"Ăn chắc mặc bền" kiểu Hoà Phát: Tiết kiệm 3.900 tỷ đồng chi phí đầu vào nhờ tự tạo ra điện năng từ... đồ thải dư của chính mình

Trọng Nghĩa | 10:49 23/09/2023

Hòa Phát sử dụng các công nghệ hiện đại với công nghệ tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên, tự chủ 75% - 80% điện sản xuất thép, xỉ hạt lò cao được tái sử dụng làm S95 cung cấp cho ngành xây dựng.

"Ăn chắc mặc bền" kiểu Hoà Phát: Tiết kiệm 3.900 tỷ đồng chi phí đầu vào nhờ tự tạo ra điện năng từ... đồ thải dư của chính mình

Trong nhiều năm qua, việc áp dụng công nghệ thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện giúp Hòa Phát tiết kiệm năng lượng, tự chủ điện cho sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Ông Ngô Đức Tuyên - Trưởng phòng Công nghệ (Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất) - cho biết: Hòa Phát đã sử dụng giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng tại nhà máy ở Hải Dương và Dung Quất. 

Theo đó, khả năng thu hồi nhiệt để phát điện chiếm khoảng 75 - 80%, Hòa Phát chỉ lấy khoảng 20 - 25% điện lưới cho sản xuất.

Năm 2022, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt trên 2,42 tỷ kWh. Qua đó giúp Hòa Phát tự chủ khoảng 75% lượng điện năng cho sản xuất.

Nếu tính theo giá điện sản xuất hiện hành, sản lượng này tương đương khoảng 3.900 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hoà Phát trong hội thảo và triển lãm Công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh do Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức.

Ngoài tận dụng tất cả nguồn nhiệt dư để phát điện, Hòa Phát đang triển khai chương trình điện mặt trời mái nhà nhằm tận dụng diện tích mái nhà xưởng của doanh nghiệp”, ông Tuyên chia sẻ. 

Bên cạnh đó, nhà máy còn tận dụng khí than dư thừa trong luyện gang thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện. Công nghệ sản xuất điện năng này đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải CO2 so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương.

Là nhà sản xuất thép lớn trong khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh. 

Hiện nay, Hòa Phát đã và đang thực hiện 8 hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: 

- Đào tạo và thực hành cho cán bộ, công nhân viên công ty theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, kiểm toán năng lượng, 

- Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); 

- Sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; 

- Áp dụng công nghệ dập cốc khô CDQ để sản xuất điện; 

- Sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết; 

- Tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; 

- Sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao (BPRT).

Hòa Phát cũng thay đổi phương thức vận chuyển nguyên liệu bằng băng tải thay ôtô, trồng cây xanh giúp hấp thụ khí CO2…

"Ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền", thông điệp mới đây của các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu đưa ra để lý giải về các quy định mới. Theo đó, EU sẽ áp giá carbon đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước khác vào thị trường này, mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít để sản xuất mặt hàng đó.

Trước mắt, quy định này sẽ được áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao, mà EU xếp vào 6 nhóm sản phẩm là xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Riêng 6 nhóm hàng này chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Như vậy là bất cứ nước nào xuất khẩu những mặt hàng thuộc danh sách này sẽ chịu tác động từ cơ chế điều chỉnh carbon của EU. Quy định mới này sẽ bắt đầu được thực hiện thí điểm từ ngày 01/10/2023.

Bước đi này của EU buộc các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt các doanh nghiệp trong nhóm 6 ngành kể trên phải quan tâm và đầu tư một cách nghiêm túc cho mục tiêu giảm phát thải ròng Carbon, tiến tới Net Zero nếu không muốn trở thành kẻ chậm chân khi ván bài bắt đầu được chia lại!          

Trong tương lai, Hòa Phát sẽ hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới về luyện kim nhằm nghiên cứu thực hiện lộ trình công nghệ luyện kim trung hòa các-bon. Một số giải pháp đã được tính đến như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ hoàn nguyên trực tiếp DRI; thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng nhiên liệu khí thiên nhiên để hoàn nguyên quặng sắt, áp dụng công nghệ đúc cán liên tục để giảm tiêu hao năng lượng, tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (tên gọi tắt tiếng Anh là CBAM) sẽ áp giá carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Việc áp giá carbon là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và đã được các nước thành viên của Liên minh nhất trí thực hiện từ tháng 12 năm ngoái.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Ăn chắc mặc bền" kiểu Hoà Phát: Tiết kiệm 3.900 tỷ đồng chi phí đầu vào nhờ tự tạo ra điện năng từ... đồ thải dư của chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO