Bài học từ 'siêu phẩm' nhà ở xã hội của Singapore: Gần ga tàu, trung tâm thương mại, 80% người dân được 'an cư, lạc nghiệp' dù có căn giá tới 1 triệu USD

Vũ Anh | 10:40 29/06/2023

Nhờ đâu Singapore sở hữu tỷ lệ người dân có nhà cao nhất thế giới?

Bài học từ 'siêu phẩm' nhà ở xã hội của Singapore: Gần ga tàu, trung tâm thương mại, 80% người dân được 'an cư, lạc nghiệp' dù có căn giá tới 1 triệu USD

Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank chia sẻ với tờ Bloomberg rằng họ vừa bán một căn HDB Jumbo (căn hộ nhà ở xã hội có diện tích lớn) rộng 176 m2 gần ngay khu trung tâm với giá kỷ lục 1,5 triệu đôla Singapore (tức 1,1 triệu USD). Kỷ lục cũ được ghi nhận vào 6/2022 rơi vào khoảng 1,42 triệu đôla Singapore.

Evan Chung, Giám đốc mạng lưới bất động sản của Knight Frank cho biết giá bất động sản đã rơi vào “vùng khó kiểm soát”, song vẫn nằm trong khả năng chi trả của người dân bởi đi kèm rất nhiều ưu đãi.

Được biết, các căn hộ HDB do chính phủ Singapore xây dựng sẽ được bán trực tiếp cho người dân với thời hạn sở hữu là 99 năm. Chúng được bố trí gần ga tàu, trung tâm thương mại để thuận tiện cho nhu cầu mua sắm, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Do có thể chuyển giao quyền sở hữu, thị trường thứ cấp với các căn hộ HDB rất sôi động. Một số căn ban đầu chỉ có giá khoảng 500.000 đôla Singapore, song nay tăng gấp đôi, tùy diện tích và vị trí.

Theo Bloomberg, khoảng 80% người dân Singapore hiện sống trong nhà ở xã hội. Hệ thống do giới chức xây dựng đã giúp gần 90% người Singapore có nhà để ở, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.

Để có thành công ngày hôm nay, ngoài sự nhất quán về chủ trương giúp người dân “an cư, lạc nghiệp”, Singapore đã linh hoạt điều chỉnh chính sách nhà ở xã hội để bình ổn thị trường. Nhà nước cũng thực hiện chính sách “Xây theo đơn đặt hàng” cho phù hợp với nhu cầu và tiếp tục duy trì chính sách này cho tới nay.

1200x-1-2023-06-29t102856.981.jpg
Giá BĐS Singapore đắt nhất châu Á nhưng vẫn hợp túi tiền nhiều người, 90% dân vẫn có nhà để ở

Đã có không ít bài báo ca ngợi sự thành công của Singapore trong phát triển nhà ở xã hội, giúp những người dân có thu nhập thấp và trung bình có nơi ăn chốn ở ổn định. Thành tựu được cho là bắt nguồn từ một số yếu tố chính sau:

Thứ nhất, Singapore thiết lập một cơ quan nhà nước duy nhất phụ trách việc nghiên cứu, phát triển, phân phối và bảo trì nhà ở xã hội mang tên Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB). Chính phủ cũng ban hành luật quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước, thậm chí cho người dân vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà trả góp.

Thứ hai, việc xây dựng các khu nhà HDB đều dựa trên quy hoạch tổng thể, tính toán dài hạn, chú trọng tới môi trường sống. Chúng gắn liền với cơ sở hạ tầng gồm hệ thống đường sá, bến xe buýt, tàu điện, trường học… với đầy đủ các tiện ích như siêu thị, chợ dân sinh, khu ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm…

Thứ ba, việc đăng ký mua nhà HDB diễn ra minh bạch, dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư đầy đủ. Chẳng hạn, mỗi người dân chỉ được sở hữu 1 căn hộ HDB, chỉ được bán sau khi đã ở tối thiểu 5 năm, khi bán đi thì phải đợi 30 tháng sau mới được đăng ký mua nhà HDB mới khác. 

Thứ tư, giá các căn nhà HDB phù hợp với túi tiền người dân. Họ cũng có thể vay thế chấp với lãi suất ưu đãi, trả góp hàng tháng để có thể mua nhà. Theo báo cáo thường niên mới nhất của HDB, giá nhà HDB mới trong tài khóa 2020-2021 dao động từ 90-162.000 đôla Singapore với căn 1 phòng ngủ. Cao nhất là 336.000-516.000 đôla Singapore cho căn 4 phòng ngủ.

1x-1-35-.jpg
Theo Bloomberg, khoảng 80% người dân Singapore hiện sống trong nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, con sóng nhà HDB đã đẩy giá căn hộ lên gấp nhiều lần. Vào năm 2017, đã có khoảng 70 căn được bán với giá trên 1 triệu đôla Singapore.

“Những căn hộ HDB triệu đôla sẽ vẫn tồn tại, vì sẽ luôn có những người thích sống ở trung tâm hoặc nơi rộng rãi nhưng không đủ tiền mua chung cư cao cấp”, Clarence Long, một nhân viên môi giới cho biết. “Một căn chung cư cao cấp có diện tích tương đương, ở cùng địa điểm có thể lên tới 2,5 triệu đôla Singapore”. 

Cũng cần phải nói rằng căn hộ HDB tại Singapore đã được cải tiến theo thời gian, càng về sau càng có vị trí đắc địa. Thiết kế và chất lượng không thua gì các chung cư cao cấp tư nhân. Ngoài ra, Singapore có một lượng nhà HDB thuộc diện “phiên bản giới hạn” theo Đề án Thiết kế-Xây dựng-Bán (DBSS), chủ yếu là các HDB cao cấp.

Theo các chuyên gia, giá nhà ở Singapore vẫn nóng lên từng ngày bất chấp sự sụt giảm của ngành bất động sản trên toàn cầu. Theo Bloomberg Intelligence, giá nhà có thể tăng tới 5% trong năm nay, sau khi tăng 3,2% ở quý I/2023. Singapore thậm chí còn có thể vượt New York về tốc độ tăng trưởng tiền thuê bất động sản cao cấp. 

Giá thuê tăng cao khiến người nước ngoài ở Singapore điêu đứng. Ngay cả đối với cư dân Singapore trong độ tuổi 22-29, cứ 3 người thì 2 người chọn thuê nhà vì không đủ tiền tiết kiệm.

“Chính phủ sẽ cân nhắc biện pháp mới để hạ nhiệt, khi giá đang tăng cao cả ở thị trường nhà ở xã hội và tư nhân”, Christine Sun, Phó giám đốc nghiên cứu tại OrangeTee & Tie cho biết. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng gì vì ở đâu có người bán, ở đó sẽ có người mua”. 

Được biết, giới chức Singapore đã đưa ra một số biện pháp nhằm giải phóng quỹ đất, từ đó gia tăng nguồn cung nhà ở và hạ nhiệt giá cả. Trong đó, nhà ở xã hội được cho là giải pháp cứu cánh bởi chi phí hợp lý, phù hợp với túi tiền nhiều người. Theo Bộ Phát triển Quốc gia Singapore, số đơn đăng ký nhà ở xã hội đã tăng đáng kể trong thời gian qua.

Theo: Bloomberg, Reuters 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bài học từ 'siêu phẩm' nhà ở xã hội của Singapore: Gần ga tàu, trung tâm thương mại, 80% người dân được 'an cư, lạc nghiệp' dù có căn giá tới 1 triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO