Hơn 10 tỷ USD mà ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup "bơm" cho VinFast bao gồm những gì?

Bạch Mộc | 07:28 28/04/2023

Không chỉ góp vốn thành lập công ty, các cổ đông sáng lập VinFast cũng đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay hàng tỷ USD của nhà sản xuất xe điện tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Hơn 10 tỷ USD mà ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup "bơm" cho VinFast bao gồm những gì?

Tuy việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ, VinFast vẫn có thể tạm yên lòng với cam kết tài trợ vốn từ người sáng lập mới đây.

Ngày 26/4, tập đoàn Vingroup, công ty cổ phần VinFast và ông Phạm Nhật Vượng ký thoả thuận cam kết, theo đó, trong vòng 1 năm tới, ông Vượng sẽ hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Tập đoàn Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay 1 tỷ USD thời hạn tối đa 5 năm. Tổng số tiền cam kết 2,5 tỷ USD.

Vingroup đã "bơm" bao nhiêu cho VinFast?

Tính đến hết năm ngoái, khoảng 8,2 tỷ USD đã được Vingroup, các công ty liên kết và bên cho vay bên ngoài sử dụng để tài trợ cho chi phí hoạt động và chi phí vốn của VinFast kể từ năm 2017, theo nội dung báo cáo F-1/A công bố hồi đầu tháng 3.

“Vingroup vẫn là nhà tài trợ cam kết cho sự phát triển và thành công của chúng tôi”, VinFast nêu. Nhà sản xuất xe điện Việt Nam tin rằng mối quan hệ lâu dài với Vingroup là một lợi thế cạnh tranh đáng kể, đáng chú ý nhất là việc chia sẻ chuyên môn và hợp tác phát triển phần mềm giữa hơn 1.100 kỹ sư trong hệ sinh thái Vingroup, giúp tạo công nghệ khác biệt cho VinFast.

Hết năm 2022, tổng tài sản trên sổ sách của VinFast đạt hơn 4,8 tỷ USD. Nguồn vốn tài trợ ghi nhận: 2,8 tỷ USD nợ ngắn hạn, 1,8 tỷ USD các khoản vay và nợ dài hạn chịu lãi suất, và 3,56 tỷ USD nợ dài hạn.

Trên thực tế, các khoản vay quốc tế VinFast hàng tỷ USD và cả trái phiếu phát hành trong nước hầu hết được bảo lãnh bởi tập đoàn Vingroup và các bên liên quan.

Một trong những bài toán của VinFast là làm sao huy động được nguồn tiền trả các nghĩa vụ nợ đến hạn trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh còn yếu những năm đầu. Lời giải không có gì bất ngờ chính là việc thông qua các khoản vay của bên liên quan, thuộc hệ sinh thái tập đoàn Vingroup.

Ngay cả khi VinFast tiến hành cơ cấu lại, chuyển sang chế độ sản xuất xe điện hoàn toàn, việc thanh lý dây chuyền sản xuất xe xăng (ICE), với mức giá trên 1 tỷ USD, cũng do CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (Vietnam Investment Group), cổ đông lớn của Vingroup và được sở hữu bởi hai vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng mua lại.

VIG đã đồng ý rằng, trong trường hợp công ty chuyển nhượng tài sản ICE cho bất kỳ bên thứ ba nào để lấy tiền mặt, cũng sẽ tái đầu tư vào VinFast.

Hàng nghìn xe điện Việt Nam đầu tiên đã được bàn giao cho khách hàng Mỹ

Đúng như cam kết đã tuyên bố cách đây nhiều năm, tập đoàn Vingroup đã dồn toàn lực cho VinFast và vẫn sẽ không dừng lại. Đáp lại hàng tấn tiền đã chi ra, nhà sản xuất xe điện Việt Nam đang đạt được những bước tiến quan trọng, hàng nghìn xe điện Việt Nam đầu tiên đã được bàn giao cho khách hàng Mỹ.

“Vingroup đã chính thức bước vào cuộc chơi toàn cầu với quyết tâm chinh phục thế giới”, ông Phạm Nhật Vượng viết trong báo cáo thường niên tập đoàn Vingroup 2022.

Nhưng chắc chắn VinFast sẽ không thể mãi sống bằng tiền và sự bảo trợ của các nhà sáng lập. Nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam sẽ phải tự đứng bằng đôi chân của mình thông qua việc tìm cách phát hành tăng vốn chủ sở hữu, huy động các nguồn vốn khác cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh lõi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hơn 10 tỷ USD mà ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup "bơm" cho VinFast bao gồm những gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO