Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 4 đã thu về 89,29 triệu USD, tăng 12,2% so với tháng trước đó. Lũy kế 4 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về hơn 311 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của mặt hàng này với 120 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 40 triệu USD, tăng mạnh 30% so với tháng 3.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, đồng thời đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này với hơn 38,6 triệu USD trong 4 tháng, tăng mạnh 113% so với cùng kỳ.
Campuchia đứng thứ 3 với 38,4 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, giảm 31% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường FTA - RCEP đạt 237,58 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ, chiếm 76,3% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường FTA CPTTP đạt 42,99 triệu USD, tăng 2,8%, chiếm 13,8%.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Đông Nam Á đạt 99,86 triệu USD, giảm 10,9%, chiếm 32%.
Nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence đã chỉ ra rằng quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi hỗn hợp của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 11,54 tỷ USD vào năm 2023 lên 15,30 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,80% trong giai đoạn dự báo (2023-2028).
Tính đến năm 2022, 10 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu là Trung Quốc (260,739 triệu tấn), Mỹ (240,403 triệu tấn), Brazil (81,948 triệu tấn), Ấn Độ (43,360 triệu tấn), Mexico (40,138 triệu tấn), Nga (34,147 triệu tấn), Tây Ban Nha (31,234 triệu tấn), Việt Nam (26,720 triệu tấn), Argentina (25,736 triệu tấn) và Đức (24,396 triệu tấn).
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, sản lượng thức ăn công nghiệp trong năm 2023 ước đạt 20 triệu tấn, đứng thứ 8 trên thế giới. Trong đó, thức ăn cho lợn đạt 11,15 triệu tấn (chiếm khoảng 55,7%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 8,17 triệu tấn (chiếm khoảng 40,8%), còn lại là thức ăn cho vật nuôi khác (chiếm khoảng 3,4%).
Liên tiếp trong các năm 2020-2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã thêm 40% so với trước năm 2020 nên người chăn nuôi lớn gặp không ít khó khăn.
Từ cuối năm 2023, giá thức ăn gia súc dần hạ nhiệt, nhu cầu ổn định và khả năng được giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có mặt hàng khô đậu tương sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp lên kế hoạch tái đàn, phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Ngành chăn nuôi lợn Việt Nam cũng nằm top đầu thế giới nhưng lại bị ảnh hưởng lớn từ sự biến động của giá thức ăn chăn nuôi do các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược bài bản và căn cơ để phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước. Một trong các giải pháp quan trọng là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có năng suất và sản lượng cao nhằm bổ sung thêm nguồn cung từ trong nước, giảm nhập khẩu.