Sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng, một doanh nghiệp lập kỷ lục... lỗ 10 năm liên tiếp

An Vũ | 14:04 28/01/2023

Công ty này từng vận hành nhà máy xỉ titan hiện đại nhất Việt Nam vào năm 2009.

Sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng, một doanh nghiệp lập kỷ lục... lỗ 10 năm liên tiếp

Quý 4/2022, CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (CK: SQC) ghi nhận doanh thu hơn 346 triệu đồng và lỗ sau thuế gần 128 triệu đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ quý 4 năm ngoái.

Giải trình về kết quả này, SQC cho biết, quý 4/2022, công ty chỉ còn hoạt động cho thuê kho, trong khi đó phải phân bổ chi phí trả trước, chi phí tiền cơ sở hạ tầng... nên dẫn đến bị lỗ. Ngoài ra, công ty tiết giảm chi phí nên giảm lỗ so với cùng kỳ 2021.

Cả năm 2022, SQC đạt doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước. Công ty lãi gộp được 297 triệu đồng, trong khi năm 2021 lỗ gộp hơn 1 tỷ đồng.

Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn thành lập năm 2006 là công ty con của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Công ty chuyên về lĩnh vực khoáng sản như khai thác titan, quặng thô, luyện thép... Cuối năm 2009, cổ phiếu SQC được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Năm 2009, SQC khánh thành nhà máy sản xuất xỉ titan, đánh dấu nhà máy xỉ hiện đại nhất Việt Nam đi vào hoạt động. 

Từ mức vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, sau 7 năm hoạt động, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng (thực góp 1.100 tỷ đồng) vào năm 2012 với tham vọng trở thành công ty khoáng sản hàng đầu Việt Nam.

Sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng, một doanh nghiệp lập kỷ lục...lỗ 10 năm liên tiếp - Ảnh 1.

Trích BCTN của SQC

Cần phải nói giai đoạn 2011 - 2012 là giai đoạn đỉnh cao về lợi nhuận của công ty với lãi sau thuế lần lượt là 81 và 362 tỷ đồng, hệ số sinh lời ROS lần lượt là 25% và 22,2%. Quy mô sản xuất của công ty vào giai đoạn đó là 36.000 tấn xỉ + gang/năm.

Đáng buồn là chỉ một năm sau đó, SQC bắt đầu chuỗi thua lỗ kéo dài liên tục 10 năm.

Tổng hợp từ BCTC SQC

Bức tranh khó khăn bắt đầu tư năm 2013 khi thị trường titan thế giới biến động theo chiều hướng giảm giá trong suốt cả năm. Giá các nguyên liệu titan như ritile tự nhiên, rutile nhân tạo, xỉ,.. Giảm mạnh 30%-40% so với đầu năm, làm đóng băng thị trường xỉ titan. 

Bên cạnh cầu, nguồn cung quặng thô cũng bị hạn chế ở Bình Định. Đến cuối năm 2013, SQC dừng hoạt động nhà máy xỉ. Doanh thu năm 2013 sụt giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế âm 27 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, tình hình kinh doanh không được cải thiện, dưới áp lực chi phí khấu hao, chi phí duy trì nhân viên, chi phí hoạt động,... công ty lỗ nặng các năm 2014-2016. Đến 2018, công ty cơ cấu lại các tài sản dài hạn, trả nợ vay, giảm chi phí tài chính và các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, nhờ đó giảm bớt lỗ.

Sau 10 năm, đến 31/12/2022, lỗ lũy kế của SQC là 179 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn lại 717 tỷ đồng. 

SQC thường được gắn với tên tuổi của ông Đặng Thành Tâm. Trước đây, vào năm 2009, vị doanh nhân này là người nắm giữ chi phối tới 60% vốn. Đồng thời, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) nơi ông Tâm làm Chủ tịch cũng nắm 6,9%, CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) sở hữu 5,7%.

Trong một diễn biến mới nhất, SQC thông báo, từ ngày 22/06/2022, sau khi đã bán thành công 3,5 triệu cổ phiếu SQC, CTCP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc không còn là cổ đông lớn từ ngày 22/06/2022.


(0) Bình luận
Sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng, một doanh nghiệp lập kỷ lục... lỗ 10 năm liên tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO