Ấn Độ cấm xuất khẩu, một quốc gia có diện tích gấp 2 lần Việt Nam bất ngờ trở thành 'thủ phủ' gạo mới của thế giới, cung cấp hơn 5 triệu tấn ra thị trường toàn cầu

Như Quỳnh | 02:42 17/06/2024

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã khiến quốc gia xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới hưởng lợi lớn.

Ấn Độ cấm xuất khẩu, một quốc gia có diện tích gấp 2 lần Việt Nam bất ngờ trở thành 'thủ phủ' gạo mới của thế giới, cung cấp hơn 5 triệu tấn ra thị trường toàn cầu
Ảnh minh họa

Theo FT, Pakistan đang hưởng lợi lớn từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới khi sản lượng gạo xuất khẩu của quốc gia này tăng cao kỷ lục. 

Cụ thể, theo số liệu thống kê chính thức, xuất khẩu gạo từ Pakistan đã tăng lên gần 5,6 triệu tấn trong 11 tháng tính đến cuối tháng 5, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị xuất khẩu gạo của Pakistan đã tăng lên 3,6 tỷ USD trong giai đoạn này, so với chỉ 2 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước. Kỷ lục trước đó của nước này là xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 2,5 tỷ USD trong năm 2021-2022.

Sự bùng nổ này diễn ra sau quyết định của Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo vào năm ngoái nhằm bình ổn thị trường nội địa khi nguồn cung bị gián đoạn do thời tiết. 

“Với việc Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu, Pakistan nổi lên như một lựa chọn thay thế với chi phí thấp. Nhiều quốc gia bao gồm châu Phi đang tìm đến Pakistan để đáp ứng nhu cầu”, Elvis John tại S&P Global cho biết. 

Chính phủ Pakistan cho biết trong cuộc khảo sát kinh tế hàng năm công bố ngày 11/6 rằng quốc gia này đã sản xuất gần 10 triệu tấn gạo trong 9 tháng tính đến cuối tháng 3, so với 7,3 triệu tấn cùng kỳ năm trước.

screenshot-2024-06-16-203209.png
Trị giá xuất khẩu gạo của Pakistan đã tăng hơn 80% chỉ trong 1 năm. Theo FT

Ông Faizan Ghori, Giám đốc Matco Foods - nhà xuất khẩu gạo basmati lớn nhất Pakistan cho biết, vụ mùa 2022-23 đặc biệt thấp do lũ lụt tàn khốc vào mùa hè năm 2022. Nhưng ngay cả khi so sánh với năm trước lũ lụt, mức tăng trưởng xuất khẩu hiện tại đạt khoảng 20% vẫn là một con số rất ấn tượng”.

Đối với Pakistan, doanh thu bất ngờ và sự phục hồi trong sản xuất đã mang lại nguồn ngoại hối rất cần thiết cho đất nước 240 triệu dân, vốn đang phải vật lộn với mức lạm phát hai con số, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và nợ công tăng vọt.

Giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ sau khi New Delhi thực hiện hạn chế xuất khẩu vào tháng 7. Các nước nghèo hơn ở châu Phi, nơi thường mua số lượng lớn gạo từ Ấn Độ là những quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt. 

Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cơ quan cố vấn về an ninh lương thực, cho biết: “Giá gạo vẫn cao và tôi dự đoán sẽ vẫn ở mức cao cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm”.

John cho biết, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu, Ấn Độ vẫn tiếp tục là nhà cung cấp gạo lớn nhất toàn cầu, tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.

Hammad Attique, giám đốc bán hàng và tiếp thị tại Latif Rice Mills có trụ sở tại Lahore, cho biết công ty của ông đã chứng kiến ​​sự gia tăng nhu cầu và đơn đặt hàng từ Trung Đông, Châu Phi và Đông Nam Á, những khu vực mà gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ thường chiếm ưu thế. Ông nói thêm rằng những người mua đó phải mua từ Pakistan với giá cao hơn nhiều so với Ấn Độ.

Các nhà phân tích cho biết Pakistan dự kiến ​​sẽ có một vụ thu hoạch bội thu khác trong năm nay, nhưng nông dân nước này có thể phải đối mặt với mức giá giảm nếu Ấn Độ chấm dứt hoặc nới lỏng đáng kể chính sách xuất khẩu.

Theo FT


(0) Bình luận
Ấn Độ cấm xuất khẩu, một quốc gia có diện tích gấp 2 lần Việt Nam bất ngờ trở thành 'thủ phủ' gạo mới của thế giới, cung cấp hơn 5 triệu tấn ra thị trường toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO