Lãi vượt kỳ vọng, ngân hàng lạc quan đặt mục tiêu năm mới

Hoàng Kim | 22:16 05/02/2022

Kết quả năm 2021 đã có, một số ngân hàng bắt đầu rục rịch lên kế hoạch năm 2022 với tâm thế nhiều kỳ vọng.

Lãi vượt kỳ vọng, ngân hàng lạc quan đặt mục tiêu năm mới
Trên 27 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính, có 20 nhà băng vượt mục tiêu lợi nhuận năm đề ra.

Hàng loạt ngân hàng có lợi nhuận vượt kế hoạch

Năm 2021 đánh dấu một năm khả quan với lợi nhuận tăng trưởng dương trên báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại. Số liệu cho biết phần lớn các ngân hàng đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận năm đề ra. 

Cụ thể, trên 27 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính, có 20 nhà băng vượt mục tiêu lợi nhuận năm đề ra. Trong đó có 4 ngân hàng vượt trên 20% kế hoạch gồm MSB (55%), SeABank (35%), VietABank (28%), MBB (25%). 

Trong đó MBB gây ấn tượng mạnh khi là ngân hàng lớn duy nhất nằm trong danh sách này. Năm 2021, thu nhập lãi thuần của MBB đạt 26.199 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước. Cùng với đó, các hoạt động ngoài lãi của MBB cũng tăng tốt như lãi thuần từ dịch vụ tăng 22%, kinh doanh ngoại hối tăng 69%, mua bán chứng khoán tăng 75%, lãi thuần từ hoạt động khác tăng gần gấp đôi cùng kỳ. 

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 của MBB đạt 16.527 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với kết quả năm trước. Kết quả này đã vượt xa mục tiêu của nhà băng đặt ra hồi đầu năm nay. 

khln.png
Chú ý: (*) là kết quả và kế hoạch riêng lẻ CTG

Năm 2021 vừa qua cũng là năm hàng loạt ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục, mặc dù con số này chưa hẳn đã thể hiện đúng và đủ thực chất kinh doanh nhờ hoạt động giãn nợ do ảnh hưởng dịch bệnh. 

Mặt khác, cũng có 9 nhà băng báo cáo lợi nhuận năm không đạt được kế hoạch đề ra.

Eximbank (EIB) dù đã thay đổi kế hoạch năm vào đúng ngày cuối cùng của năm 2021 với các chỉ tiêu đều điều chỉnh giảm, trong đó kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm xuống còn 1.300 tỷ nhưng chốt năm, EIB vẫn không đạt được khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.205 tỷ đồng. Kết quả này thậm chí còn giảm 10% so với lợi nhuận đạt được trong năm 2020. 

Đặt mục tiêu lợi nhuận 16.654 tỷ đồng cho năm 2021 tương đương tăng 27,9% so với năm 2020, nhưng VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ tăng 12%, đạt 14.580 tỷ đồng.

Trên thực tế, khoản lợi nhuận đạt được sau khi thoái vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit - VPB SMBC FC) đã đẩy lợi nhuận riêng lẻ của VPB lên tới 37.963 tỷ đồng, gấp 4 lần kết quả năm 2020. Tuy nhiên sau thoái vốn, đây vẫn là công ty con nên thu nhập này không ghi nhận trên báo cáo hợp nhất. Do vậy, xét về kế hoạch hợp nhất đề ra, VPB vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu năm. 

Một số nhà băng đặt ra mục tiêu tăng trưởng quá cao cho năm 2021 như SHB đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ (tăng 129,5% so với năm 2020), NCB đặt mục tiêu lợi nhuận thuần 1.000 tỷ hay kế hoạch lãi 1.100 tỷ tương ứng tăng trưởng 173% của VietBank lại chính là nguyên do khiến các đơn vị này không hoàn thành được kế hoạch năm. Đáng nói, SHB năm nay lợi nhuận tăng đến 90,5% và lọt vào Top 10 ngân hàng thương mại lãi lớn nhất ngành nhưng vẫn chưa hoàn thành được kế hoạch đề ra trước đó.

Rục rịch kế hoạch năm mới

Kết quả năm 2021 đã có, một số ngân hàng đã bắt đầu rục rịch lên kế hoạch năm 2022 để trình Ngân hàng Nhà nước và cổ đông trong kỳ họp cổ đông thường niên sắp tới. 

Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết trong năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng trưởng 12%. Mục tiêu huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng, tín dụng dự kiến tăng 12%. Nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.

Một ngân hàng lớn khác là Vietinbank cũng đưa ra định hướng để trình phê duyệt gồm Tổng tài sản tăng trưởng từ 5-10%, tín dụng tăng từ 10-14%, huy động vốn tăng trưởng 10-12%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2% và lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế cải thiện mạnh, mục tiêu tăng từ 10-20%. 

Trong khi đó, MSB sau khi vượt đến 55% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 đã tiếp tục đưa ra mốc 6.800 tỷ cho mục tiêu năm 2022, tương ứng tăng hơn 30%. Ngoài ra, mục tiêu tài sản tăng 15% lên 230.000 tỉ đồng, tín dụng tăng 25%, tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo MSB cũng cập nhật tiến độ bán cổ phần tại FCCOM cho biết ngân hàng đã ký thỏa thuận bảo mật với các đối tác. Lợi nhuận ước tính từ thương vụ bán 100% FCCOM khoảng 2.000 tỷ đồng và sẽ hoàn tất trong năm 2022.

Khá bất ngờ khi trải qua một năm không được như kỳ vọng nhưng HĐQT Eximbank cũng nhanh chóng công bố các chỉ tiêu kinh doanh lạc quan mà Ban điều hành ngân hàng đề xuất và đã được thông qua.

Trong đó mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên đến 2.500 tỷ đồng, tương ứng tăng tới 107% so với kết quả năm 2021. Ngoài ra, mục tiêu tổng tài sản đạt 179.000 tỷ, huy động vốn tăng 6,5%, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 13,5%.

Nhìn chung, các chuyên gia phân tích đều có dự báo tích cực về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong năm 2022.

Phía Công ty Chứng khoán Everest cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt 12-14% nhờ nhu cầu vay vốn và mua nhà tiếp tục tăng, các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao, chất lượng tài sản tốt tiếp tục được cấp thêm hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành. 

Dù NIM các ngân hàng trong ngành sẽ có sự phân hóa nhưng thu nhập ngoài lãi tiếp tục có triển vọng nhờ dư địa lớn từ mảng bancassurance. Các câu chuyện riêng của mỗi ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền thông minh trên thị trường thời gian tới. Do đó tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành này sẽ tiếp tục được duy trì ở mức tốt tương ứng với sự phục hồi của nền kinh tế. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lãi vượt kỳ vọng, ngân hàng lạc quan đặt mục tiêu năm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO