngày càng giảm và số lượng trẻ em dưới 4 tuổi sẽ giảm dần trong tương lai”, ông Keiichiro Tsuji, Giám đốc điều hành Ezaki Glico Việt Nam cho biết thêm.

Như thế, trong mảng sữa bột cho trẻ em, phân khúc trên 3 tuổi nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt nhất và sẽ là ‘đấu trường’ chính của mảng này trong tương lai.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, quy mô thị trường sữa công thức tại Việt Nam đạt xấp xỉ 2 tỷ USD cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến là 5,65% giai đoạn năm 2023-2028. Bên cạnh đó, với văn hóa Á Đông truyền thống, người Việt Nam thường không tiếc tiền đầu tư vào sức khoẻ cũng như giáo dục cho con cái.

Cũng theo lãnh đạo Glico Việt Nam, một trong những lợi thế cạnh tranh của họ trên thị trường là chất lượng và công nghệ mới.

Glico ICREO là thương hiệu thực phẩm bổ sung dinh dưỡng duy nhất tại Nhật Bản nhận giải thưởng "Mother Selection Award" suốt 6 năm liên tiếp – từ 2019 đến 2024. Đây là danh hiệu cao quý được bình chọn bởi các bà mẹ và trao tặng bởi hiệp hội các bà mẹ lớn nhất, uy tín nhất tại Nhật Bản.

Kể từ tháng 10/2024, các sản phẩm Glico ICREO đã có mặt tại 150 cửa hàng Con Cưng cũng như trên nền tảng thương mại điện tử của họ; và sẽ phủ hết chuỗi trong tương lai. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Glico còn được phân phối tại 12.000 cửa hàng bán lẻ và các chuỗi mẹ - bé lớn như Kidsplaza, Avakids, Soc & Brothers, cộng thêm các nền tảng thương mại điện tử khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vì sao “ông lớn” thực phẩm hàng đầu Nhật Bản bán sữa bột 9 năm ở VN, giờ mới bắt đầu đẩy mạnh làm thương hiệu ở miền Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO