29 Tết: USD giảm trong khi Yen, Euro, vàng và Bitcoin tăng mạnh

Vân Chi | 20:58 20/01/2023

Đồng USD giảm giá sau khi một loạt dữ liệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại sau nhiều đợt tăng lãi suất mạnh mẽ, khiến thị trường dự đoán Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm nay.

29 Tết: USD giảm trong khi Yen, Euro, vàng và Bitcoin tăng mạnh

"Thị trường hiện chỉ giao dịch một chiều: bán khống USD và trái phiếu. Sẽ mất một thời gian để thay đổi xu hướng đó vì luồng dữ liệu hiện tại không thuận lợi cho lập trường Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài", Mazen Issa, chiến lược gia ngoại hối cao cấp của TD Securities ở New York cho biết.

"Những đợt tăng lãi suất có thể sắp kết thúc. Thông điệp của Fed sẽ khó gây được tiếng vang đối với thị trường sau khi quá nhiều biện pháp thắt chặt đã được thực hiện và những luồng dữ liệu đã cho thấy hậu quả của những động thái đó", chiến lược gia Issa cho biết.

Việc đồng yen tăng giá cũng góp phần làm gia tăng áp lực giảm lên đồng USD. Yen đã tăng giá mạnh trong thời gian gần đây do dự đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cuối cùng sẽ chuyển hướng khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.

Tại Mỹ, dữ liệu hôm thứ Năm (ngày 19/1) cho thấy tổng số nhà bắt đầu xây mới trong tháng 12 giảm 1,4% xuống mức 1,382 triệu căn. Số giấy phép xây dựng cũng giảm 1,6% xuống 1,330 triệu đơn vị.

Hoạt động sản xuất ở khu vực Trung Đại Tây Dương cũng giảm trong tháng Giêng. Chỉ số sản xuất hàng tháng của Cục Dự trữ Liên bang Philadelphia đã tăng lên mức âm 8,9 trong tháng này, từ mức âm 13,7 trong tháng 12, cải thiện so với ước tính trung bình là âm 11.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy áp lực lạm phát giảm dần. Áp lực lạm phát - được đo bằng chỉ số giá thanh toán - đã giảm xuống 24,5 trong tháng 1 từ mức 36,3 của tháng 12/2022. Đó là mức thấp nhất trong gần hai năm rưỡi. Đồng thời, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của tiểu bang đã giảm 15.000 xuống còn 190.000 trong tuần kết thúc vào ngày 14 /1. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần đó là 214.000.

Kết thúc phiên 19/1 tức rạng sáng ngày 20/1 theo giờ Việt Nam (29 Tết), USD giảm 0,4% so với yen, xuống 128,455 JPY, một ngày sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định tiếp tục ủng hộ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của mình.

Carol Kong, chiến lược gia tiền tệ của Commonwealth Bank of Australia, cho biết: "Sự phục hồi của đồng yên cũng phản ánh "thực tế là những người tham gia thị trường vẫn đang suy đoán (về) sự thay đổi trong chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản".

Đồng euro tăng 0,4% so với USD lên 1,0831 USD/EUR. Trong phiên trước đó (thứ Tư, 18/1), euro đã đạt mức cao nhất trong 9 tháng, là 1,089 USD. Lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro đã tăng lên sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, hôm thứ Năm rằng ngân hàng sẽ duy trì lộ trình tăng lãi suất, và cho biết lạm phát quá cao và ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Bà nói trong một cuộc thảo luận nhóm tại Diễn đàn rằng: "Chúng tôi sẽ duy trì lộ trình (thắt chặt) đủ lâu để có thể đưa lạm phát trở lại mức 2% một cách kịp thời".

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên thứ Năm (19/1) tiếp tục gần ngang giá so với cuối phiên trước đó, là 102,04.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã thoát khỏi mức thấp nhất trong bốn tháng. Lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm kết thúc phiên ở mức 3,386%, sau khi giảm xuống 3,321% trước đó, mức thấp nhất kể từ ngày 13 tháng 9. Lợi suất đã giảm từ 3,905% vào cuối năm và từ mức cao nhất trong 15 năm là 4,338% vào ngày 21/10.

Các quan chức Fed trong phiên này một lần nữa đồng loạt củng cố lập trường quan điểm về lãi suất thông qua các thông điệp của họ. Chủ tịch Fed Boston Susan Collins cho biết Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất lên "cao hơn mức 5% một chút" và sau đó duy trì ở mức đó trong một thời gian.

Bà là người mới nhất trong một loạt các quan chức Fed đề xuất rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần duy trì chính sách thắt chặt để giảm lạm phát thành công.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Fed, Lael Brainard, cho biết mặc dù lạm phát đã được điều chỉnh gần đây nhưng vẫn ở mức cao và "chính sách sẽ cần phải thắt chặt trong một thời gian đủ để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức 2% trên cơ sở bền vững."

Đồng đô la Úc giảm 0,4% trong phiên vừa qua, xuống 0,6916 USD, tiếp tục chịu áp lực bởi số việc làm mới của Úc trong tháng 12 bất ngờ sụt giảm.

Đô la New Zealand cũng giảm, mất 0,7% xuống 0,64 USD, sau khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm thứ Năm đưa ra thông báo bất ngờ rằng bà sẽ từ chức không muộn hơn đầu tháng 2 và không tái tranh cử.

Cập nhật tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.

Các đồng tiền Trung Âu vừa trải qua một phiên tồi tệ nhất trong vòng hơn 1 tháng, giảm 1% -2% do lo ngại suy thoái kinh tế ở Mỹ làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro. Nhưng đồng koruna là một điểm sáng, cùng với các loại tiền tệ khác đã phục hồi phần nào vào cuối phiên sau khi suy yếu lúc đầu phiên.

Đồng koruna của CH Séc phiên vừa qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ lần đầu tiên xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tiếp tục đà tăng ổn định bắt đầu vào cuối năm 2022, đưa đồng tiền này dẫn đầu đà tăng trong số các đồng tiền trung tâm châu Âu.

Đồng koruna đã tăng hơn 1% vào năm 2023, sau khi tăng 3% trong năm 2022. Kết thúc phiên 19/1, koruna đạt 23,900 koruna/euro, mức cao nhất kể từ quý 4 năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu diễn ra.

Giống như những loại tiền khác, koruna đã được thúc đẩy trong những tuần gần đây do giá xăng giảm, giúp giảm nguy cơ khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này. Koruna cũng đang nhận được sự hỗ trợ bổ sung từ cam kết can thiệp của ngân hàng trung ương để ngăn chặn sự suy yếu.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình một ngày trước đó bày tỏ lo ngại rằng làn sóng COVID-19 tấn công Trung Quốc có thể lan đến các vùng nông thôn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ kết thúc phiên giảm 105 pip xuống 6,7725 CNY.

Các nhà kinh tế sẽ theo dõi kỳ nghỉ lễ để tìm kiếm những dấu hiệu về sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là sau khi dữ liệu GDP quý IV cho thấy nền kinh tế suy giảm mạnh do dịch Covid-19.

Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Năm do gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu khi Fed duy trì lập trường thắt chạt tiền tệ và Microsoft thông báo sa thải 10.000 nhân viên.

Chỉ số chứng khoán MSCI trên toàn cầu giảm 0,90%. Chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm 208,05 điểm, tương đương 0,62%, xuống 33.088,91, chỉ số S&P 500 giảm 29,64 điểm, tương đương 0,75%, xuống 3.899,22 và Nasdaq Composite giảm 101,46 điểm, tương đương 0,93%, xuống 10.855,55. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu cũng giảm 1,34%.

Đồng Bitcoin đảo chiều tăng trở lại, kết thúc phiên ở mức 21.053 USD

Giá Bitcoin ngày 19/1.

Giá vàng cũng bật tăng hơn 1% do USD yếu đi và một số nhà đầu tư tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn khi các số liệu mới cho thấy nền kinh tế Mỹ đang yếu đi và những bình luận của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về lập trường tiếp tục thắt chặt tiền tệ làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,1% lên 1.924,09 USD/ounce, gần chạm mức cao nhất trong vòng 9 tháng, là 1.929 USD đã đạt được vào thứ Hai. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 cũng tăng 0,9% ở mức 1.923,9 USD.

Jeffrey Sica, giám đốc điều hành của Circle Squared Alternative Investments, cho biết: "Có một số tiền chuyển đến nơi an toàn (vàng). Vàng dường như hoạt động tốt hơn khi thị trường đang suy giảm". "Đồng đô la Mỹ đang suy yếu và đó là một trong những lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến ​​sự phục hồi của vàng, mà tôi nghĩ rằng sẽ chỉ tăng tốc từ đây."

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk


(0) Bình luận
29 Tết: USD giảm trong khi Yen, Euro, vàng và Bitcoin tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO