Để giảm thiểu rủi ro và nguy cơ bất ổn tiềm tàng của nghề thẩm định giá

Lê Khang | 07:31 02/02/2022

Hội Thẩm định giá Việt Nam có kế hoạch bảo vệ ngành nghề về mặt pháp lý, ngăn ngừa tình trạng hình sự hóa các thiếu sót về hành chính gây hoang mang, lo lắng, rủi ro cho nghề.

Để giảm thiểu rủi ro và nguy cơ bất ổn tiềm tàng của nghề thẩm định giá
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh tính "độc lập - khách quan" trong thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá khi chia sẻ với MarketTimes về những câu chuyện xung quanh hoạt động thẩm định giá thời gian qua.

MarketTimes: Xin Chủ tịch cho biết vài nét chính về những kết quả hoạt động của Hội Thẩm định giá Việt Nam năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Năm 2021, Hội Thẩm định giá Việt Nam hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động gây nhiều bất lợi đến hoạt động của Hội.

Tuy vậy, nhờ phát huy những thuận lợi, đoàn kết và chủ động có những biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình, tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo nên Hội đã phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu trên các lĩnh vực hoạt động theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội đã đề ra cho năm 2021.

Trong đó, những thành công vượt trội nổi bật được đánh giá tập trung ở bốn lĩnh vực rất quan trọng như:

Tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, góp ý, phản biện, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giá, thẩm định giá theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần tạo lập môi trường pháp lý phù hợp hơn cho công tác quản lý về giá, thẩm định giá với cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Các ý kiến góp ý của Hội cơ bản đều được các cơ quan quản lý Nhà nước hoan nghênh và tiếp thu để hoàn thiện ban hành như: Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12; các giải pháp hoàn thiện quản lý Nhà nước trong hoạt động thẩm định giá; Đạo đức hành nghề thẩm định giá; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; Góp ý về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thẩm định giá, rà soát, sửa đổi bổ sung các Tiêu chuẩn thẩm định giá; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; Góp ý việc sửa đổi Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang; Những kiến nghị về cổ phần hóa đối với ngành kinh doanh nước sạch...

Tiếp tục tích cực gắn kết với các hội viên, tham gia có trách nhiệm cao nhất vào việc bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của các hội viên bằng các hình thức thích hợp thông qua các công việc như: Trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan truyền thông để làm rõ các kết quả thẩm định giá của một số Công ty thẩm định giá nhất là việc thẩm định giá các thiết bị y tế phòng chống dịch, thiết bị trường học, giáo dục, các tài sản mua sắm Nhà nước theo hình thức đấu thầu, đấu giá... Thường xuyên có những văn bản, những thông điệp bằng nhiều hình thức phù hợp để hướng dẫn góp ý tháo gỡ những vướng mắc về nghiệp vụ cho các doanh nghiệp hội viên và các việc cần chấn chỉnh đối với các thương vụ thẩm định giá của các hội viên; đồng thời giúp các doanh nghiệp có thêm cơ sở thực hiện trách nhiệm giải trình với các cơ quan có thẩm quyền...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá đạt thành tích nổi bật hơn năm 2020 cả về số lượng và chất lượng đào tạo. Tổng số các loại hình đào tạo Hội tổ chức được 24 khóa, trong đó tổ chức thành công 17 khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá cho 1.027 học viên, tăng 218% so với năm 2020; tổ chức thành công 7 lớp cập nhật kiến thức cho 931 thẩm định viên về giá trong cả nước. Từ kết quả đó Hội đã cung cấp cho Bộ Tài chính hàng ngàn học viên đủ điều kiện thi thẻ thẩm định viên về giá và hàng ngàn thẩm định viên về giá đủ điều kiện để Bộ Tài chính thông báo được hành nghề thẩm định giá năm 2022.

Công tác thông tin, tuyên truyền về giá, thẩm định giá cũng đạt được kết quả ấn tượng trên cơ sở chủ động triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức với tần suất tăng hơn năm 2020, được dư luận đồng tình như: Định hướng điều tiết giá hàng hóa dịch vụ; Các giải pháp điều hành giá điện, biểu giá bán lẻ điện bậc thang, giá xăng dầu, nước sạch sinh hoạt, giá sàn vé máy bay, giá thịt lợn, thẩm định giá máy – thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19... Tổ chức nâng cấp các kênh thông tin của Hội, thu hút 8.500.000 lượt người truy cập trang Website, 4.200 người đăng ký tham gia và theo dõi 2 trang Facebook của Hội.

Đặc biệt với một thành công mà chỉ nhiệm kỳ này mới làm được đánh dấu một bước phát triển mới của Hội đó là việc Hội đã tổ chức đưa Tạp chí điện tử Nhịp sống thị trường vào hoạt động.

Tạp chí trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Thẩm định giá Việt Nam, khẳng định vị thế mới của Hội, đồng thời là “cầu nối” hữu hiệu giữa các doanh nghiệp thẩm định giá với cơ quan quản lý Nhà nước và đang trở thành một trong những công cụ giúp Bộ Tài chính trong việc thông tin, tuyên truyền về pháp luật, về cơ chế chính sách giá, thẩm định giá của Nhà nước; tham mưu cho Bộ theo dõi, giám sát, quản lý lĩnh vực thẩm định giá có hiệu quả hơn.

Bước sang năm 2022, đây là năm cuối của nhiệm kỳ 2018-2022, do đó nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 của Hội là phải tổ chức thành công Đại hội cho nhiệm kỳ 2022-2027. Song song đó thì các nhiệm vụ cụ thể của năm 2022 Hội vẫn phải triển khai, phấn đấu hoàn thành nhiều chỉ tiêu đặt bằng và vượt năm 2021 như: Chủ động tham gia ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về thẩm định giá và các nội dung liên quan đến hoàn thiện quản lý Nhà nước về thẩm định giá, các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền có các giải pháp thiết thực góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nghiệp vụ trong hoạt động thẩm định giá. Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo cấp Chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá, các lớp đào tạo nâng cao, chuyên sâu, các lớp cập nhật kiến thức cho các thẩm định viên về giá. Chú trọng hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền.

Thúc đẩy hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá của các hội viên tuân thủ pháp luật; tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách vượt năm 2021; tất cả các doanh nghiệp hội viên được Bộ Tài chính xếp điểm chất lượng hoạt động đạt 80 điểm trở lên...

MarketTimes: Trong năm 2021 Hội Thẩm định giá Việt Nam đã có kiến nghị về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo môi trường minh bạch cho hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Đó là những kiến nghị gì thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Năm 2021, cũng là năm Hội đã có nhiều kiến nghị rất quan trọng, thiết thực với Bộ Tài chính góp phần tích cực vào việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho hoạt động thẩm định giá, hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá.

Hầu hết những kiến nghị của Hội đều được Bộ Tài chính xem xét tiếp thu; có những kiến nghị đã được đưa vào sửa đổi; bổ sung và hoàn thiện các quy định hiện hành; có những kiến nghị đã được xử lý trực tiếp tại cuộc họp Ban Chấp hành và có những kiến nghị được ghi nhận đưa vào lộ trình xử lý trong năm 2022, như: Các kiến nghị bổ sung điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá, điều kiện kinh doanh, điều kiện hành nghề thẩm định giá để kiểm soát việc tăng trưởng doanh nghiệp “nóng”; Kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá.

"Hội cũng có kế hoạch bảo vệ ngành nghề thẩm định giá về mặt pháp lý, ngăn ngừa tình trạng hình sự hóa các thiếu sót về hành chính gây hoang mang, lo lắng, rủi ro cho nghề..."

Tiến hành sửa đổi, bổ sung các Tiêu chuẩn thẩm định giá số 1, 5, 8, 9, 10. Đề nghị công nhận Chứng thư thẩm định giá đất vào diện xét thẩm định viên đủ điều kiện hành nghề.

Tổng kết, đánh giá những sai phạm vừa qua trong hoạt động thẩm định giá của một số doanh nghiệp, thẩm định viên để tuyên truyền, tập huấn cho toàn ngành góp phần ngăn chặn các sai phạm tương tự, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời có kế hoạch bảo vệ ngành nghề về mặt pháp lý, ngăn ngừa tình trạng hình sự hóa các thiếu sót về hành chính gây hoang mang, lo lắng, rủi ro cho nghề...

MarketTimes: Thưa ông, tính “độc lập – khách quan” là điều quan trọng nhất mà những người làm nghề thẩm định giá phải giữ. Theo ông, các thẩm định viên cần làm gì để luôn giữ cho mình ở tư thế “độc lập, khách quan”?.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: “Độc lập”, “Khách quan” trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá là hai nguyên tắc hành nghề cơ bản trong tám nguyên tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá chi phối hoạt động thẩm định giá.

Các nguyên tắc này đặt ra rất đúng về trách nhiệm tuân thủ các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trong việc phải tự điều chỉnh các mối quan hệ với pháp luật, với khách hàng thẩm định giá, hành vi ứng xử của bản thân và mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp... nhằm tạo ra những phẩm chất đạo đức chuẩn mực cần có, lương tâm nghề nghiệp, tận tâm, tận tụy với công việc, với nghề, với sản phẩm dịch vụ mình làm ra.

Nếu doanh nghiệp và thẩm định viên không có đạo đức nghề nghiệp, không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp sẽ không thể yêu nghề, gắn bó với nghề và sống bằng nghề. Không có đạo đức nghề nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ thất bại, không thể có uy tín, niềm tin và sự hợp tác lâu dài của khách hàng.

Vì thế, khi thực hiện tốt những nguyên tắc trên sẽ được coi là chìa khóa thành công của hoạt động nghề nghiệp và là nền tảng đưa lại những lợi ích thiết thực cho hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp và thẩm định viên; nâng cao được hình ảnh, danh tiếng và uy tín trên thị trường, giảm thiểu được các rủi ro và các nguy cơ bất ổn tiềm tàng có thể xảy ra đối với thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá.

Muốn thực hiện được các nguyên tắc đó, giữ được cho mình luôn ở thế độc lập, khách quan, về tổng quát: Doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá, đặc biệt là các quy trình thẩm định giá, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ; không chịu sự chi phối, tác động trái pháp luật (can thiệp, mua chuộc bằng lợi ích vật chất, bằng tình cảm...) của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá.

"Phải tôn trọng các chứng lý, sự vận động khách quan của thị trường, của các nhân tố hình thành giá".

Tuyệt đối không được “bóp méo” sự thật, thành kiến, thiên vị, suy diễn chủ quan vô căn cứ, áp đặt các thông tin, chứng lý thị trường không có thật, ban hành Báo cáo thẩm định giá, Chứng thư thẩm định giá theo chủ ý ngay từ trước khi tiến hành thẩm định giá...

MarketTimes: Thưa ông, thời gian qua là khoảng thời gian “khó khăn” với nghề thẩm định giá khi mà liên tục có các thẩm định viên bị bắt vì liên quan đến các vụ án kinh tế. Theo ông, có phải đã đến lúc cần “báo động” về đạo đức nghề nghiệp của các thẩm định viên về giá?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Đạo đức nghề nghiệp về thẩm định giá được coi là vấn đề “sống còn”, “thành bại” của nghề thẩm định giá. Vì thế không phải thời gian gần đây khi xuất hiện những rủi ro pháp lý về đạo đức nghề nghiệp trong thẩm định giá chúng ta mới quan tâm nhắc nhở, “rung chuông” cảnh báo những người làm nghề và mới chú trọng đến công tác chấn chỉnh việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Ngay từ những năm đầu khi hoạt động thẩm định giá ra đời và trở thành một ngành nghề trong xã hội thì Nhà nước đã rất chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong thẩm định giá: Bằng chứng là ngày 18/4/2005 Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 3 về “Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản”; Đến năm 2014 thì Tiêu chuẩn trên được Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng Tiêu chuẩn thẩm định giá số 1. Về phía Hội: ngày 1/8/2018, Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng đã ban hành “Quy tắc đạo đức trong hoạt động của Hội Thẩm định giá Việt Nam” áp dụng trong nội bộ Hội.

Chính những quy định trên đã tạo ra một hành lang pháp lý cần thiết để thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá có thể thực hiện công việc với chất lượng cao, tuân thủ pháp luật và cung ứng dịch vụ thẩm định giá tốt nhất cho khách hàng thẩm định giá.

Bên cạnh việc ban hành các chuẩn mực đạo đức đó và để các chuẩn mực được thực thi có hiệu quả trong cuộc sống; hàng năm, Bộ Tài chính, Hội Thẩm định giá Việt Nam đều tổ chức tập huấn, tuyên truyền, cập nhật kiến thức, kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động thẩm định giá, xử lý những sai phạm trong hoạt động thẩm định giá hoặc có công văn, thông điệp nhắc nhở, yêu cầu các doanh nghiệp, thẩm định viên tuân thủ pháp luật về thẩm định giá, đặc biệt là tuân thủ những quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong thẩm định giá.

"Các sai phạm liên quan đến thẩm định giá vừa qua không nhiều, không mang tính chất đại diện cho ngành nghề, cho các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên về giá!".

Chính vì cách làm như vậy nên về cơ bản đại đa số các doanh nghiệp, các thẩm định viên về giá đã thực hiện tốt những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được khách hàng thẩm định giá tín nhiệm, xây dựng được thương hiệu trên thị trường, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Nhưng, đáng tiếc và rất buồn là có một số doanh nghiệp, thẩm định viên tính tuân thủ kém dẫn đến những sai phạm và bị cơ quan pháp luật khởi tố hình sự, một số thẩm định viên, giám đốc doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý...

Mặc dù các sai phạm đó xảy ra không nhiều, không mang tính chất đại diện cho ngành nghề, cho các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên về giá, nhưng lại là các sai phạm trong các vụ án kinh tế mang tính điển hình, bị xã hội lên án, các phương tiện thông tin đại chúng “bêu tên” và “thổi bùng” lên những tiếng xấu làm phương hại đến uy tín ngành nghề như: “Thẩm định giá: Những chiêu làm xiếc với tài sản Nhà nước”, “Những màn phù phép thổi giá”, “Độc chiêu thổi giá”, “Gian lận trong thẩm định giá”...

Nguyên nhân để xảy ra những sai phạm có yếu tố khách quan là: Những “mặt trái” của cơ chế thị trường tác động kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý; sức ép về việc làm, của cuộc sống mưu sinh; sự đòi hỏi bất hợp lý (thậm chí lừa dối với mưu đồ tư lợi) của khách hàng có tài sản thẩm định giá; thông tin thị trường thiếu minh bạch, công khai; một số quy định của pháp luật về thẩm định giá giữa các ngành còn vướng mắc, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo; Cạnh tranh trong hoạt động thẩm định giá diễn ra phức tạp...

Nhưng suy cho cùng thì nguyên nhân chủ quan thuộc về doanh nghiệp, thẩm định viên vẫn là yếu tố quyết định, đó là: Sự thiếu gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện; tính tự giác, tính tuân thủ pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp và thẩm định viên yếu kém trước những cám dỗ vật chất trong quá trình hành nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nhận thức còn bất cập...

Công tác giáo dục đạo đức hành nghề của doanh nghiệp đối với thẩm định viên chưa làm thường xuyên – thậm chí có nơi bị buông lỏng – chưa xây dựng đạo đức hành nghề thành nếp văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời chưa có cơ chế kiểm soát đạo đức hành nghề trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá...

Để chữa trị “Căn bệnh” trên không để tiếp tục “di căn” thêm nữa, tôi nghĩ rằng cả cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, thẩm định viên cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật về đạo đức hành nghề thẩm định giá và các nguyên nhân nêu trên để cùng có những giải pháp, những thiết chế để xử lý có hiệu quả lấy lại niềm tin của xã hội đối với ngành nghề.

MarketTimes: Cả nước đang có hơn 400 doanh nghiệp được cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, trong khi định hướng phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 chỉ là 250 doanh nghiệp. Việc phát triển “nóng” về số lượng doanh nghiệp được cho là nguyên nhân làm cho chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng xấu, ông nhận định như thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá trong thời gian vừa qua đúng là có sự tăng trưởng nóng về số lượng doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập và hoạt động, nó đã có những tác động có cả tích cực và chưa tích cực đến thị trường thẩm định giá.

Từ đó, có những ý kiến đánh giá, nhận định việc tăng trưởng nóng về số lượng doanh nghiệp thẩm định giá đã có những ảnh hưởng nhất định đến việc bảo đảm chất lượng dịch vụ thẩm định giá. Tôi cho rằng xét về hiện tượng dễ thấy nhất thì có những khía cạnh đúng, có tác động nhất định đến chất lượng dịch vụ.

"Số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nóng hay không nóng không phải là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ mà là do chất lượng của con người làm ra dịch vụ đó quyết định chất lượng dịch vụ..."

Ví dụ như khi số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nóng (lại không gắn với chất lượng doanh nghiệp) cùng kinh doanh một loại dịch vụ trong điều kiện các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu: “Cá lớn nuốt cá bé” hoặc “cá bé rỉa cá lớn” để giành giật thị trường, tranh giành khách hàng thẩm định giá thông qua các thủ đoạn: Sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu mong muốn, những điều kiện bất hợp lý của khách hàng không phù hợp quy định của pháp luật và chứng lý thị trường; bớt xén quy trình thẩm định giá, thỏa thuận giá dịch vụ bất hợp lý...

Nhưng suy cho cùng về bản chất đây là một ngành kinh doanh mà sản phẩm của nó được làm ra từ kiến thức, trí tuệ của con người thì dù quy mô doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lớn hay nhỏ (vốn nhiều hay ít, số lượng thẩm định viên đông hay không), số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nóng hay không nóng không phải là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ mà là do chất lượng của con người làm ra dịch vụ đó quyết định chất lượng dịch vụ...

Chất lượng của con người ở đây muốn nói đến phẩm chất cốt lõi của con người trong hoạt động nghề nghiệp chính là đạo đức nghề nghiệp, là con người ở đây chính là các thẩm định viên về giá trong từng doanh nghiệp hội tụ đủ các tiêu chuẩn đạo đức và trình độ chuyên môn nghề nghiệp thẩm định giá gồm: Độc lập, chính trực, khách quan, bảo mật, công khai minh bạch, năng lực chuyên môn và tính thận trọng, tư cách nghề nghiệp, tuân thủ chuyên môn...

MarketTimes: Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Để giảm thiểu rủi ro và nguy cơ bất ổn tiềm tàng của nghề thẩm định giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO