Bài toán của Bầu Đức: Xây dựng kênh phân phối cho "heo ăn chuối" BaPi ra sao?

Quỳnh Như | 10:13 15/11/2022

Mặc dù ông Đinh Văn Lộc –Tổng giám đốc Bapi Hoàng Anh Gia Lai cho rằng: vì sản lượng thịt heo của họ không đáng kể nếu so với nhu cầu thị trường, nên không sợ không bán hết. Tuy nhiên, để xây dựng kênh phân phối làm sao tiêu thụ hiệu quả - bán hết trong thời gian ngắn và không bỏ bất cứ bộ phận nào của heo, là một bài toán không dễ giải.

Bài toán của Bầu Đức: Xây dựng kênh phân phối cho "heo ăn chuối" BaPi ra sao?
Ông Đinh Văn Lộc – Tổng giám đốc BaPi Hoàng Anh Gia Lai

Theo Báo cáo tài chính mới nhất, trong tháng 10/2022, sản lượng thịt heo của BaPi - Hoàng Anh Gia Lai khoảng 36.644 con heo thịt. Trong năm 2023, họ dự định sẽ nâng đàn heo của mình lên 1 triệu con. Và theo chia sẻ của ông Đinh Văn Lộc – Tổng giám đốc BaPi Hoàng Anh Gia Lai, thì sản lượng nói trên chỉ đạt 1% đến 2% nhu cầu thịt heo của thị trường Việt Nam. Tức, thương hiệu này sẽ không quá lo lắng đến việc không bán được hàng.

Hiện tại, BaPi Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang cố gắng tự xây dựng các kênh phân phối, vì họ muốn kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như tính minh bạch – biết rõ đầu vào và đầu ra sản phẩm của mình.

Kế hoạch đến cuối năm 2022 HAGL sẽ mở khoảng 200 cửa hàng và tăng lên 1.000 cửa hàng BaPi đến cuối năm 2023 (bao gồm mô hình nhượng quyền), với 60-70% tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

bapi.jpg
Thịt heo BaPi đã có mặt tại cửa hàng Fresh Mart thứ hai.

Từ những chuyển động của thương hiệu này, dễ dàng nhận thấy họ đang cố đi bằng cả 2 chân: online và offline như nhiều đối thủ khác trên thị trường. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng kênh offline hay online của BaPi đều gặp rất nhiều khó khăn.

Không như trước đây, bây giờ thị trường có rất nhiều loại thịt heo có thương hiệu – cả mát lẫn nóng. Ngoài 2 cái tên kỳ cựu Vissan hay CP, chúng ta có thể kể tên các thương hiệu khác như BaF (của Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam), Meat Master (Công ty TNHH CJ Việt Nam), G-Kitchen (Công ty CP GreenFeed Việt Nam), Japfa (Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam), Meat Deli (Tập đoàn Masan)…

Khoảng 5 năm trước đây, khi chúng ta vào các chuỗi siêu thị lớn và tầm trung như Co.op Mart, Satra Food, VinMart (bây giờ là WinMart) hay BigC (bây giờ là GO!), nếu không phải là Vissan thì là CP. Bây giờ, ngoại trừ WinMart bán duy nhất Meat Deli (cả hai đều thuộc tập đoàn Masan), còn các chuỗi khác như Co.op Mart, Bách Hóa Xanh hay KingFood Mart bán rất nhiều thương hiệu khác nhau.

Cụ thể hơn: thường các siêu thị để quầy thịt nóng Vissan cùng một vài thương hiệu khác tại cửa hàng offline và bán online các loại thịt mát khác nhau – vì nó được đóng hộp dễ vận chuyển cũng như phù hợp với đối tượng khách trẻ mua online.

Tiêu biểu như Bách Hóa Xanh, họ có quầy thịt nóng Vissan tại cửa hàng, tuy nhiên không bán online thịt Vissan mà bán Meat Master, G-Kitchen và cả CP. Co.op Mart cũng tương tự, họ có quầy thịt heo Vissan tại siêu thị và bán online CP, Meat Deli, BaF và Meat Master. KingFood Mart cũng bán G-Kitchen, Meat Deli và Meat Master cả offline lẫn online.

Ngược lại, hiện tại BaPi đang muốn ưu tiên tự mở cửa hàng và đi kênh ngách trước thay vì chen chân vào cuộc đua nói trên. Đầu tiên họ tự mở cửa hàng – hiện có 9 cái tại Hà Nội, TP.HCM cùng Đà Nẵng.

dscf2111.jpg
BaPi đang ký kết hợp tác chiến lược với HomeFarm.

Thứ hai là liên kết với các chuỗi nhỏ khác, như Fresh Market – có 20 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội (đến hết năm 2027 Fresh Market sẽ phủ sóng toàn Thủ đô với 1.500 cửa hàng), Home Farm – có 200 cửa hàng khắp toàn quốc với gần 60 cửa hàng tại TP.HCM (sẽ có 1.000 cửa hàng vào 2025). Cũng theo chia sẻ của ông Đinh Văn Lộc, BaPi cũng sắp phân phối vào Go! (27 siêu thị) và Lotte Mart (15 siêu thị).

Song song với buổi ký kết hợp tác với Home Farm, BaPi cũng ra mắt kênh bán hàng online của mình, với bán kính giao hàng trong khoảng 10km. Hiện tại, hệ thống bán hàng online của BaPi (app - website) mới chỉ liên kết với các cửa hàng mà họ mở ra (9 cửa hàng), chưa liên kết với Home Farm (thịt BaPi vẫn chưa được niêm yết trên website của Home Farm) hay Fresh Market.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ rút ngắn phạm vi giao hàng xuống còn 5km và từ 30 phút đến 1 tiếng còn từ 30 phút trở xuống. Làm sao để ai cũng có thể đặt hàng và nhanh chóng nhận được hàng để các sản phẩm thịt của BaPi vẫn còn tươi ngon khi đến tay người dùng. Muốn thế, hệ thống của chúng tôi phải cải tiến và tiến hóa từng ngày.

Hiện tại, hệ thống bán hàng online của BaPi có thể xử lý 10.000 đơn hàng, nhưng đến năm 2023, chúng phải xử lý hàng trăm ngàn đơn hàng và đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với vận hàng của hệ thống. Nhưng tôi tin rằng, với kinh nghiệm đã có trong mảng logistic dược phẩm, sẽ giúp ích nhiều cho việc giải được bài toán này”, Tổng giám đốc Bapi Hoàng Anh Gia Lai cho hay.

Ai cũng biết, vận hành một hệ thống bán hàng online – đặc biệt là mảng thực phẩm tươi sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khâu bảo quản và giao nhận. Độ phủ của hệ thống cửa hàng cũng là một vấn đề lớn, vì nếu không có độ phủ phù hợp thì rất khó để bảo đảm việc bảo quản và giao hàng nhanh.

dscf2118.jpg
Hệ thống bán hàng oneline của BaPi.

Có nên liên kết hệ thống bán hàng online của BaPi và các đối tác như HomeFarm/Fresh Market hay không và nếu có thì liệu hệ thống có vận hành mượt mà? Có nên xây dựng đội ngũ shipper riêng của BaPi hay thuê ngoài như nhiều công ty khác đang làm?...Đây là những câu hỏi không dễ để trả lời và thực hiện.

Ngoài ra, BaPi Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang cố gắng làm sao để sử dụng hết tất cả thịt/sản phẩm sau khi giết mổ 1 con heo tạo ra được. Nên ngoài bán thịt tươi, họ muốn xây dựng nhà máy để sản xuất các sản phẩm công nghiệp như chả - xúc xích – thịt xông khói cũng như xây dựng bếp trung tâm để làm các sản phẩm dòng "ready to cook".

Khi bán thịt tươi, người tiêu dùng không ưa chuộng các loại thịt nạc lắm, nhưng qua tài chế biến của các đầu bếp trong Bếp trung tâm thì nó sẽ trở thành các món ngon, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho thịt heo BaPi”, ông Đinh Văn Lộc chia sẻ tiếp.

Hiện tại, BaPi Food đang dần đưa gà đi bộ tự nuôi và thịt bò có nguồn cung từ Lào vào bán trong các cửa hàng của mình cũng như liên kết, khắp toàn quốc.

Ở khía cạnh khác, 45 ngày trước Tết, BaPi sẽ cung cấp 1 công cụ đặt thịt ăn Tết cho người tiêu dùng ở các thành phố lớn. Theo đó, người tiêu dùng sẽ đặt hàng ở nhà máy và BaPi sẽ giao hàng tại gia đình, không phụ thuộc vào việc nhà bạn có cách cửa hàng BaPi 5km hay 10km. Lúc đó, BaPi sẽ set-up một hệ thống khác.

Trong tương lai, không biết BaPi như thế nào, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy họ đang làm thương hiệu rất tốt – khi tận dụng được sự yêu mến của người dân Việt Nam với Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai; cũng như xây dựng – set-up hệ thống phân phối cả online lẫn offline khá nhanh.


(0) Bình luận
Bài toán của Bầu Đức: Xây dựng kênh phân phối cho "heo ăn chuối" BaPi ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO